Thứ Tư, 11/01/2017 13:24

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh (SSI): Làn sóng niêm yết sẽ là động lực cho chứng khoán năm 2017

Với những tên tuổi lớn như Vietnam Airlines, Petrolimex, Vinatex... nguồn cổ phiếu có chất lượng sẽ gia tăng, giúp duy trì sự quan tâm và luồng tiền của giới đầu tư trong và ngoài nước đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCK Sài Gòn (SSI) chia sẻ.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh

Theo ông Linh, điểm nhấn tích cực của TTCK 2016 là VN-Index tăng 15% trong khi nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) bán ròng, trái ngược với năm 2015 trước đó khi NĐTNN mua ròng nhưng VN-Index chỉ tăng được 6%. Từ năm 2015 trở về trước, dòng tiền nước ngoài, đặc biệt là dòng tiền qua ETF là động lực thúc đẩy TTCK nhưng sang 2016 dòng tiền này đã đảo chiều. Dòng tiền trong nước được kích hoạt nhờ lãi suất thấp và sự dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã trở thành động lực giúp thị trường tăng trưởng.

Tuy vậy, dòng tiền này không chảy đều mà có sự chọn lọc dựa trên tiềm năng của từng ngành. Ví dụ, ngành ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường lại giảm 11% do rủi ro nợ xấu trong khi ngành sản xuất kim loại đứng thứ 5 về vốn hóa tăng tới 79% nhờ thị trường xây dựng tiếp tục sôi động. Năm 2016 cũng nổi lên hiện tượng cổ phiếu mới lên sàn tăng phi mã đẩy chỉ số, làm ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng thực sự của TTCK.

Sang năm 2017, yếu tố được kỳ vọng sẽ mang lại động lực cho thị trường năm 2017 chính là làn sóng niêm yết của nhiều doanh nghiệp lớn. Dù đã có hơn 600 doanh nghiệp trên sàn HOSE và HNX nhưng hiện tượng khan hiếm cổ phiếu tốt vẫn khá phổ biến. Với những tên tuổi lớn như Vietnam Airlines, Petrolimex, Vinatex... nguồn cổ phiếu có chất lượng sẽ gia tăng, giúp duy trì sự quan tâm và luồng tiền của giới đầu tư trong và ngoài nước.

Chênh lệch cung cầu theo tôi không quá lo ngại trong khi gia tăng số lượng cổ phiếu lớn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho TTCK như nâng cao chất lượng các bộ chỉ số hay định hướng được dòng tiền vào doanh nghiệp cơ bản, hạn chế yếu tố đầu cơ thiếu bền vững”, ông Linh nhận định.

Song, yếu tố hỗ trợ TTCK trong năm 2016 là lãi suất thấp và sự dư thừa thanh khoản sẽ khó lặp lại trong năm 2017 khi lạm phát tăng, thặng dư cán cân thanh toán giảm và lãi suất USD tăng nhanh. Đây là rủi ro mới bên cạnh các rủi ro vĩ mô cố hữu như thâm hụt ngân sách và nợ xấu.

Cũng theo ông Linh, năm 2016, TTCK Việt Nam đã đứng vững trước những biến cố lớn từ bên ngoài như sự kiện Brexit hay đồng NDT mất giá nên có thể hy vọng rằng chúng ta đủ sức đứng vững nếu có xảy ra biến cố từ bên ngoài. Nhưng đây có lẽ mới là hy vọng, chỉ đến khi các sự kiện xảy ra thì mới đánh giá hết được tầm ảnh hưởng của nó. Việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ tiềm ẩn nhiều vấn đề khó đoán trước và đây là yếu tố bên ngoài cần đặc biệt lưu ý trong năm 2017.

Khối ngoại sẽ giao dịch tương tự năm 2016

Năm 2016, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) không chỉ nỗ lực trong việc làm thông thoáng hơn cho NĐTNN mà còn trong nhiều biện pháp khác nhằm phát triển TTCK như rút ngắn thời gian giao dịch, phát triển thị trường phái sinh, tuyên truyền nâng cao ý thức quan hệ cổ đông trong các doanh nghiệp niêm yết... Riêng việc nới room cũng đã thể hiện sự kiên trì và quyết tâm rất lớn của UBCK. Nhờ có nới room mà năm 2016 TTCK vẫn đón nhận được thêm luồng vốn mới từ nước ngoài trong bối cảnh giới đầu tư quốc tế rút vốn khỏi các thị trường mới nổi. Những nỗ lực của UBCK giúp có thêm niềm tin vào sự lớn mạnh của TTCK Việt Nam trong tương lai. 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang được xếp hạng ở mức thị trường cận biên do nhiều hạn chế về hạ tầng và lưu chuyển vốn. Nới room dù đã được triển khai nhưng mức độ lan tỏa chưa cao do còn nhiều vấn đề pháp lý nằm ngoài tầm kiểm soát của UBCK hay Bộ tài chính. Đây cũng là lý do MSCI mặc dù ghi nhận nới room là một bước tiến nhưng họ vẫn đánh giá độ mở cho NĐTNN của Việt Nam chưa đạt. Một hạn chế khác là công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng anh còn rất ít, làm giảm khả năng tiếp cận thông tin của NĐTNN.

Ông Linh kỳ vọng những vấn đề kỹ thuật này có thể khắc phục trong khoảng thời gian ngắn nếu các cơ quan tiếp tục nỗ lực giống như đã làm với nới room. Rào cản lớn cho sự thông thoáng với NĐTNN nằm ở tự do luân chuyển vốn. Việt Nam vẫn đang áp dụng cơ chế quản lý ngoại hối chặt chẽ để bảo vệ VNĐ. Chỉ khi nào sức khỏe nền kinh tế cải thiện, dự trữ ngoại hồi dồi dào và chúng ta hoàn toàn tự tin vào nguồn cung ngoại tệ thì việc luân chuyển vốn vào và ra Việt Nam mới có thể dễ dàng hơn. Để đạt được điều này có lẽ cần một thời gian tương đối dài.

Dự báo biến động dòng vốn ngoại trong năm 2017, ông Linh cho biết, NĐTNN sẽ vẫn giao dịch tương tự như những gì đã xảy ra trong năm 2016 (ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt như VIC). Nhóm nhà đầu tư chủ động hay nhóm chuyên săn tìm cơ hội tại các thị trường mới nổi sẽ vẫn ở lại hoặc tìm tới Việt Nam. Mục đích của họ là tìm kiếm khả năng sinh lời cao ở một đất nước còn nhiều tiềm năng. Nếu có gì khiến họ còn băn khoăn thì đó có thể là định giá và tỷ giá.

Với nhóm đầu tư thụ động hoặc có chiến lược phân bổ tài sản toàn cầu, họ sẽ rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam do rủi ro lãi suất. Mối lo NĐTNN bán ròng hiện tại tập trung chủ yếu ở 2 quỹ ETF lớn với tổng giá trị tài sản hơn 500 triệu USD. Các nhà đầu tư ở 2 quỹ ETF này đã rút 160 triệu USD trong năm 2016 mà nguyên nhân chính là do lãi suất tăng tại Mỹ. Dự báo Fed sẽ nâng lãi suất với tần suất nhanh hơn nên các ETF sẽ còn tiếp tục bị rút vốn.

Việc cân bằng 2 luồng vốn vào và ra phụ thuộc vào nhiều biến số cả trong lẫn ngoài Việt Nam. Trong giới hạn quốc gia, ông Linh cho rằng việc đẩy nhanh IPO, niêm yết hoặc thoái vốn Nhà nước sẽ tạo lực hút rất tốt cho luồng tiền lớn từ nước ngoài. Ví dụ như trường hợp bán cổ phần Vinamilk (VNM) đã thu được 500 triệu USD, gấp nhiều lần số vốn 2 ETF đã rút khỏi Việt Nam. Có điều luồng tiền đó sẽ không có hiệu ứng lan tỏa cao trên sàn chứng khoán như luồng tiền qua ETF./.

Các tin tức khác

>   Góc nhìn 06/01: Có thể sẽ tăng tiếp? (05/01/2017)

>   Góc nhìn 05/01: Tích lũy và phân hóa là xu hướng chủ đạo (04/01/2017)

>   Nghề môi giới chứng khoán: Công việc khó – cạnh tranh cao! (17/01/2017)

>   Ông Phan Dũng Khánh (MBKE): Bắt đúng đáy khó như mua vé số để chờ trúng độc đắc (10/01/2017)

>   Ông Lê Đức Khánh (MSI): Đỉnh của VN-Index trong năm 2017 sẽ là 780 điểm (06/01/2017)

>   Giám đốc điều hành VinaCapital: Dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại (09/01/2017)

>   Góc nhìn 04/11: Tiếp tục đà tăng? (03/01/2017)

>   Đầu năm, nên đầu tư cổ phiếu nào? (03/01/2017)

>   Góc nhìn 03-06/01: Tuần đầu năm sẽ tăng điểm (01/01/2017)

>   Chiến lược đầu tư 2017: Đánh nhanh, đánh chắc và không chủ quan (03/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật