Tạo liên kết sâu hơn giữa doanh nghiệp nội-ngoại
Năm 2016, năm đầu cả nước thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Ở trong nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành công thương nói riêng và cả nước nói chung.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương.
|
Song do kiên định thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao nhất, cùng với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ngành công thương đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt và vượt mức nhiều chỉ tiêu, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Thưa Bộ trưởng, nếu đánh giá ngắn gọn về những thành quả mà ngành công thương đã gặt hái được trong năm 2016, Bộ trưởng sẽ nói gì?
Năm 2016, ngành công thương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp vào ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế chung của đất nước.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng (tăng khoảng 7,5% so với năm 2015). Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu cả năm tăng khoảng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực tăng trưởng xuất khẩu âm hoặc ở mức thấp. Xuất siêu, ước cả năm khoảng 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu của khu vực nông lâm thủy sản có mức tăng trưởng khá (tăng 7,5%) so với cùng kỳ năm trước (giảm 1,76%).
Đối với phát triển thị trường trong nước, trật tự thị trường tiếp tục được quan tâm. Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm, nhất là trong một số lĩnh vực hoặc mặt hàng quan trọng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, khí hóa lỏng, an toàn thực phẩm..., đã góp phần tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,19%, cao hơn mức tăng 9,27% của năm 2015.
Trong công tác hội nhập quốc tế về kinh tế, Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) chính thức có hiệu từ 5/10/2016; đàm phán FTA Việt Nam - Israel cũng như một số FTA khác như: Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP); FTA ASEAN - Hồng Kông,... được triển khai tích cực, thực chất.
Việc xóa bỏ và đơn giản hóa hàng loạt thủ tục hành chính của Bộ Công Thương trong năm vừa qua đã được cộng đồng doanh nghiệp và dư luận đánh giá là cuộc cải cách “chưa từng có trong lịch sử” ngành công thương nhiều năm nay. Kết quả này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Việc xóa bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương đã đóng góp quan trọng vào nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; gắn xây dựng thể chế với công tác xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân khi tiếp cận thủ tục hành chính.
Kết quả năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 14 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 50 thủ tục hành chính. Đặc biệt, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4648/QĐ-BCT (9/12/2016) về phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương năm 2017.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tất cả dịch vụ công trực tuyến của Bộ được triển khai từ ở mức độ 2 trở lên, trong đó số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 17 và mức độ 4 là 9. Hiện nay đã xây dựng nền tảng kỹ thuật cho 41 hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4.
Về cơ cấu lại tổ chức, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương theo hướng xây dựng bộ máy tinh gọn và hiệu quả. Dự kiến giảm số đầu mối trong Bộ Công Thương từ 35 đơn vị xuống còn 29 đơn vị.
Đồng thời, thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ về hoàn thiện thể chế, tạo dựng môi trường thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển và hội nhập quốc tế.
Năm 2016 cũng là năm Việt Nam đạt được nhiều thành công trong các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, với việc VN-EAEU FTA chính thức có hiệu lực từ ngày 5/10/2016 được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều triển vọng và cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Xin ông cho biết cụ thể hơn?
Xét trên tổng thể, Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) mở cửa thị trường ở các mức độ khác nhau đối với gần 90% tổng số dòng thuế và xấp xỉ 90% tổng kim ngạch nhập khẩu trung bình từ Việt Nam trong 3 năm từ 2010 đến 2012. Trong đó, khoảng 60% tổng số dòng thuế được cam kết xoá bỏ thuế ngay, khoảng 25% dòng thuế mở cửa theo lộ trình (tối đa 10 năm) và một số ít (khoảng 3%) dòng thuế mở cửa một phần.
Đồng thời, việc Việt Nam là đối tác ngoài khối đầu tiên Liên minh ký FTA cũng chính là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới khi xuất khẩu vào EAEU.
Những mặt hàng của Việt Nam có khả năng tăng trưởng xuất khẩu cao nhất sang khu vực EAEU bao gồm những mặt hàng trước kia phải chịu mức thuế suất cao và nay nằm trong danh mục cắt giảm thuế quan như: thủy sản, nông sản, nông sản chế biến, hàng dệt may, giày dép...
Đối với các mặt hàng thủy sản và thuỷ sản chế biến, EAEU mở cửa có lộ trình đối với 95% tổng số dòng thuế, với lộ trình tối đa trong 10 năm; trong đó hơn 70% xoá bỏ thuế hoàn toàn ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, tương đương với xấp xỉ 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010 đến 2012 của Việt Nam vào EAEU. 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu.
Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư, thông qua hiệp định, Việt Nam sẽ có thêm khả năng thu hút đầu tư trong những lĩnh vực phía EAEU (trước mắt là LB.Nga) có thế mạnh như khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất năng lượng, sản xuất ôtô, chế tạo máy, hóa chất... Đồng thời, Việt Nam cũng có cơ hội đẩy mạnh và mở rộng đầu tư sang các nước thành viên của EAEU trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến, khai thác dầu khí...
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, cả công nghiệp và thương mại của Việt Nam dường như đang yếu thế hơn so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ông nhìn nhận ý kiến này như thế nào?
Doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp quan trọng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2016, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI (không kể dầu thô) chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu...
http://vneconomy.vn/thoi-su/tao-lien-ket-sau-hon-giua-doanh-nghiep-noingoai-20170124030412459.htm
|