Chuyển động dòng tiền tuần 13-17/02:
Câu chuyện niềm tin ở HAG và HVG
Trong tuần giao dịch 13-17/02, dòng tiền đã có sự luân chuyển mạnh mẽ giữa các cổ phiếu đầu cơ. Bên cạnh đó, hai cổ phiếu được nhà đầu tư nhắc đến nhiều nhất chính là HAG và HVG.
Thanh khoản thị trường trên cả hai sàn tiếp tục gia tăng mạnh trong tuần với khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 165.5 triệu đơn vị/phiên tăng 24.4% so với tuần giao dịch trước; trong khi trên sàn HNX đạt 46.6 triệu cổ phiếu/phiên tăng 22.18%.
Xét trên nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch bình quân trên 100,000 cp/phiên thì tuần qua có 115 mã có thanh khoản tăng so với tuần trước đó và chỉ 62 mã suy giảm. Riêng sàn HOSE có 81 mã tăng trưởng về dòng tiền và những cổ phiếu có thanh khoản tăng trên 100% chủ yếu lại tập tung vào nhóm hàng đầu cơ.
Theo đó, dẫn đầu mức tăng trưởng về dòng tiền tuần qua chính là CDO với khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 3.3 triệu cp/phiên, tăng hơn 680% so với tuần trước đó và giá cổ phiếu kết tuần cũng tăng hơn 8%. Thực tế thì dòng tiền ở CDO đã tăng mạnh trong gần 1 tháng qua, bắt đầu từ ngày 24/01 khi mà cổ phiếu này bắt đầu cắt đứt mạch giảm sàn liên tục trước đó để phi mã trở lại. Tính đến phiên giao dịch 15/02 thì CDO có 12 phiên tăng trần liên tục, ghi nhận mức tăng hơn 84% trong 1 tháng qua. Tuy nhiên đến phiên 17/02 thì CDO bắt đầu giảm kịch sản trở lại trước áp lực bán ra.
Đáng chú ý là trong thời gian tăng điểm của CDO thì không có thông tin gì mang tính hỗ trợ, thậm chí ngày 23/01, Sở GDCK TPHCM đã có công văn nhắc nhở CDO về việc chậm nộp BCTC quý 4/2016. Đến thời điểm hiện nay, Sở vẫn chưa nhận được BCTC quý 4/2016. Theo đó, để đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư, Sở nhắc nhở và đề nghị công ty khẩn trương công bố thông tin theo đúng quy định theo công văn giải trình về việc chậm công bố thông tin.
Nhóm đầu cơ tăng trưởng dòng tiền trên 100% tuần qua tại HOSE còn có sự đòng góp của FIT, TSC, JVC, AGR, TSC nhưng có lẽ đáng chú ý nhất là ATG – cổ phiếu bắt đầu chuỗi tăng trần giống CDO nhưng khác là đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Cụ thể, ATG đã tăng 85% trong 1 tháng qua, riêng tuần qua đã tăng hơn 30%, lên mốc 3,500 đồng/cp với khối lượng giao dịch bình quân hơn 1.3 triệu cp/phiên, tăng 128%.
Không như CDO, ATG đã công bố BCTC quý 4/2016 nhưng kết quả lại khá bết bát với doanh thu thuần chỉ đạt 824 triệu đồng, giảm đến 96% so với con số hơn 20 tỷ cùng kỳ năm 2015. Kết quả là, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ chỉ còn 116 triệu đồng, giảm đến 23 lần so với giá trị thu về tại quý 4/2015. Theo đó, lũy kế cả năm doanh thu giảm hơn một nửa, chỉ còn 29 tỷ đồng, mặc dù chi phí quản lý được cắt giảm đáng kể (giảm hơn 72%), tuy nhiên Công ty cũng chỉ thu về 779 triệu đồng lãi ròng, trong khi con số tại năm 2015 đạt hơn 5.4 tỷ đồng.
Tuần qua cũng là tuần giao dịch ấn tượng của HAG sau khi BCTC quý 4 của Tập đoàn này công bố đã hé lộ khá nhiều thông tin hấp dẫn. Đầu tiên là HAG tiếp tục lỗ hơn 124 tỷ đồng trong quý 4/2016 nhưng dường như đây không còn là mối bận tâm của giới đầu tư khi báo cáo còn cho thấy nhiều khoản vay của HAG đã được gia hạn, cụ thể là nợ trái phiếu phát hành cho BIDV và CTCK BIDV (BSI) vào ngày 31/12/2016 là 6,546 tỷ đồng được kéo dài thời gian đáo hạn lên đến từ 31/12/2021-31/12/2026. Đó là chưa kể tính đến cuối năm 2016, HAG đã nhận ứng trước hơn 1,937 tỷ đồng từ khách hàng để mua dự án thủy điện, tăng khoảng 500 tỷ đồng riêng trong quý 4. Phía HAG cũng đã có xác nhận rằng việc bán các thủy điện bên Lào và mảng hoạt động mía đường đang được tập đoàn xúc tiến thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong quý 1/2017.
Có thể vì thế mà tuần qua, cổ phiếu HAG được nhà đầu tư mạnh tay mua vào, nâng khối lượng giao dịch bình quân lên con số gần 12.5 triệu cp/phiên, tăng 98% so với tuần trước đó và giá cổ phiếu cũng đã bật tăng hơn 16%.
Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng tuần qua dòng tiền cũng đã tăng mạnh ở nhiều mã cổ phiếu đầu ngành với kỳ vọng về câu chuyện tăng trưởng trong năm 2017 như TCM, NKG, MWG, SSI, PDR, LCG, VIC, MBB, STB…
Ở chiều ngược lại, HVG trở thành mã có dòng tiền suy giảm mạnh nhất, hơn 67% khi khối lượng giao dịch bình quân chỉ còn gần 1.4 triệu cp/phiên.
Câu chuyện tại HVG bắt đầu khi BCTC kiểm toán năm 2016 (giai đoạn 01/10/2015 - 30/09/2016), Công ty này bất ngờ nhận khoản lỗ ròng hơn 49 tỷ đồng, thay vì khoản lãi hơn 308 tỷ đồng trước kiểm toán. Sau đó không lâu, HVG đã có giải trình nguyên nhân là do điều chỉnh loại trừ doanh thu - giá vốn trên báo cáo riêng của công ty mẹ. Trong đó gồm các bút toán như giảm doanh thu bán hàng 228 tỷ đồng (đây là nghiệp vụ ghi nhận doanh thu bán bã đậu nành, bị loại ra do ghi nhận sai niên độ. Khoản doanh thu này sẽ hạch toán trong quý 1/2017). Thông tin này lập tức giúp giá cổ phiếu HVG chấm dứt chuỗi giảm sàn để bật trở lại. Song, hoạt động bắt đáy của nhà đầu tư đã sớm bị dội gáo nước lạnh khi con số lãi quý 1/2017 mà HVG công bố cũng chỉ 10 tỷ đồng, giảm gần 76% so với cùng kỳ năm trước.
Đến đây, một lần nữa HVG lại có giải trình rằng công ty sẽ xúc tiến thu hồi lợi nhuận từ các công ty con. Do đó, kỳ vọng sẽ hoàn thành công tác thu hồi trên trong vòng 6 tháng đầu năm 2017 và nguồn vốn âm trên BCTC 2016 công ty mẹ sẽ được khắc phục. Tuy nhiên có vẻ như ít nhiều gì thì lòng tin nhà đầu tư đã bắt đầu lung lay, đó là lý do tại sao mà dòng tiền ở HVG suy giảm mạnh mặc dù giá cổ phiếu đang giao dịch quanh vùng đáy từ khi niêm yết.
Bên cạnh HVG thì khá nhiều mã đầu cơ khác như PPI, KSA, TTF, MCG, DAH, PTL… đều có dòng tiền suy giảm.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Trên HNX, cổ phiếu MBG, BII, DCS, KVC là 4 mã đầu cơ nổi bật có khối lượng giao dịch bình quân tăng trên 100% trong tuần qua cùng với giá cổ phiếu bật tăng khá mạnh bất chấp cả khi kết quả kinh doanh 2016 không khởi sắc. Chẳng hạn như BII báo cáo quý 4 kinh doanh dưới giá vốn, lỗ gộp hơn 4 tỷ đồng như giá cổ phiếu vẫn tăng gần 26% và thanh khoản tăng 193%.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX
|