Kỳ vọng gì về chính sách trên TTCK năm 2017?
Năm 2016 là năm mà UBCK rất tích cực trong việc chuẩn bị để chính thức cho vận hành thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh vào nửa đầu năm 2017 và mở cửa hội nhập hơn nữa trên đấu trường quốc tế với mục tiêu sớm nâng hạng lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng của MSCI.
Ngay từ đầu năm 2016, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã đặt ra bốn mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm gồm (1) bảo đảm duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán (TTCK); (2) triển khai công tác phát triển chiều sâu và tái cấu trúc thị trường; (3) triển khai sản phẩm mới và vận hành TTCK phát sinh và (4) tăng cường hội nhập quốc tế, triển khai, thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế và giải pháp nâng hạng TTCK.
Với những nhiệm vụ trọng tâm đó, tính cho đến hết năm thì việc chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK phái sinh cũng như thâm nhập sâu rộng hơn trên đấu trường quốc tế đã có bước tiến nhất định. Đồng thời, công cuộc tái cấu trúc thị trường vẫn đang tiếp tục, nhiều thành viên thị trường yếu kém đã lần lượt bị khai tử, hiện thị trường còn 79 CTCK (giảm 25% so với năm 2015) và 46 công ty quản lý quỹ đang hoạt động bình thường.
Chứng khoán phái sinh đã trễ hẹn 1 năm
Theo lộ trình phát triển TTCK phái sinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 thì có 3 giai đoạn chính. Trong đó, giai đoạn trước 2015 là chuẩn bị, 2016 – 2020 là khâu tổ chức vận hành thị trường ở mức sơ khai và sau năm 2020 là hoàn thiện và nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm giao dịch.
Chiếu theo lộ trình này thì TTCK Việt Nam phải có thị trường chứng khoán phái sinh từ năm 2016. Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2015, UBCK chỉ mới công bố Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Đến đầu năm 2016 thì cho ra đời Thông tư số 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định 42, cùng với công tác quảng bá, hướng dẫn, đào tạo kiến thức và nền tảng công nghệ. Từ cuối tháng 10/2016, các thành viên liên quan đã vận hành thử hệ thống giao dịch TTCK phái sinh.
Theo tiết lộ của bà Nguyễn Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ phụ trách HNX, nếu chạy thử tốt thì quý 1/2017 TTCK phái sinh có thể chính thức ra mắt với hai sản phẩm đầu tiên là hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu (VN30, HNX30) và trái phiếu Chính phủ.
Như vậy, TTCK phái sinh đã trễ hẹn 1 năm so với lộ trình Thủ tướng phê duyệt.
Mới đây, HNX cho biết đang tổ chức lấy ý kiến hai dự thảo là Quy chế thành viên trên thị TTCK phái sinh và Quy chế niêm yết, giao dịch hợp đồng tương lai nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai TTCK phái sinh. Ngoài ra, một sản phẩm phòng ngừa rủi ro mà Sở GDCK TPHCM (HOSE) xây dựng là chứng quyền có đảm bảo (covered warrant) thì đang ở giai đoạn lấy ý kiến thị trường về quy chế niêm yết, công bố thông tin, quản lý, giao dịch và tạo lập thị trường.
Mở cửa rộng hơn để sớm được nâng hạng
Một mục tiêu quan trọng mà TTCK Việt Nam theo đuổi nhiều năm nay là việc nâng hạng từ thị trường cận biên (Frontier Market) lên thị trường mới nổi (Emerging Market) trong bảng xếp hạng của MSCI (Morgan Stanley Capital International). Dẫu đã theo đuổi nhiều năm nhưng theo chia sẻ của ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch HOSE tại một buổi tọa đàm diễn ra giữa tháng 11/2016, trong 17 tiêu chí để được MSCI chấp thuận nâng hạng thị trường thì Việt Nam đạt 7 tiêu chí.
Thị trường mới nổi là thị trường có mức cải thiện về thanh khoản, tăng quy mô vốn hóa, mở cửa nhiều hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài và có khuôn khổ pháp lý được đánh giá tiến bộ hơn.
Hiện Việt Nam còn vướng mắc về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại), giảm thiểu thủ tục đầu tư gián tiếp, ông Vũ Bằng – Chủ tịch UBCK cho biết vào giữa tháng 11/2016.
Liên quan đến việc nâng room ngoại, cơ sở pháp lý thì đã được hoàn thiện từ năm 2015 theo Nghị định số 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/09/2015 và Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài. Song vướng mắc về danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa được giải quyết triệt để trong năm 2016 mà chỉ mới dừng ở việc khâu trình Quốc hội trong những ngày đầu tháng 11/2016; dự án Luật sửa đổi, bổ sung danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư đã được trình lấy ý kiến đại biểu Quốc hội.
Cũng trong năm 2016, UBCK đã tăng cường hội nhập, thực thi các cam kết quốc tế như hoạt động hợp tác song phương với Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ), Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia; ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ nâng cao năng lực quản trị công ty với IFC; triển khai dự án VIE032 do Luxembourg tài trợ; tổ chức Hội nghị các cơ quan quản lý khu vực sông Mê Công lần thứ 6 và phối hợp với MSCI thực hiện các nội dung nâng hạng TTCK Việt Nam.
Mặt khác, để tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế đáp ứng nhu cầu nâng hạng TTCK Việt Nam, cuối tháng 9/2016, HOSE, HNX và VSD đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác (MoU) chia sẻ thông tin, phối hợp xây dựng vận hành các sản phẩm mới và phát triển bộ chỉ số chung VNX Allshare. Chỉ số chung này đã chính thức được vận hành từ tháng 10/2016 với số điểm cơ sở 1,000 điểm, sau hai tháng vận hành chỉ số này đang ở mức 939.28 điểm.
Năm 2017 sẽ có T+0 và bán chứng khoán chờ về?
Ngày 01/07/2016, Thông tư 203/2015/TT-BTC về hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán đã chính thức có hiệu lực với nhiều điểm mới tiệm cận với quốc tế hơn như được phép vừa mua và vừa bán chứng khoán trong từng lần khớp lệnh liên tục, được giao dịch khi có bảo lãnh thanh toán của ngân hừng lưu ký, tạo cơ sở pháp lý cho giao dịch trong ngày, giao dịch chứng khoán chờ về và tạo lập thị trường.
Khi Thông tư này chính thức có hiệu lực, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ được giao dịch với T+0 và bán chứng khoán chờ về (dạng bán khống có đảm bảo), tuy nhiên cho đến nay mới chỉ dừng ở việc được vừa mua và vừa bán chứng khoán trong từng lần khớp lệnh liên tục.
Ông Nguyễn Sơn – Chủ tịch VSD từng chia sẻ với báo chí vào giữa năm 2016 rằng, ít nhất phải đến năm 2017 thì thị trường mới có được hai nghiệp vụ giao dịch T+0 và bán chứng khoán chờ về. Nguyên nhân là phải đợi các CTCK đáp ứng đồng bộ các yêu cầu về quản trị rủi ro, an toàn hệ thống và VSD triển khai hệ thống hạ tầng.
Cũng liên quan đến quá trình giao dịch trên TTCK, kể từ ngày 12/09/2016 cả HNX và HOSE đều đưa ra các quy chế mới. Trong đó, đáng chú ý là những thay đổi mang tính chất phù hợp với thông lệ quốc tế trên HOSE như tăng khối lượng tối đa một lệnh đặt, chia nhỏ đơn vị yết giá.
Ngoài ra, Thông tư 203 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tạo lập thị trường (Market Maker) nhưng trong năm 2016 HNX mới dừng ở ban hành dự thảo quy chế hoạt động.
Nghiên cứu sửa Luật Chứng khoán lần hai
Luật Chứng khoán ra đời vào năm 2006 và mới được sửa đổi bổ sung lần đầu tiên vào năm 2010. Việc thị trường chứng khoán đang ngày càng phát triển sâu và rộng hơn đòi hỏi Luật Chứng khoán cũng cần có những sửa đổi, bổ sung mới. Do vậy, năm 2017, UBCK có thêm nhiệm vụ là nghiên cứu các điều kiện cần thiết để xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung.
Nằm trong lộ trình phát triển TTCK giai đoạn 2016-2020, sau khi có Luật Chứng khoán thế hệ hai, UBCK dự định sẽ chuyển từ cơ chế chào bán theo điều kiện cấp phép (merit review regulation) sang cơ chế đăng ký chào bán sau khi công bố đầy đủ thông tin (full disclosure regulation), triển khai giao dịch hợp đồng tương lai, quyền chọn dựa trên tài sản khác, cho phép vay chứng khoán để bán (bán khống)… Đồng thời, bổ sung quy định cho phép UBCK có đủ thẩm quyền để thực thi các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và cưỡng chế thực thi theo thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, trong năm mới UBCK sẽ phải xây dựng mô hình, lộ trình cho tiến trình hợp nhất hai Sở GDCK; tái cơ cấu lại các khu vực thị trường, đặc biệt là thị trường cổ phiếu bên cạnh các nhiệm vụ xuyên suốt như chuẩn bị các điều kiện cần thiết đưa TTCK phái sinh đi vào hoạt động; nâng cao chất lượng của các công ty niêm yết và chất lượng công tác quản trị công ty, đưa những sản phẩm mới, hàng hóa mới có chất lượng cao vào TTCK; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra theo chế độ quy định; đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cơ chế một cửa, dịch vụ công trực tuyến công khai minh bạch./.
|