Nhịp đập Thị trường 23/01: HAG - HNG bất ngờ tăng mạnh
Kết thúc phiên giao dịch 23/01, VN-Index tăng 0.89 điểm (0.13%) lên mức 687.15 điểm. KLGD tiếp tục thấp hơn mức trung bình 20 phiên, đạt trên 87 triệu đơn vị khớp lệnh. Giá trị giao dịch đạt 1,969 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index giảm 0.23 điểm (-0.28%) xuống 83.01 điểm. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, đạt hơn 23 triệu đơn vị khớp lệnh. Giá trị giao dịch đạt 214 tỷ đồng.
Đáng chú ý ở phiên ATC có bộ đôi HAG và HNG - bất ngờ tăng mạnh, giao dịch sôi động, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. HNG tăng kịch trần, lên mức 6,840 đồng/cp, KLGD đạt 2.4 triệu đơn vị. HAG cũng đóng cửa gần sát giá trần, ở mức 5,420 đồng/cp. Cả 2 thu hút lực cầu khá tốt, đặc biệt là công ty mẹ HAG.
Nhóm Ngân hàng hạ nhiệt cuối phiên, đưa chỉ số về gần tham chiếu. Trong đó CTG không giữ được vùng giá 19,000 đồng/cp, đóng cửa ở 18,300 đồng/cp. BID và VCB cũng chỉ xanh nhẹ. Một số cổ phiếu nổi bật vào cuối phiên có ITD - quay lại vùng giá 25, FPT - confirm tín hiệu đảo chiều ở vùng giá 43,500 - 44,000 đồng/cp.
14h: CTG “tỏa sáng”
Cổ phiếu của Ngân hàng Công Thương (CTG) bất ngờ tăng mạnh từ vùng giá 18.4, thu hút lực cầu mạnh trong phiên, ghi nhận mức tăng hơn 1.1 điểm, tương đương 6.1%, KLGD đạt hơn 2 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tiếp nối ngay sau CTG, BID cũng giao dịch sôi động quanh vùng giá 16.9. Đỉnh cũ của BID là 17.2, còn đỉnh cũ của CTG là 19.3.
Ở chiều giảm điểm, đáng chú ý có DBC, mất giá gần 10% trong vòng 1 tuần qua. Phiên 23/01 tiếp diễn đà giảm, quay lại vùng đáy cũ 32. DBC mới công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 4. Theo đó doanh nghiệp đạt 59.4 tỷ LNST, giảm 14% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lũy kế cả năm 2016, DBC vẫn đạt 451 tỷ đồng LNST, tăng 78% so với 2015. Con số này đã được dự báo sớm từ giữa năm, nên kết quả cuối năm không có gì đột biến đối với nhà đầu tư.
Nhóm cao su có DPR và TRC công bố báo cáo quý 4. Nhờ giá cao su Thế giới phục hồi tốt (từ đầu năm đến nay, tăng 108%), cả DPR và TRC đều cho KQKD khả quan trong quý 4. Theo đó DPR ghi nhận 69 tỷ LNST, tăng trưởng đột biến 163%, doanh thu đạt 285.9 tỷ đồng, tăng 23%. TRC ghi nhận 150 tỷ đồng doanh thu, tăng 27%. LNST đạt 34 tỷ đồng, tăng 32.8%. Hiện tại còn PHR chưa công bố báo cáo tài chính quý 4.
Phiên sáng: Khó vượt cản 690
Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, VN-Index đóng cửa đạt 687.35 điểm, tăng nhẹ 1.09 điểm (+0.16%). KLGD đạt 44 triệu đơn vị khớp lệnh, giá trị giao dịch 1024 tỷ đồng. HNX-Index đóng cửa đỏ nhẹ 0.38 điểm (-0.46%). KLGD đạt 11.5 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 108 tỷ đồng.
Vùng cản 690 tiếp tục tỏ ra là một kháng cự khó chinh phục trong ngắn hạn của VN-Index, mặc dù chỉ số nhiều lần mon men quay lại công phá ngưỡng này. Nhưng đều đuối dần về cuối phiên, khi dòng tiền liên tục suy yếu. Số mã xanh và tham chiếu giảm dần nhường chỗ cho sắc đỏ. Thị trường chung quay lại vùng trũng nhất phiên. Nhiều khả năng sẽ có đảo chiều giảm vào phiên giao dịch buổi chiều.
Các mã đáng chú ý nhất hiện tại có CTG. Mã này đã tăng gần 30% trong vòng 1 tháng trở lại đây, là một trong các mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng, sau ACB của sàn Hà Nội (tăng 43%). Phần lớn nhóm Ngân hàng đều đang tiệm cận vùng đỉnh cũ, việc điều chỉnh trong ngắn hạn là dễ xảy ra.
Ngoài nhóm ngân hàng, các mã thuộc nhóm bất động sản – xây dựng cùng giữ được sắc xanh tích cực đến cuối phiên sáng: DXG, LHG, SJS, SZL, VC3, …
10h30: VNM, CTG, BID đưa chỉ số về gần kháng cự 690
Ảnh hưởng nhiều nhất đến điểm số là từ VNM, CTG và BID. Trong nhóm ngân hàng, CTG đang thu hút lực cầu mạnh nhất, tăng 0.4 điểm, khối lượng giao dịch gần 800,000 đơn vị khớp lệnh. VCB là mã khiêm tốn nhất, vẫn giao dịch quanh giá tham chiếu 38,000 đồng/cp.
Điểm tích cực trong phiên giao dịch sáng là độ rộng thị trường được duy trì khá tốt, với hơn 170 mã xanh trên cả 2 sàn, phân bổ đều ở nhiều nhóm ngành: ngân hàng (BID – CTG); vật liệu xây dựng (KSB – CVT – HSG – HPG), bất động sản – xây dựng (DXG, LHG, SZL, HBC), cao su (PHR – TRC)…
Ngoài ra, tính giằng co và thận trọng cũng là xu hướng chủ đạo, thể hiện ở hơn 300 mã đang đứng giá tham chiếu trên cả 2 sàn.
Đáng chú ý có nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên, đang đi ngược diễn biến giá cao su thế giới. Điển hình là PHR – HAG – HNG. Nhóm này cho sắc xanh nhẹ, trong bối cảnh giá cao su thế giới tiếp tục giảm về vùng 288 yen, sau khi lập đỉnh mới tại vùng 305 yen.
Hai cổ phiếu dẫn đầu nhóm thép là HSG – HPG cho nhịp hồi nhẹ sau khi tạo nến đảo chiều mạnh vào tuần trước. Tuy nhiên thanh khoản nhỏ giọt, khiêm tốn, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn trước đó. Vùng cản gần nhất của HPG là 43,000 đồng/cp, HSG là 50,000 đồng/cp.
9h30: DXG và LHG là điểm sáng
DXG và LHG là 2 điểm sáng đáng chú ý ngay đầu phiên, nhờ kết quả kinh doanh 2016 ấn tượng.
Trong đó, DXG báo lãi ròng 2016 đạt 537 tỷ đồng, EPS đạt 3,964 đồng. Còn LHG cũng có kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng, với 161.6 tỷ đồng LNST, tăng mạnh 132% so với cùng kỳ. Doanh thu đạt 616.9 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ.
Với diễn biến này, DXG đang quay lại gần kháng cự 13.5. LHG có tín hiệu kết thúc quá trình “tìm đáy” kể từ vùng giá 27,000 đồng/cp hồi đầu tháng 10/2016.
Quý 4/2016, khá nhiều doanh nghiệp bất động sản – xây dựng – hạ tầng cho kết quả kinh doanh tốt sau khi nhóm vật liệu xây dựng (C32 – CVT – KSB – VCS – PTB…) cho kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh suốt giai đoạn 2014 – 2016.
VNM sau khi được nước ngoài mua ròng trở lại vào tuần trước, đang giao dịch tích cực quanh vùng 130,000 đồng/cp – đóng góp 1.3 điểm tăng vào VN-Index.
Nhóm Ngân hàng VCB – BID – CTG xanh nhẹ, giúp VN-Index tăng khoảng 1 điểm. Kết thúc phiên ATO, mặc dù cho sắc xanh nhẹ nhưng thị trường vẫn giao dịch khá thận trọng. Thanh khoản duy trì ở mức thấp, đạt hơn 6 triệu đơn vị khớp lệnh trên HSX và gần 2 triệu đơn vị trên HNX.
Cập nhật trước phiên: Trước kỳ nghỉ lễ
Tuần giao dịch cuối cùng của năm Bính Thân dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong không khí ảm đạm và thận trọng, khi phần lớn nhà đầu tư đã có tâm lý nghỉ ngơi, chuẩn bị cho kỳ nghỉ Tết Âm Lịch.
Thống kê thanh khoản 1 tháng trở lại đây cho thấy mặt bằng thanh khoản liên tục giảm dần. Từ mức trung bình 115 triệu đơn vị/phiên giao dịch xuống còn xấp xỉ 90 triệu đơn vị/phiên – tương đương mức chênh lệch khoảng 20%.
Phiên giao dịch 23/01, sẽ tiếp tục kịch bản giao dịch của tuần trước trên cả 2 sàn. Theo đó, VN-Index kiểm định lại vùng kháng cự 690+/- và cho thoái lui về ngưỡng hỗ trợ 675 – 680. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy, xác suất điều chỉnh là khá cao khi có sự đồng thuận của MACD, RSI, MFI và Stochastic. Nếu vùng 675 bị phá vỡ, VN-Index có thể sẽ quay lại kiềm định các hỗ trợ tin cậy hơn. Gần nhất là vùng 660 điểm.
HNX đã cho tín hiệu điều chỉnh rõ nét khi chạm kháng cự 83 điểm trong tuần trước. Các phiên giao dịch cuối cùng của năm Bính Thân, yếu tố giằng co quanh vùng điểm 82 – 83 điểm sẽ là chủ đạo. Kèm theo thanh khoản giảm dần, dễ gây tâm lý chán nản lên những nhà đầu tư còn đeo bám thị trường.
Chiến lược giao dịch trong phiên đầu tuần: Hạn chế mua đuổi khi thị trường tỏ ra hưng phấn quanh các kháng cự 690+/- đối với VN-Index và 83 – 84 đối với HNX-Index. Nhà đầu tư nên lựa chọn tích lũy cổ phiếu tại các vùng hỗ trợ của chỉ số.
Một số cổ phiếu đáng chú ý: PVD: Đang quay lại vùng hỗ trợ 20 – tương đương vùng đáy tháng 1/2016. Các chỉ báo kỹ thuật (RSI tạo phân kỳ dương cho khả năng phục hồi nhẹ quanh vùng giá 20. Trong trường hợp giá dầu vượt 54$, PVD sẽ được hỗ trợ tốt hơn để chinh phục vùng giá 22./.
|