Nhịp đập Thị trường 17/02: Đóng cửa phân hóa
HNX-Index là chỉ số duy nhất kết phiên tăng điểm, nhưng chung cuộc, chỉ số này vẫn giảm nhẹ 0.19% so với tuần trước. Ngược lại, dù đóng cửa giảm 1.52 điểm, VN-Index vẫn xác lập tuần tăng thứ 7 liên tiếp tính từ cuối tháng 12 năm 2016.
Có thể nhận thấy, việc điều chỉnh trong phiên này hoàn toàn bình thường và không quá lo ngại đối với xu hướng tăng điểm đang hiện hữu. Tiền chốt lãi vẫn được giữ lại trong thị trường, thể hiện ở sự luân phiên tăng điểm giữa các nhóm cổ phiếu cũng như thanh khoản tiếp tục đạt mức cao ấn tượng.
Kết thúc tuần, VN-Index về đứng tại 707.83 điểm, tăng 0.58%, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt mức 3933.8 tỷ đồng/phiên, tiếp tục tăng 14.14% so với tuần giao dịch trước đó.
14h15: HNX-Index xanh trở lại
Lực cầu tăng lên đôi chút đang giúp các chỉ số hồi phục phần nào mặc dù mới duy nhất HNX-Index trở lại mức trên tham chiếu.
Hai câu chuyện khác nhau nhưng HBC và TCM đều đang có điểm chung là thu hút được lượng cầu lớn và tăng mạnh gần hết biên độ. Với HBC, đó là KQKD năm 2016 tăng đột biến, gấp 7 lần so với năm 2016 và tiếp tục hưởng lợi nhờ sự sôi động của thị trường bất động sản trong năm 2017. Ngược lại, TCM lại là điển hình của sự hồi phục từ đáy khủng hoảng khi LNST ước tính trong năm 2017 của TCM đạt 178 tỷ đồng, tăng 56% so với mức thực hiện của năm 2016.
Tương tự TCM, cổ phiếu của Sacombank là STB cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ sau quá trình cơ cấu, sáp nhập. Ngoài ra, một số thông tin về việc bán cho cổ đông chiến lược với giá cao hơn đáng kể so với giá thị trường cũng được cho là động lực của cổ phiếu này.
14h20, toàn thị trường có gần 200 triệu cổ phần được giao dịch, giá trị mua bán ghi nhận mức 3,632 tỷ đồng. VN-Index vẫn đang giảm gần 3 điểm so với mức đóng cửa phiên liền trước.
13h20: Đà giảm gia tăng
Sau thời gian nghỉ trưa, lệnh bán được tung ra nhanh hơn ở các mức giá thấp hơn đang kéo chỉ số thị trường quay đầu giảm điểm khá nhanh. VN-Index (-2.55 điểm) và Upcom-Index (-0.02 điểm) đã giảm trở lại trong khi HNX-Index chỉ còn tăng nhẹ.
Trong top10 vốn hóa sàn HSX, chỉ duy nhất ROS vẫn giữ được giá xanh, các cổ phiếu còn lại đều có tín hiệu không mấy tích cực.
Nhóm cổ phiếu thép, ngoại trừ POM (+6.84%) tiếp tục gặp khó khi lực cung áp đảo và phần lớn đều giảm mạnh trên 2%.
Thanh khoản đang tăng dần khi giá giảm tiếp tục là thử thách cho khả năng hồi phục của thị trường.
10h30: Giảm điểm nhưng không hoảng loạn
Chưa có nhiều khởi sắc hơn cho thị trường, dòng tiền tiếp tục tập trung tại các nhóm cổ phiếu cao su thiên nhiên như PHR, DPR hay Xây dựng như HBC và CTD, trong khi đó, ngân hàng, tôn thép, dầu khí chứng kiến sự phân hóa khá rõ nét khi HSG, HPG, giảm giá trái ngược với các cổ phiếu TLH, POM đang tăng giá khá mạnh.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có dấu hiệu khởi sắc với 2 mã đầu ngành là SSI, HCM tăng điểm, ở phần còn lại, AGR và SHS có thanh khoản khá tốt nhưng giá chỉ quanh tham chiếu.
Tại thời điểm 10h40, VN-Index giảm nhẹ 0.16 điểm, 2 chỉ số còn lại là HNX-Index và Upcom-Index lần lượt tăng 0.36%, tương ứng 0.31 điểm và 0.09%. Thanh khoản toàn thị trường đạt mức khá với 96.1 triệu đơn vị trao tay, giá trị giao dịch tương đương mức 1,751 tỷ đồng.
9h30: Ngân hàng phân hóa
Mở cửa với khá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn giảm nhẹ dãn đến việc VN30-Index khởi đầu thấp hơn tham chiếu. Mặc dù vậy, cung cầu vẫn ở thế cân bằng, thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức khá với hơn 300 tỷ đồng giá trị giao dịch.
Trong nội bộ nhóm ngân hàng, ACB, VCB tăng giá trở lại trong khi STB, CTG, SHB và MBB vận động quanh tham chiếu. Đáng chú ý, sau phiên dao động rất mạnh hôm qua (tăng kịch trần sau đó đóng cửa giảm kịch sàn) EIB đã tăng trở lại một cách ngoạn mục khi tăng giá gần 5%.
Cổ phiếu dầu khí tăng nhẹ trở lại trong khi nhóm cổ phiếu thép có khởi đầu không như mong đợi còn bộ đôi HAG, HNG cũng dần lấy lại mức giá xanh thường thấy như trong các phiên giao dịch gần đây.
Đỉnh ngắn hạn?
Thị trường bất ngờ bị bán mạnh trong phiên chiều ngày 16/02 đang làm dấy lên lo ngại về khả năng tạo đỉnh ngắn hạn khi giá giảm đi kèm volume tăng cao. Với giá trị giao dịch đạt 4,407 tỷ đồng, thanh khoản thị trường có sự nhảy vọt 12.24% so với phiên trước và là mức cao nhất trong gần 5 tháng trở lại đây.
Nhóm cổ phiếu đang dẫn dắt thị trường giai đoạn này là nhóm ngân hàng có biểu hiện đuối sức thấy rõ khi ngoại trừ STB vẫn tăng điểm tốt, CTG và MBB mất gần hết thành quả có được trong buổi sáng trong khi ACB, VCB, BID thậm chí đóng cửa ở các mức giá thấp nhất trong phiên.
Các trụ cột khác như VNM, VIC, BVH, HPG, hay là cả chỉ số VN-Index, … hầu hết đều có diễn biến tương tự khi lực bán tăng cao ở cuối phiên, ép giá xuống thấp hơn tham chiếu.
Việc đoán đỉnh trong một xu hướng tăng luôn là điều không cần thiết và không dễ thực hiện, tuy nhiên, dự trù các kịch bản thận trọng khi thị trường lên cao lại là việc nên làm để đảm bảo an toàn cho danh mục, đồng thời bảo vệ thành quả vừa kiếm được. Thông thường, sau một giai đoạn tăng giá liên tục, hành động bán ra chốt lời luôn rất dễ được các nhà đầu tư thực hiện./.
|