Nhịp đập Thị trường 19/01: Nhiều largecap đón Tết sớm với sắc đỏ
Các chỉ số đồng loạt suy giảm trong đợt đóng cửa cuối phiên chiều hôm nay, sau khi tăng nhẹ một chút trước đó. VN-Index giảm 0,14% về 682,3 điểm, HNX-Index và UPCoM-Index thậm chí còn giảm mạnh hơn (-0,5% và -0,45%). Nhiều mã vốn hóa lớn như HPG, HSG, KDC, MSN, PVD, VCB, VNM và nhất là BHN đã giảm trong đợt 3 kéo chỉ số VN-Index xuống theo. Số lượng các mã largecap tăng giá trong đợt 3 như CTG, GAS… quá ít để đỡ chỉ số.
Khối ngoại tiếp tục GD nhiều trong phiên chiều, bao gồm cả các GD nội khối ở FPT hay VCB. GD của khối ngoại chỉ góp phần tác động lên giá 1 vài cổ phiếu largecap như CTG (mua ròng 114.000 cp giúp giá tăng 2%), hay PVD (bán ròng 708,000 cp góp phần khiến giá giảm 1.5%).
Liên Bộ CT-TC vừa công bố giữ nguyên giá xăng Ron92, chỉ tăng 290 đồng/lit đối với dầu diesel. Tuy nhiên, điều khiến thị trường lo ngại là dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường. Ngoài ra, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng giá xăng dầu thế giới và trong nước trong năm 2017 sẽ có thể tăng.
BHN sau khi tăng đến sát 150,000 đ/cp trong 30p đầu của phiên sáng thì đến cuối phiên chiều đã giảm về 135,000 đ/cp, dù sao cũng tăng 4.3% so với mức giá tham chiếu của ngày chào sàn HOSE.
CTS đã tăng trần 9.4% sau khi có thông tin về việc công ty này đang nắm giữ gần 2 tr.cp THACO (Ô tô Trường Hải) và công ty này có thể sẽ lên sàn chứng khoán trong thời gian tới. Ngoài CTS, PSI cũng tăng trần 10% dù chỉ có đúng 3 deal với tổng khối lượng khớp 900 cp. Tuy nhiên, từ trường hợp của CTS, có thể dẫn đến 1 kết luận rằng triển vọng cho khối kinh doanh chứng khoán năm nay là rất tích cực, không chỉ vì các công ty chứng khoán đều có hoat động tự doanh, mà còn vì việc các doanh nghiệp lớn lên sàn sẽ giúp các CTCK gia tăng doanh số môi giới và dịch vụ khác.
BTP đã công bố kết quả SXKD cả năm 2016 với doanh thu 1,668 tỷ đồng (-8,9% yoy) nhưng LNST 118 tỷ đồng (+23% yoy và vượt 97% KH năm 2016), tuy nhiên diễn biến giá cổ phiếu gần đây dường như đang phản ánh tình trạng “tin ra là bán”.
PVC bất ngờ tăng giá vào cuối phiên chiều, nhiều khả năng là do hỗ trợ của khối ngoại (mua ròng gần 60,000 cp), cho dù công ty cũng vừa công bố chỉ tiêu KH SXKD 2017, theo đó DT (hợp nhất) 2,660 tỷ đồng như LNST chỉ 17.8 tỷ đồng. Lưu ý rằng công ty cũng chưa trả cổ tức 2016 (dự kiến 14% theo mệnh giá cổ phiếu).
HHG đã công bố BCTC Q4/2016 với sự đóng góp từ mảng BĐS, dẫn đến doanh thu tăng trưởng 135% và LNST tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm 2016, doanh thu và LNST đã tăng trưởng 46.6% và 22.8%. Tuy nhiên đáng chú ý hơn là cấu trúc tài chính của công ty đã tích cực hơn so với quý 3 liền trước, nhất là tiền mặt tăng lên và phải thu ngắn hạn giảm. Với những thay đổi này, rủi ro về thanh toán nợ ngắn hạn đã giảm xuống khá nhiều. Thị giá HHG đã tăng khoảng 20% trong phạm vi 1 tháng gần đây, tuy nhiên hôm nay cổ phiếu này đang đứng giá.
Đà rơi của cổ phiếu INN đã được chặn lại từ phiên bắt đáy hôm qua, và hôm nay đã tăng 1.7% lên 52,800 đ/cp. Có thể nói vụ cháy nhà xưởng sẽ không tác động gì lên kết quả SKDX 2016 mà công ty sẽ sớm công bố, nhưng sẽ khiến hoạt động của công ty suy giảm kể từ Q1 năm nay. Chưa rõ công ty sẽ khắc phục hoạt động trong bao lâu, nhưng có lẽ do chưa có thông tin, nên giá cổ phiếu đã giảm 27% chỉ trong 3 phiên gần nhất tính đến hôm qua.
VSN bất ngờ chuyển từ xanh sang đỏ trong đợt 3 (giảm 3.8%) chỉ bằng lệnh bán 800 cổ phiếu.
Phiên sáng: Mong manh trong sắc đỏ của Tết cổ truyền
Các chỉ số index sau khi giảm mạnh trong 30p đầu tiên đã hồi phục về mức tham chiếu và dao động quanh ngưỡng đó, tuy nhiên đến cuối phiên sáng vẫn chìm trong sắc đỏ. VN-Index giảm 0,04%, HNX-Index giảm 0,3% và UPCoM-Index giảm 0,36%. Các nhóm bảo hiểm, dầu ăn, chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, cao su, phân phối khí đốt… đều suy giảm trên diện rộng. Nhóm ngân hàng và hóa chất cơ bản tuy có 1 phiên hồi phục và góp phần quan trọng đỡ chỉ số, nhưng có vẻ không chống nổi “số đông”.
Nhiều cổ phiếu trong nhóm bảo hiểm giảm giá trong phiên sáng, nhất là BIC (-4,9%), PGI (-1,7%), ABI (-1,4%). Chỉ có BVH tăng giá nhẹ 0,2%.
Nhóm chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi đang chịu tác động tiêu cực tư thông tin về dư cung đàn heo, cũng như giá bán thịt heo đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, thông tin này lại giúp VSN tăng giá 3,7%. Lưu ý là VSN cũng đã tăng giá gần 22% kể từ đáy tháng 1 (44,3 ng.đ/cp).
Nhóm dầu khí và khí đốt có lẽ đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thông tin về diễn biến giá dầu thế giới trong hôm qua. Thị giá các tổng công ty lớn trong họ PVN như GAS, PVD, PVS đều giảm giá trong 5 phiên gần đây, trong đó GAS đang quay lại ngang mức giá hồi tháng 8 năm trước.
CTG, BID đã tăng giá trở lại sau khi giảm khá mạnh trong ngày hôm qua, và việc tăng giá này có sự góp phần từ khối ngoại. Tuy nhiên, dù khối ngoại bán ròng gần 180.000 cp STB, cổ phiếu này cũng tăng giá 1,4%. STB cũng đã tăng giá gần 17% so với mức đáy hồi đầu tháng 1, cho dù cổ đông vẫn phải chờ BCTC năm 2015 và kế hoạch tái cấu trúc cụ thể.
Trong số các công ty thuộc nhóm BĐS và có biến động giá đáng chú ý nhất sàn HOSE trong tháng 1, KAC là 1 cổ phiếu leo dốc nhanh nhất với mức tăng hơn 2 lần (tuy nhiên thanh khoản cũng rất thấp). Tuy nhiên ở phía giảm giá, thất vọng nhất vẫn là HQC và HAR (công ty này cũng vừa mới CBTT về kết quả Q4/2016). Thị giá HQC chỉ còn chưa đến 2 ng.đ/cp, thấp hơn cả mức đáy của giai đoạn “ xuống dốc không phanh” trong nửa đầu tháng 12/2016. “Tân binh” SCR cũng giảm giá 2,6% về đúng 8 ng.đ/cp.
Thông tin về dự thảo tăng phí bảo vệ môi trường trong giá xăng dường như cũng đang khiến nhiều cổ phiếu niêm yết trong lĩnh vực vận tải hàng hóa và hành khách đường biển và đường bộ suy giảm (trừ vận tải dầu khí và hàng không). Hiện VNS đang giảm 1,3%, VNA -3,2% thậm chí HTV -7%. Tuy nhiên SKG tăng giá 0,9% lên 80 ng.đ/cp nhờ 1 số thông tin tích cực về triển vọng của doanh nghiệp nói riêng.
10h30: Phục hồi về tham chiếu
Đã có sự đảo ngược khá thú vị về mặt chỉ số, khi VN-Index và HNX-Index đang hồi phục và vượt lên trên mức tham chiếu, thì UPCoM-Index lại diễn biến ngược lại. Tuy nhiên, các chỉ số đang dao động không ổn định quanh mức tham chiếu, và có thể còn đổi màu nhiều lần trong ngày hôm nay.
Thị trường đang vào “vùng xanh” của mùa công bố BCTC Q4 và cả năm 2016, tức là giai đoạn các báo cáo có kết quả tốt được công bố trước, tuy nhiên diễn biến giá cổ phiếu lại không hẳn tích cực. Điều này có thể lý giải ở tâm lý chốt lời và yếu tố cận Tết.
BHN và CII đang dẫn đầu mức tăng giá (10.9% và 2%) trong số các largecap trên sàn HOSE, trong đó BHN tăng giá còn nhờ yếu tố chào sàn. CII đã công bố tăng tỷ lệ sở hữu công ty con Vinaphil và CII B&R (mã LGC), và được dự báo kết quả SXKD cả năm 2016 khả quan.
Ngành chăn nuôi heo dường như đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất năm, khi dư cung đang rất lớn (dù đã rất gần kề Tết Nguyên đán) và giá bán rất thấp (khoảng 30 ng.đ/kg).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã chuyển biến tốt hơn so với lúc mở cửa, đa số tăng giá, trong đó CTG tăng 1,7%, STB +1,3%, VCB +0,4%, BID +0,3%, ACB +0,4%... Riêng EIB vẫn giảm khá mạnh (-1,6%). Nhóm ngân hàng cũng là nhóm sớm công bố BCTC Q4 nhất trên thị trường, với kết quả nhìn chung là tích cực, dù vẫn còn vấn đề về nợ xấu. Khá nhiều cổ phiếu nhóm này đã tăng giá hơn 10% kể từ đầu năm như ACB, VCB, BID, CTG, STB… bù đắp sau 1 năm “thất bát”. VIB chưa “hòa nhập” với các đồng nghiệp khi thị giá đang đứng nguyên ở mức 15,7 ng.đ/cp (nhưng giảm hơn 9% so với giá tham chiếu ngày chào sàn 09/01/2017).
CLC đạt DT và LNST cả năm 2016 lần lượt là 1,817.5 tỷ đồng (+3.1% yoy) và 111.6 tỷ đồng (+9.8% yoy), EPS khoảng 8,500 đồng. Với thị giá hiện tại khoảng 56,000 đ/cp, thì P/E khá hấp dẫn 6.6 lần. Hiện cổ phiếu đang phản ứng tích cực với thông tin này, thị giá đang tăng gần 4%.
FOX đã giảm giá phiên đầu tiên (-1,9%) sau khi tăng 4 phiên liên tiếp với mức tăng bình quân trên 10%/phiên. Tuy vậy, so với mức giá chào sàn 54,000 đ/cp, thị giá FOX hiện vẫn đang cao gần gấp đôi (+92,6%). Ngược lại với FOX, 1 cổ phiếu khác “họ” FPT cũng mới chào sàn cùng ngày 13/01 là FTS thì lại giảm giá hơn 28% và đang dừng ở mức 12,900 đ/cp.
Mở cửa: Sắc đỏ áp đảo đầu phiên
Chỉ số 2 sàn niêm yết mở cửa trong sắc đỏ, VN-Index đạt 683,02 điểm (-0.53%), HNX-Index đang giảm về dưới 83 điểm sau khi tang nhẹ lên 83.4 điểm ngay sau lúc 9h. Riêng chỉ số sàn UPCoM còn giữ được sắc xanh ngắn ngủi, sau đó cũng chuyển sang đỏ ở mức khoảng 53.3 điểm.
Đa số largecap sàn HOSE lẫn HNX giảm giá, bất kể là nhóm ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí hay tiêu dùng..., tuy nhiên cũng có vài “kẻ” đi ngược thị trường như VND, PLC.
PNJ vừa công bố kết quả kinh doanh 2016 với doanh thu 8,720 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước, lãi trước thuế đạt 608 tỷ đồng, tăng 204%, tuy nhiên thị giá cổ phiếu đang giảm 100 đồng/cp. Giá cổ phiếu này cũng đã đi ngang trong 1 giai đoạn khá dài kể từ tháng 9/2016 đến nay, sau khi đã tắng gần 3 lần kể từ cuối năm 2015.
BHN hôm nay chào sàn HOSE và đã tăng giá gần 10,000 đồng/cp (hơn 15%) ngay lúc mở cửa. Gia nhập HOSE cùng SAB, có vẻ như BHN sẽ được chấp nhận định giá ở mức P/E cao hơn so với mặt bằng chung của sàn này (30 lần so với bình quân 16 lần).
Nhóm cổ phiếu ngân hang dường như đã không còn chịu tác động từ thông tin đăng tải trên Bloomberg cách đây 2 ngày, tuy nhiên đa số cổ phiếu đang giữ nguyên mức tham chiếu sau khi đã đỏ suốt ngày hôm qua. Chỉ có ACB và EIB đang giảm nhẹ 100 và 50 đ/cp.
Giá dầu thế giưới ngày hôm qua đã giảm 1 chút khoảng 3% sau khi đồng USD tăng trở lại và dự báo các công ty dầu khí Mỹ sẽ tang sản lượng khai thác, tuy nhiên mức giá dầu hiện nay có vẻ như đang trụ vững trên mốc 50 USD/thùng./.
|