Trọng tâm tái cơ cấu 5 Ngân hàng thương mại trong năm 2017
Tại buổi họp báo tổng kết năm 2016, ông Nguyễn Văn Hưng
- Phó Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trọng tâm
năm 2017 là tập trung tái cơ cấu 5 ngân hàng thương mại.
Họp báo của Ngân hàng Nhà nước sáng ngày 04/01
|
Theo ông Hưng, NHNN đã tập trung xử lý các vấn đề về mô hình tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng yếu kém đã được nhận diện và thu hẹp dần, năng lực tài chính được nâng lên.
Năm 2017, 3 ngân hàng mua 0 đồng (Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương, Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu) cùng với Ngân hàng Đông Á và Ngân hàng Sacombank sẽ được đặt trọng tâm cơ cấu. NHNN đã xây dựng phương án xử lý cụ thể, hoàn chỉnh phương án trình Chính phủ để cơ cấu lại 5 ngân hàng này và đã có báo cáo trình Thường trực Chính Phủ và Thủ tướng xem xét.
Bên cạnh đó, đối với các tổ chức phi tài chính, NHNN cũng sẽ có phương án xử lý dứt điểm trong giai đoạn tiếp theo, đồng thời xử lý những quỹ tín dụng nhân dân không có khả năng phục hồi. Năm 2016, nhờ kết quả của quá trình tái cơ cấu mà hệ thống tổ chức tín dụng sẽ có được cơ sở tiềm năng phát triển trong những năm tới.
Báo cáo của NHNN cũng cho biết, nợ xấu được giữ ổn định ở mức dưới 3%, đến 30/11/2016, tỷ lệ nợ xấu ước tính còn khoảng 2.46%. Tỷ lệ nợ xấu giảm được nhờ các tổ chức tín dụng tập trung nguồn lực để xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ, sử dụng nguồn trích lập dự phòng rủi ro. Mặt khác, số nợ xấu bán cho VAMC giảm so với 2015 do nợ xấu phát sinh 2016 nhỏ hơn những năm trước.
Liên quan đến giải pháp xử lý triệt để nợ xấu, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong đề án xử lý nợ xấu 2016-2020 cũng đã chỉ ra những khó khăn vướng mắc, liên quan đến căn cứ về mặt pháp lý và trong đề án cũng đã có kiến nghị về việc thay đổi trong quá trình kiểm soát nợ xấu.
Đối với hoạt động tín dụng, đến ngày 29/12/2016, tín dụng tăng 18.71% so với cuối năm 2015. Cơ cấu tín dụng diễn biến theo hướng mở rộng tín dụng tập trung chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, trong khi tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản chậm lại.
Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông thôn năm 2016 là tăng 15% cuối năm 2015, tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 8.58%, công nghiệp hỗ trợ tăng 18% và tín dụng xuất khẩu tăng 8.2%.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm, Chính Phủ rất quan tâm chỉ đạo trong thời gian qua, nhiều chính sách ưu đãi về các chương trình tín dụng cho vùng nông thôn, tín dụng cho các hộ bị thiệt hại được thực hiện. Về nguồn vốn sử dụng cho các chương trình, NHNN đã đề xuất sẽ huy động 50-60 ngàn tỷ đồng từ chính các Ngân hàng Thương mại, trong đó vai trò chính là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam./.
|