Nhiều thử thách ổn định tỷ giá 2017 được lưu ý
Ngày 4/1, cả đại diện cơ quan điều hành và đầu mối giám sát cùng đưa ra nhận định, dự báo về những tác động và diễn biến của tỷ giá USD/VND trong năm 2017.
“Phân tích mối tương quan giữa tỷ giá thị trường tự do và chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cho thấy mối tương quan khá chặt, đặc biệt khi mức chênh lệch giá vàng ở mức cao”, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lưu ý.
|
Bám sát hàng giờ
Tại buổi họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ năm 2016, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước điểm lại, năm qua, việc điều hành chính sách tỷ giá đã có cơ chế mới, cơ chế tỷ giá trung tâm. Cơ chế này, theo đánh giá của bà Hồng, đã mang lại hiệu quả năm qua, tỷ giá và thị trường ổn định.
Năm 2017, Chính phủ tiếp tục yêu cầu nhà điều hành chính sách tiền tệ ổn định được tỷ giá USD/VND. Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo cách thức như 2016, theo cơ chế tỷ giá trung tâm.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo chuyên trách trên cũng nêu nhiều thử thách mà tại thời điểm này chưa thể định hình một cách cụ thể.
Đó là chính sách kinh tế của Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump thực tế sẽ như thế nào, phản ứng liên quan của thị trường sẽ ra sao. Diễn biến của đồng USD với chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), diễn biến của đồng Nhân dân tệ sau khi vào rổ tiền dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những thay đổi chính trị và kinh tế tại khu vực châu Âu sau các cuộc bầu cử… vẫn còn phía trước.
“Độ mở nền kinh tế Việt Nam chúng ta đã lớn. Những yếu tố đó không chỉ tác động đến kinh tế mà còn tác động đến tâm lý kỳ vọng trong nước, nên việc điều hành tỷ giá đòi hỏi phải bám rất sát diễn biến thị trường, hàng ngày hàng giờ, phải có những phương án dự phòng để phản ứng nhanh trước những biến động”, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo chuyên trách này, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải luôn chủ động căn chỉnh, điều hành các cân đối khác xoay quanh và gián tiếp tác động đến tỷ giá như lãi suất, thanh khoản hệ thống…
Chỗ dựa lớn sẽ thay đổi
Bên cạnh những thử thách trên, trong báo cáo vừa công bố ngày 4/1, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề cập đến một số yếu tố cụ thể, đặt ra đối với mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VND năm nay.
Theo nhận định trong báo cáo này, mục tiêu ổn định tỷ giá năm 2017 sẽ khó khăn hơn do một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá mạnh so với USD, đặc biệt là đồng Nhân dân tệ, Euro và lạm phát có khả năng tăng trong năm 2017 khi giá hàng hóa thế giới phục hồi.
Đáng chú ý, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia dự báo, tỷ giá trong năm 2017 còn chịu áp lực từ việc cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm 2016.
Năm 2016, việc thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá có một chỗ dựa lớn là trạng thái thặng dư của cán cân thanh toán tổng thể (lên tới khoảng 8,5 tỷ USD trong năm 2016, theo ước tính của Ủy ban Giám sát). Nhưng, chỗ dựa này dự báo bắt đầu có thể đổi trong năm nay.
Theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, về phía cán cân thương mại, năm 2017 nhập khẩu được dự báo sẽ tăng cao hơn khi tăng trưởng phục hồi. Trong khi đó, xuất khẩu có thể gặp khó khăn khi cầu thế giới chậm phục hồi, năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng khi đồng tiền của các nước đối thủ mất giá mạnh so với USD; giá hàng hóa cơ bản thế giới năm 2017 dự báo tăng, và phân tích của Ủy ban cho thấy giá hàng hóa cơ bản thế giới có tác động ngược chiều đến cán cân thương mại của Việt Nam.
Về cán cân vốn, chính sách của Tổng thống mới đắc cử Mỹ làm chủ nghĩa bảo hộ thương mại có nguy cơ quay trở lại trong đó có việc rút khỏi TTP có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến dòng vốn FDI vào Việt Nam; chính sách tiền tệ của các nước phát triển nhìn chung tiếp tục nới lỏng. Ngoại trừ Mỹ, chính sách tiền tệ dần thắt chặt trong năm 2017 sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp vào các nền kinh tế mới nổi.
Ngoài ra, đầu mối giám sát này còn lưu ý đến một yếu tố nội tại của Việt Nam: mối quan hệ của tỷ giá USD/VND với chênh lệch giá vàng.
Nhìn lại biến động tỷ giá thị trường tự do vào cuối năm 2016, Ủy ban Giám sát cho rằng, còn do ảnh hưởng từ thị trường vàng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có thời điểm lên đến 5 triệu đồng/lượng do giá vàng thế giới điều chỉnh mạnh sau cuộc đầu cử Tổng thống Mỹ trong khi giá vàng trong nước lại tăng nhẹ. Cụ thể, tính đến ngày 21/12, giá vàng thế giới đã giảm 10,8% và giá vàng trong nước tăng 0,2% so với giá tại ngày bầu cử Tổng thống Mỹ.
“Phân tích mối tương quan giữa tỷ giá thị trường tự do và chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cho thấy mối tương quan khá chặt, đặc biệt khi mức chênh lệch giá vàng ở mức cao”, báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia lưu ý.
http://vneconomy.vn/tai-chinh/nhieu-thu-thach-on-dinh-ty-gia-2017-duoc-luu-y-20170105113320396.htm
|