Thứ Năm, 16/02/2017 11:19

Cơ hội bị bỏ lỡ và thách thức mới

LTS: Năm 2017 đánh dấu 10 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở rộng cửa làm ăn với thế giới. Thời điểm 10 năm trước, chúng ta tràn trề kỳ vọng phát triển. Còn giờ đây, trên bình diện chung có những chuyển biến tích cực nhưng không thể không thấy rằng chúng ta cũng đã bỏ lỡ các cơ hội để làm tốt hơn nữa nhằm tạo sức mạnh đề kháng cho mình trước những biến động có thể đến - như cú sốc bảo hộ mậu dịch mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang kích hoạt. TBKTSG trao đổi với các chuyên gia Nguyễn Tiến Lập(*) và Nguyễn Quang Đồng(**).

Chính phủ đang xem xét sửa đổi việc hạn chế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ. Ảnh: TLTBKSG

TBKTSG: Điều đáng tiếc nhất, theo ông, trong 10 năm gia nhập WTO của nước ta, là gì? Chúng ta nói nhiều đến áp lực cải cách, giờ nhìn lại ông thấy thế nào?

“Điều đáng tiếc nhất chính là chúng ta đã chưa tận dụng mở cửa, hội nhập mà đỉnh cao là gia nhập WTO, làm một cơ hội để thúc đẩy tiến trình cải cách ở trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế”. Ông Nguyễn Tiến Lập

- Ông Nguyễn Tiến Lập: Các điểm tích cực của 10 năm Việt Nam gia nhập WTO thật dễ thấy như quy mô GDP tăng trưởng từ 71 lên trên 200 tỉ đô la Mỹ, đặc biệt là tăng trưởng xuất khẩu hơn năm lần, hay các con số tăng cao về vốn đầu tư nước ngoài và số lượng doanh nghiệp trong nước... Tuy nhiên, tôi cho rằng mục đích hay ý nghĩa thật sự của các nước như Việt Nam và Trung Quốc khi gia nhập WTO không chỉ là mở cửa, hội nhập để tăng trưởng GDP, mà quan trọng hơn là tạo ra các áp lực hay “cú hích” để thúc đẩy cải cách trong nước, đặc biệt là cải cách về thể chế cho phát triển bền vững.

Điều đáng tiếc nhất, do đó, theo tôi chính là chúng ta đã chưa tận dụng mở cửa, hội nhập mà đỉnh cao là gia nhập WTO, làm một cơ hội để thúc đẩy tiến trình cải cách ở trong nước, đặc biệt là cải cách thể chế. Bởi suy cho cùng, muốn hội nhập mà không đánh mất mình, một quốc gia cần phải có thể chế tốt và doanh nghiệp mạnh, thiếu hai thứ đó, e rằng càng hội nhập sâu, chúng ta càng trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào bên ngoài.

- Ông Nguyễn Quang Đồng: Lựa chọn hội nhập vào thị trường toàn cầu, tham gia WTO là hướng đi đúng. Nhưng nhìn lại chặng đường 10 năm, cá nhân tôi cho rằng khó có thể nói chúng ta đã đạt những kết quả như mong đợi. Lợi ích ròng thu được từ WTO, lớn nhất thuộc về khối FDI, chứ không phải là doanh nghiệp Việt Nam, và người dân nói chung.

Điều đáng tiếc nhất, theo tôi, là chưa tận dụng cơ hội này để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, gỡ bỏ các rào cản kinh doanh để giải phóng khu vực tư nhân trong nước và tạo môi trường cho khu vực này lớn mạnh.

“Với thể chế như hiện nay, không thể đòi hỏi doanh nghiệp lớn mạnh để tận dụng cơ hội WTO”. Ông Nguyễn Quang Đồng

Những rào cản bên ngoài, tức hàng rào thuế quan và hạn ngạch - WTO đã gỡ bỏ, nhưng nội lực doanh nghiệp chúng ta quá yếu, do đó không tận dụng được cơ hội mà WTO mang lại. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI đã tận dụng triệt để điều đó.

Nhưng doanh nghiệp yếu không chỉ do lỗi của bản thân họ. Lỗi lớn nhất thuộc về quản lý, về thể chế. Thứ nhất, 10 năm tham gia WTO cũng là 10 năm chúng ta chứng kiến sự bùng phát trở lại của biến tướng giấy phép con, của nhũng nhiễu từ bộ máy hành chính đối với doanh nghiệp, bóp nghẹt tiềm năng phát triển của họ. Các doanh nghiệp thân hữu, gồm cả các ông lớn “doanh nghiệp nhà nước”, “đại gia” thân hữu, đã bóp méo chính sách và trục lợi, chèn ép khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn là “động cơ” tăng trưởng bền vững nhất cho nền kinh tế. Thứ hai, méo mó thể chế khuyến khích những nguồn lực quý giá, ít ỏi chảy vào vào đầu cơ (bất động sản, tài chính) để kiếm lợi nhuận nhanh, dễ dàng, trong ngắn hạn, thay vì khuyến khích nguồn lực chảy vào những lĩnh vực tạo ra thay đổi công nghệ, nâng cao năng suất - yếu tố vốn là nền tảng cho phát triển bền vững.

TBKTSG: Theo ông, mặt trái (nếu có) của “thập niên WTO” đang thể hiện ở chỗ nào? Điều đó do nguyên nhân khách quan từ bản thân “cơ chế WTO” hay do chủ quan của chúng ta? Bài học kinh nghiệm trong chuyện này là gì?

- Ông Nguyễn Tiến Lập: WTO hướng đến thực hiện sứ mệnh chung là thương mại tự do, công bằng, minh bạch và an toàn. Điều này cần thiết cho mọi quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam. Mục tiêu của mỗi nước thành viên, tuy nhiên lại không phải là thương mại tự do mà chính là thông qua con đường này để xây dựng và phát triển nội lực, bao gồm các thành tố toàn diện từ chính trị, kinh tế đến xã hội. Xét trong bối cảnh hội nhập, các thành tố này được chỉ số hóa theo cấp độ năng lực cạnh tranh toàn cầu của từng quốc gia. Đáng buồn là sau 10 năm gia nhập WTO, tốc độ tăng bậc về năng lực cạnh tranh toàn diện với 12 chỉ tiêu của Việt Nam khá chậm, chỉ tiến được 6-8 bậc, bằng hơn nửa của Trung Quốc cho cùng thời kỳ 10 năm tương tự, chưa nói đến xu hướng lại đang tụt hạng. Mặt trái đáng lo ngại của Việt Nam sau gia nhập WTO chính là điều này.

Nói một cách cụ thể, tự do thương mại toàn cầu tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trở thành doanh nghiệp toàn cầu trên một sân chơi rộng lớn. Tuy nhiên, do thiếu sức mạnh để cạnh tranh cả về tổ chức, quản trị và sản phẩm, chúng ta đang đối mặt với tình trạng nguy cấp về doanh nghiệp bị thôn tính, thị trường trong nước bị chiếm lĩnh và sản phẩm mang thương hiệu Việt ngày càng lép vế hay thậm chí bị triệt tiêu bởi các yếu tố nước ngoài.

- Ông Nguyễn Quang Đồng: 10 năm gia nhập WTO, GDP chúng ta vẫn tăng và tăng cao hơn trung bình của nhiều nước khác. Điều đó đúng, nhưng GDP chỉ phản ánh thực tế là quy mô nền kinh tế của chúng ta đã tăng lên, GDP không nói cho chúng ta biết, cái bánh to hơn đó được “phân chia” như thế nào. Ở đây, GINI, chỉ số đo bất bình đẳng thu nhập, cho chúng ta biết tốt hơn về việc “chia bánh”. Căn cứ vào số liệu về GINI của Ngân hàng Thế giới thì bất bình đẳng đã gia tăng. Nếu năm 1992, Gini là 35,7 thì năm 2002 là 37,3 và một thập kỷ sau 2012 đã tăng lên 38,7. Điều tra về mức sống hộ gia đình được thực hiện vào năm nay, 2017, sẽ cập nhật số liệu về GINI, cho phép chúng ta biết chính xác hơn xem khoảng cách thu nhập giữa các nhóm dân cư có tiếp tục gia tăng hay không. Qua các bằng chứng gián tiếp về hệ thống thuế thu nhập; về xu hướng tiêu dùng; cũng như trực tiếp từ quan sát cá nhân, tôi cho rằng bất bình đẳng xã hội sẽ tiếp tục gia tăng.

Hệ thống an sinh xã hội, các chính sách về giáo dục, y tế, với tư cách là công cụ chính sách giúp “tái phân phối” thu nhập, điều hòa bất bình đẳng, khó có thể nói là đạt được nhiều bước tiến trong 10 năm qua. Một yếu tố không thể bỏ qua nữa là chất lượng môi trường sống đi xuống, khiến nguy cơ bệnh tật tăng thêm, chi phí y tế lớn hơn. Người nghèo lại gánh chịu nhiều tổn thất hơn.

Một lần nữa, yếu tố thể chế, chất lượng xây dựng và thực thi chính sách, đã chưa tạo ra được một hệ thống phúc lợi tốt nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân.

TBKTSG: Năm 2017 là bước ngoặt thời gian nhìn lại quá khứ nhưng cũng có thể là mốc đánh dấu tương lai. Ông Donald Trump - Tổng thống Mỹ - có quan điểm và một số động thái kích hoạt xu hướng bảo hộ mậu dịch mới. Thực tế này có ảnh hưởng như thế nào đến hành trình mở cửa, hội nhập của Việt Nam?

- Ông Nguyễn Tiến Lập: Có lẽ chúng ta vẫn quan niệm hội nhập theo một cách máy móc là đàm phán, ký kết và tuân thủ các hiệp định. Đó chỉ là một phần của những gì đang diễn ra và thuộc về công việc của các chính phủ. Còn một khía cạnh khác của hội nhập ít được nhắc đến, nhưng sôi động và phong phú hơn nhiều. Đó là các doanh nghiệp và người dân tự hội nhập thông qua du lịch, học tập, trao đổi thông tin qua mạng và kinh doanh điện tử vốn bị chi phối ít hơn bởi các khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa các quốc gia. Trong thời đại ngày nay, xin nhớ rằng mỗi cá nhân và doanh nghiệp dù ở đâu cũng đều có cơ hội trở thành công dân và thực thể toàn cầu, ít nhất là trong thế giới và không gian mạng. Bởi thế, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có xu hướng bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ có thể tác động hạn chế đến một số khu vực nào đó của đời sống kinh tế - xã hội ở cả nước Mỹ và Việt Nam, thậm chí nhất thời trong nhiệm kỳ của ông ta. Cho nên, tôi cho rằng, nếu quan niệm về hội nhập khác đi, chúng ta có thể phải điều chỉnh ít nhiều nhưng về căn bản không có gì phải lo ngại cả.

TBKTSG: Toàn cầu hóa là xu thế không thể đảo ngược, nhưng ra biển lớn thì gặp sóng lớn, là phản tự do cạnh tranh như bảo hộ nhất thời. Nếu lỡ đoàn tàu mang tên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP thì chúng ta cần lên chuyến tàu nào khác? Phải chăng, dù định đi đâu thì mục tiêu quan trọng nhất là đi để làm gì - thành quả thịnh vượng phải được chia đều cho dân chúng, thể hiện qua việc rút ngắn bất bình đẳng trên các lĩnh vực?

- Ông Nguyễn Tiến Lập: Đúng vậy, trong bối cảnh mới này, TPP suy cho cùng chỉ là một đoàn tàu nào đó và luôn luôn có các đoàn tàu khác để chúng ta lựa chọn. Vấn đề là cho đến giờ, hầu như rất ít doanh nghiệp, người nông dân và người lao động Việt Nam có sự chuẩn bị tốt để lên bất cứ đoàn tàu nào. Cho nên quá trình hội nhập rất tiếc vẫn chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm thiểu số nhất định và có lợi thế trong xã hội. Việc quan trọng và đúng đắn, do đó và theo tôi, là Việt Nam phải tăng cường nội lực thông qua cải cách tiếp tục và toàn diện để nâng cao sức cạnh tranh, đồng thời cải thiện mức sống của người dân và bảo đảm công bằng xã hội bằng cách dân chủ hóa và chống tham nhũng một cách thật sự. Để đóng được vai trò kiến tạo, phát triển và phục vụ, Chính phủ phải nỗ lực thay đổi và hoàn thiện theo hướng này.

(*) Luật sư NHQuang & Cộng sự, Trọng tài viên VIAC

(**) Chuyên gia chính sách công độc lập

Tính chuyện hạn chế nước ngoài vào lĩnh vực bán lẻ

Chính phủ đang xem xét sửa đổi một văn bản pháp luật về hạn chế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam giành lại thị phần đang rơi dần vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.

Đây là tinh thần của văn bản kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ và dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP, theo tin từ Văn phòng Chính phủ.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 23 nêu trên phải được báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quí 1-2017, và cần sửa đổi, bổ sung, giải trình làm rõ một số nội dung lớn.

Chẳng hạn, dự thảo cần bổ sung nguyên tắc xem xét, cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa hoặc hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, thực hiện quyền phân phối bán lẻ tại Việt Nam trong trường hợp chưa cam kết hoặc mở rộng hơn, nhanh hơn so với cam kết quốc tế theo hướng không nới lỏng hơn các điều kiện, mở rộng hơn, sớm hơn cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, chỉ xem xét, cho phép vượt cam kết đối với trường hợp thật sự mang lại lợi ích đáng kể cho Việt Nam và quy định cụ thể các tiêu chí để đánh giá lợi ích này (như về việc làm, thu nhập cho người lao động, không tạo bất lợi đối với doanh nghiệp trong nước…).

Dự thảo cần hạn chế tối đa việc xem xét, cấp phép cho cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được bán lẻ những mặt hàng Việt Nam không cam kết. Việc xem xét, cấp phép cần gắn với việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có cam kết hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này; đồng thời, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nhất là đối với việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ Luật Đầu tư và lộ trình, cam kết quốc tế; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ.

Các địa phương liên quan quán triệt chủ trương hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và mạng lưới phân phối bán lẻ trong nước thông qua việc bố trí quỹ đất, mặt bằng dành cho hoạt động phân phối, nhất là đối với doanh nghiệp trong nước; quản lý chặt chẽ việc phát triển mạng lưới bán lẻ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là việc áp dụng thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Bổ sung quy định kiểm soát đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thành lập, góp vốn, mua lại các tổ chức kinh tế hoạt động bán lẻ tại thị trường trong nước; bổ sung quy định về quản lý, thành lập cơ sở bán buôn hàng tiêu dùng.

http://www.thesaigontimes.vn/156952/Co-hoi-bi-bo-lo-va-thach-thuc-moi.html

Các tin tức khác

>   Ổn định lãi suất 2017 – Nhiệm vụ có khả thi? (15/02/2017)

>   Xuất siêu 1.15 tỷ USD trong tháng 1/2017 (13/02/2017)

>   Vốn FDI từ Trung Quốc rót mạnh vào Việt Nam tháng đầu năm (12/02/2017)

>   Lạm phát lấy lại “phong độ”? (11/02/2017)

>   Chính phủ sẽ tạo thuận lợi thay vì hỗ trợ doanh nghiệp (09/02/2017)

>   Nợ, trả nợ và khủng hoảng (09/02/2017)

>   Australia hướng tới thỏa thuận “TPP-1” sau khi Mỹ rút lui (08/02/2017)

>   Thu hút FDI trước kỳ vọng mới (08/02/2017)

>   PwC: Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 29 vào năm 2030 (07/02/2017)

>   Quốc hội sẽ “quản” tiền chặt hơn? (06/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật