Thứ Ba, 28/02/2017 10:10

Một năm viên mãn của cổ phiếu thép

Nhờ lượng hàng tồn kho nhập mới giá rẻ trước con sóng tăng giá thép toàn cầu mà lợi nhuận biên bán hàng tại các doanh nghiệp thép niêm yết trong năm 2016 tăng cao đáng kể. Cùng với đó, hưởng lợi từ chính sách bảo hộ cũng như sự ấm dần của thị trường xây dựng, tổng lợi nhuận toàn ngành tăng xấp xỉ 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 10,564 tỷ đồng.

Theo dữ liệu thống kê báo cáo tài chính (BCTC) của Vietstock, tổng doanh thu thuần năm 2016 của doanh nghiệp ngành thép đang niêm yết đạt 113,586 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2015. Có thể nói, bước sang năm 2016 với sự trỗi dậy của lĩnh vực xây dựng và bất động sản, ngành thép được hưởng lợi và khởi sắc trở lại sau một thời gian dài gặp khó khăn. Cùng với đó, chính sách hỗ trợ tự vệ của Bộ Công thương bước đầu đã giúp doanh nghiệp thép Việt Nam dần chấm dứt tháng ngày chật vật trong bối cảnh cạnh tranh với nguồn cung giá rẻ từ Trung Quốc.

Kết quả là, từ con số 6 đơn vị báo lỗ với mức lỗ hơn 537 tỷ đồng (năm 2015) đến nay tất cả đơn vị toàn ngành đều có lãi, ngoại trừ Đầu tư và Phát triển Doanh nghiệp Việt Nam (HNX: FID) vẫn chưa công bố BCTC 2016. Như vậy, tổng lợi nhuận toàn ngành (20 doanh nghiệp niêm yết) thu về hơn 10,564 tỷ đồng, gấp 1.6 lần so với giá trị thu về năm 2015 (4,063 tỷ đồng), trong đó chỉ duy nhất Công ty Sóc Sơn (DPS) có mức sụt giảm lãi ròng hơn 17%.

Kết quả kinh doanh doanh nghiệp thép năm 2016
Đvt: Tỷ đồng

Doanh thu thuần đạt hơn 33,283 tỷ đồng, lãi ròng xấp xỉ 6,602 tỷ đồng, lần lượt chiếm 23% và gần một nửa giá trị toàn ngành là những con số ấn tượng tại “ông lớn” Hòa Phát (HPG). Theo đó, Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục khẳng định vị thế đầu ngành với doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đều xếp hạng quán quân trong năm 2016. Lãi ròng tính riêng quý 4/2016 của Tập đoàn đạt 1,950 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ là do sản lượng thép xây dựng tăng 62% và ống thép tăng 50%, phía HPG cho biết.

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, HPG đặt kế hoạch doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến đạt 38,000 tỷ đồng, chỉ tăng 12% so với kết quả thực hiện năm 2016, thậm chí lợi nhuận sau thuế giảm 24%, tương đương đạt 5,000 tỷ đồng.

Xếp vị thứ hai trong vị trí toàn ngành là một tên tuổi lớn khác, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) với doanh thu thuần niên độ tài chính 2015 - 2016 đạt 17,894 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch và lợi nhuận sau thuế đạt 1,504 tỷ đồng, vượt gấp đôi so với chỉ tiêu cả năm. Bức tranh hoạt động kinh doanh tại HSG khá đẹp với doanh thu và lợi nhuận đồng thuận tăng đều hằng năm, lần lượt đạt 29% và 15% về tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016. Kế hoạch năm 2017, Tập đoàn dự kiến con số là 23,000 tỷ đồng doanh thu và 1,600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tiếp tục đà tăng lần lượt 29% và 10% so với cùng kỳ năm 2016.

 

Có thể thấy rằng, nếu chỉ tính riêng hai doanh nghiệp đầu ngành nêu trên, con số doanh thu thuần tổng đã đạt 51,177 tỷ đồng, chiếm hơn 45%, và lợi nhuận sau thuế tổng xấp xỉ 8,106 tỷ đồng, chiếm đến 77% giá trị toàn ngành.

Song, nếu xét về tốc độ tăng trưởng, đầu tiên phải kể đến Thép Pomina (POM), mặc dù doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng nhờ chi phí tài chính được cắt giảm đáng kể, kết quả là lợi nhuận sau thuế đạt hơn 301 tỷ đồng, ghi nhận mức tăng gấp hơn chục lần và là thành quả nổi trội trong 5 năm qua.

Riêng quý cuối năm 2016 thì POM đã đóng góp hơn phân nửa lợi nhuận của cả năm, ghi nhận 179 tỷ đồng, gấp 28 lần cùng kỳ và là mức cao nhất trong 22 quý gần đây.

Mặc dù 2016 được xem là năm “bội thu” của ngành thép với 20/21 doanh nghiệp tăng lãi mạnh, nhưng áp lực giá vốn nặng nề khiến duy nhất công ty Thép Sóc Sơn (DPS) chịu sụt giảm lãi ròng hơn 17%. Cụ thể, doanh thu năm 2016 của DPS thu về đạt 1,104 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ, tuy nhiên chỉ mới thực hiện được hơn 55% kế hoạch. Theo đó, Công ty chỉ đạt 15 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm hơn 17% so với kết quả thực hiện năm 2015.

Phía DPS cho biết, với lượng hàng tồn kho từ quý 3 và nhập trong quý 4 còn nhiều, trong bối cảnh Công ty lại đang cần nguồn tiền để đầu tư mở rộng nhà xưởng và kho bãi nên đã thực hiện chính sách hỗ trợ cho khách hàng mua thép. Kết quả là, chi phí giá vốn được đẩy tăng cao so với cùng kỳ, từ mức 985 tỷ tăng lên hơn 1,070 tỷ đồng.

Nhờ lãi lớn trong năm 2016, POM không những đã được xóa lỗ lũy kế mà còn có lãi ròng chưa phân phối 89 tỷ đồng, tạo tiền đề giúp Công ty thoát khỏi diện cảnh báo.

Cũng không thể không nhắc đến sự tăng trưởng đáng kể của Thép Nam Kim (NKG) trong năm 2016 khi mà doanh thu thuần Công ty đạt 8,936 tỷ đồng (tăng hơn 55%), lãi ròng thu về 519 tỷ đồng (tăng hơn 312%), tương ứng vượt 13% và 60% chỉ tiêu năm. Ngoài ra, Thép Dana - Ý (DNY) cũng ghi nhận mức tăng trưởng lãi ròng mạnh, hơn 136%, từ 8 tỷ năm 2015 lên hơn 19 tỷ đồng năm 2016 (doanh thu thuần DNY tăng nhẹ hơn 15%, đạt 1,986 tỷ đồng). Theo giải trình, công ty đã tiết kiệm được các khoản chi phí cố định nhờ đẩy mạnh công tác bán hàng, thúc đẩy doanh thu tăng cao.

Một số doanh nghiệp tăng trưởng cao khác như Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) với mức tăng lãi ròng năm 2016 đạt 136%, tương đương 205 tỷ đồng hay Thương Mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNA) cũng tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng, tăng hơn 102% đạt 111 tỷ đồng, …

Top 10 doanh nghiệp thép niêm yết có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất năm 2016

Những pha đảo chiều ấn tượng

Được biết, thời điểm đầu năm 2016, giá thép trên thị trường thế giới tăng cao, tác động khiến giá thép trong nước theo đó biến động mạnh. Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp thép Việt Nam đã nhập được lượng hàng tồn kho giá thấp trước đó, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng một cách đột biến so với cùng kỳ.

Thép Tiến Lên là một minh chứng điển hình nhất cho thấy doanh nghiệp trong ngành hưởng lợi như thế nào từ việc trữ hàng tồn kho giá thấp. Cụ thể, tính riêng quý 4/2016, mặc dù doanh thu thuần giảm nhẹ trước bất ổn kinh tế toàn cầu nói chung (đạt 1,179 tỷ đồng), tuy nhiên giá vốn hàng bán giảm được đáng kể, từ con số 1,400 tỷ đồng xuống còn 987 tỷ đồng với lý do nêu trên, giúp lợi nhuận gộp mang về đạt đến 191 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ hơn 127 tỷ đồng do TLH đã kinh doanh dưới vốn). Theo đó, lợi nhuận sau thuế Công ty lũy kế cả năm 2016 đạt hơn 456 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2015 lỗ đến 169 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi

Cùng câu chuyện với TLH, Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) cũng vừa khép lại một năm với kết quả lãi ròng gần 362 tỷ đồng, gấp 6 lần kế hoạch. Cụ thể, giá thép nhập khẩu tiếp tục tăng khá tốt đến cuối năm, cùng với việc Tập đoàn đã chốt được các lô hàng tại thời điểm giá giảm vào cuối quý 2/2016, lần lượt nhập về trong quý 3 và quý 4, đã làm lợi nhuận biên từ bán hàng tăng 200%. Đồng thời giá vốn của SMC ghi nhận giảm 88% do giá thép thị trường tăng cao hơn so với giá thép tồn kho và giá thép nhập về trong quý. Như vậy, với lợi nhuận biên tốt, SMC đã có dòng tiền mạnh trong thời gian thu tiền hàng quay vòng, tận dụng thời gian lệch pha giữa thu tiền hàng và trả nợ để tối ưu hóa dòng tiền thông qua gửi tiền ngắn hạn, nên doanh thu tài chính cả năm SMC tăng 23% (đạt hơn 64 tỷ đồng). Từ đó mang về cho SMC lãi ròng đạt gần 362 tỷ, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 196 tỷ đồng.

Đặc biệt, lãi lớn năm 2016 cũng đã giúp Thép Việt - Ý (VIS) “cải tử hoàn sinh”, thoát khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 24/02/2017 nhờ lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2016 là gần 73 tỷ đồng giúp công ty xóa được lỗ lũy kế hình thành trước đó.

Phía VIS có chia sẻ, quý 4/2016 do hầu hết giá các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất thép tăng nên nhà máy thép xây dựng đều tăng giá bán để bù đắp chi phí sản xuất. Đồng thời, nhà máy phôi thép sản xuất tối đa công suất đáp ứng được nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào của nhà máy cán và đã tiêu thụ một phần ra thị trường, từ đó tiết giảm đáng kể chi phí cố định.

Nhiều cổ phiếu thép đi lên từ đáy

Hoạt động kinh doanh hỗ trợ tích cực giúp cho cổ phiếu ngành thép nhìn chung rất phấn khởi trong năm 2016. Tổng quan có 16/20 doanh nghiệp tăng giá với tốc độ tăng trung bình toàn ngành đạt 67%. Diễn biến này có thể nói là trái ngược hoàn toàn với năm 2015 khi mà hầu hết các cổ phiếu trong ngành thép đều lao dốc không phanh trước viễn cảnh kinh doanh khó khăn.

Chẳng hạn như DTL, thoát đáy 5,800 đồng/cp trong năm 2015 (vào ngày 03/12/2015), cổ phiếu này thay đổi hoàn toàn trong năm 2016. DTL đã tăng một mạch không ngừng từ mức 8,200 đồng/cp lên mức 30,600 đồng/cp, tương ứng tăng 273%, dẫn đầu đà tăng toàn ngành trong năm 2016 vừa qua.

Hay như TLH, từ mức giá thấp nhất lịch sử là 2,700 đồng/cp vào ngày 18/02/2016, cổ phiếu này đã bứt phá ngoạn mục để đóng cửa năm 2016 tại 12,250 đồng/cp. Khối lượng giao dịch trung bình TLH năm qua đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên, gần gấp 5 lần năm 2015.

Cả hai cổ phiếu trên vẫn tiếp tục giữ đà tăng giá trong năm 2017.

Giao dịch cp DTL, TLH và POM trong năm 2016

a) Cổ phiếu DTL
b) Cổ phiếu TLH
c) Cổ phiếu POM

Tương tự cho trường hợp tại Thép Pomina, tầm khoảng đầu tháng 3 cp POM chứng kiến một pha tăng trưởng ấn tượng gần 65%, từ mức 6,500 đồng/cp (11/03/2016) tăng đến 10,700 đồng/cp (26/04/2016), đưa cổ phiếu lên mặt bằng giá mới. Đáng chú ý, bước qua năm 2017, ngay sau khi công bố kết quả kinh doanh năm 2016, giá cổ phiếu POM lập tức kịch trần và kéo dài liên tiếp 12 phiên (từ ngày 06/02 – 21/02/2017), từ mức 9,070 đồng/cp tăng hơn 106% lên mức 18,700 đồng/cp. Tính trong năm 2016, giá cp POM cũng tăng trưởng tương đối tích cực, tăng hơn 17% từ mức 6,900 đồng/cp lên mức 8,100 đồng/cp.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu đã hồi phục mạnh từ vùng đáy như VIS, VGS, SMC, KKC

Nhưng, vẫn còn một số mã trong ngành đi ngược thị trường, chẳng hạn DPS với mức giảm tính riêng trong năm 2016 là hơn 80%. Lên sàn từ giữa năm 2015 với mức kết phiên giao dịch đầu tiên đạt 15,000 đồng/cp (ngày 05/05/2015), giá cp DPS liên tục đổ nhào gần hai năm qua, đến nay chỉ 2,500 đồng/cp (ngày 23/02/2017), giảm đến 6 lần.

Cùng với đó, bất chấp kết quả kinh doanh thuận lợi, giá các mã cp TTB, SHI, SHA cũng lần lượt giảm 41%, 25% và 17% trong năm này.

Giao dịch cổ phiếu ngành thép trong năm 2016

---------------------------------------------------

* HSG: Niên độ tài chính từ ngày 01/10/2015 - 30/09/2016

Các tin tức khác

>   Ngoài FLC, tiền còn đi đâu? (27/02/2017)

>   Động lực nào cho cú bứt phá của KKC? (27/02/2017)

>   HNX: 49 cổ phiếu vào bảng cảnh báo nhà đầu tư đến 27/02 (27/02/2017)

>   Nhịp đập Thị trường 27/02: Thanh khoản tiếp tục suy giảm (27/02/2017)

>   Cổ phiếu nào ổn định và đáng để đầu tư? (27/02/2017)

>   Đảo danh mục FTSE quý 1/2017: Sẽ có nhiều xáo trộn? (27/02/2017)

>   27/02: Bản tin đầu tuần (27/02/2017)

>   Sau một năm “ở ẩn”, BT6 trở lại UPCoM với những con số cũ năm 2015 (27/02/2017)

>   Cổ phiếu FLC: Tiền đổ vào ầm ầm, sắp trở lại thời kỳ hoàng kim? (25/02/2017)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 27/02 (27/02/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật