Sau một năm “ở ẩn”, BT6 trở lại UPCoM với những con số cũ năm 2015
Sau khi hủy niêm yết tự nguyện trên HOSE vào cuối tháng
11/2015, mới đây Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã chấp thuận
cho CTCP Beton 6 (BT6) đưa cổ phiếu lên giao dịch tại UPCoM từ ngày
06/03/2017 với giá tham chiếu 9,000 đồng/cp, gấp 1.6 lần mức giá tại
thời điểm hủy niêm yết.
Hủy niêm yết tự nguyện để tái cơ cấu hay…
ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, HĐQT của BT6 đã trình và được cổ đông chấp thuận phương án xin hủy niêm yết tự nguyện tại Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE). Theo đó đến ngày 27/11/2015, BT6 đã chính thức hủy niêm yết gần 33 triệu cp. Lý do được Công ty đưa ra cho việc hủy niêm yết là nhằm tập trung tái cơ cấu, nâng cao kết quả sản xuất kinh doanh, mặc dù tình hình thời điểm bấy giờ vẫn hết sức khả quan.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2015, kết quả kinh doanh của BT6 cho thấy sự tăng trưởng khi mang về doanh thu lũy kế 9 tháng gần 779 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ 2014 và lãi ròng cũng tăng gần 46% đạt hơn 21.2 tỷ đồng. Trong năm 2014, Công ty đạt doanh thu thuần gần 780 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2013 nhưng lợi nhuận lại tăng mạnh gấp 5 lần đạt 50 tỷ đồng, nhờ có khoản lãi từ thoái vốn các công ty con và thanh lý các khoản đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, một vấn đề cần lưu ý là vào đầu năm 2015, BT6 đã từng rơi vào diện có thể bị hủy niêm yết vì chậm nộp BCTC kiểm toán 2012, 2013. Hơn nữa, BT6 cũng tiếp tục chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2014 và nguyên nhân của việc này theo giải trình là do các công ty liên kết (không phải công ty đại chúng) chậm trễ không gửi đủ BCTC để BT6 tiến hành hoàn thiện BCTC hợp nhất.
“Theo quy định, nếu tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp BCTC trong 3 năm liên tiếp thì chứng khoán bị hủy bỏ niêm yết”.
Để tiến hành thực hiện hủy niêm yết tự nguyện, BT6 đăng ký mua lại 1 triệu cp của các cổ đông nhỏ lẻ làm cổ phiếu quỹ với giá mua không quá 8,210 đồng/cp, đồng thời HĐQT cùng cổ đông lớn cũng tiến hành mua lại cổ phiếu.
Tính tới thời điểm 16/06/2015, BT6 có 8 cổ đông lớn với tổng tỷ lệ sở hữu là 87.17% vốn. Trong đó, 3 cổ đông lớn được HĐQT thông qua cho phép mua hơn 4.9 triệu cổ phiếu gồm Công ty TNHH MTV Đầu tư Xuyên Việt, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Tân Việt và Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng & xi măng HB.
Cổ đông lớn của BT6 tại thời điểm 16/06/2015
|
Tuy nhiên, kết quả thực hiện lại không đạt được như kế hoạch dù trong thời gian giao dịch, giá của BT6 chỉ quanh mức 6,000 đồng/cp. Theo đó, BT6 chỉ mua được 88 ngàn cp (trên tổng số 1 triệu cp đăng ký mua) và 3 cổ đông lớn cũng chỉ mua được 141,380 cp trên tổng số hơn 4.9 triệu cp mục tiêu.
Trở lại sau hơn 1 năm ẩn mình nhưng với số liệu của 2015
Mới đây, BT6 đã được chấp thuận đưa gần 33 triệu cp trở lại giao dịch tại thị trường UPCoM với giá 9,000 đồng/cp, cao hơn nhiều so với mức giá tại thời điểm hủy niêm yết trên HOSE (chỉ 5,500 đồng/cp).
Trong một năm “ở ẩn”, những thông tin được BT6 cung cấp khá ít ỏi chỉ gồm: một số tin giao dịch của cổ đông lớn và người có liên quan; cùng một số thông tin khác không liên quan đến kết quả kinh doanh. Càng đáng nói hơn nữa là đến bản công bố thông tin cho lần trở lại này của BT6 cũng không có gì mới ngoài một số cập nhật về cơ cấu cổ đông và kết quả kinh doanh từ năm 2015.
Cụ thể, năm 2015, BT6 đạt doanh thu thuần gần 1,140 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2014 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 57%, còn gần 26 tỷ đồng do mất đi khoản lãi khác từ bất lợi thương mại của khoản đầu tư vào công ty liên kết như năm 2014 (21.8 tỷ đồng).
Về tình hình tài chính, tổng tài sản tính đến cuối năm 2015 của BT6 ở mức 1,657 tỷ đồng, tăng 2.45% so với thời điểm cuối năm 2014. Tuy nhiên, gần 76% giá trị tài sản tập trung chủ yếu tại 2 khoản mục là hàng tồn kho 371 tỷ đồng và khoản phải thu gần 886 tỷ đồng (chiếm 53% tổng tài sản). Trong đó, BT6 xác định có khoản nợ xấu gần 81 tỷ đồng, tại 5 doanh nghiệp (đều là các khoản nợ quá hạn trên 3 năm).
Mặt khác, BT6 chỉ có hơn 13 tỷ đồng tiền và tương đương tiền. Về tình hình vay nợ, BT6 đang có gần 602 tỷ đồng nợ vay tài chính, chủ yếu là vay ngắn hạn với gần 575.8 tỷ đồng tại 5 ngân hàng và 25 tỷ đồng vay từ CTCP Xây dựng công nghiệp.
Tính đến thời điểm 27/05/2016, danh sách cổ đống lớn của Công ty không có nhiều thay đổi so với trước khi hủy niêm yết, ngoài việc “vắng” đi Mutual Fund Elite - cổ đông lớn từng nắm giữ 5.14% vốn của BT6. Theo đó, số lượng cổ đông lớn của BT6 đã giảm xuống còn 7 cổ đông với tổng tỷ lệ sở hữu 80.29% vốn. Tuy nhiên, cuối năm 2016, từ ngày 27/09 - 26/10, Công ty TNHH Đầu tư hạ tầng & xi măng HB đã thoái toàn bộ 7.43% vốn, tương ứng gần 2.5 triệu cp theo phương thức thỏa thuận và không còn là cổ đông của Công ty.
Trong năm 2016, các nhân sự cấp cao của BT6 vẫn được giữ nguyên so với thời điểm hủy niêm yết. Sau khi bầu thành viên HĐQT mới nhiệm kỳ 2016-2021, các thành viên nhiệm kỳ cũ vẫn tiếp tục tại vị, trong đó ông Trần Văn Cầu giữ chức Chủ tịch HĐQT và các ông Nguyễn Ngọc Dũng, Nguyễn Hưng Quốc, Trịnh Thanh Huy, Châu Anh Tuấn giữ vị trí thành viên HĐQT.
Chỉ cho tới tháng 2/2017, HĐQT của BT6 mới có sự thay đổi khi ông Sergei Savrukhin (quốc tịch Nga) được bầu thay thế vị trí Thành viên HĐQT cho ông Nguyễn Hưng Quốc đã có đơn xin từ nhiệm./.
|