Thủ tướng: Phải có bước tiến mới trong quản lý, điều hành
Thủ tướng cho rằng, để tăng trưởng cả năm khoảng 6,3-6,5% thì phải nỗ lực tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1-7,3%. Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải có bước tiến mới trong quản lý, điều hành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Ngày 29/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016.
Với phương châm hành động của Chính phủ vừa phải quản lý tốt kinh tế-xã hội, vừa phải kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, Thủ tướng cho rằng, “chúng ta đã đạt được một số kết quả bước đầu khá tốt, mang lại niềm tin cho xã hội, thị trường”. Đến nay, đã đạt và vượt 11/13 chỉ tiêu Quốc hội đặt ra năm 2016, có 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt.
Mới đây, môi trường kinh doanh của Việt Nam, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 9 bậc. Trước ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhất là đợt mưa lũ vừa qua ở miền Trung, các cấp, các ngành đã tích cực vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt khắc phục khó khăn, ổn định đời sống người dân.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh tăng hạng nhưng còn nhiều lĩnh vực cần cải thiện mạnh mẽ hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, trong những tháng cuối năm, mỗi bộ, ngành, địa phương phải có bước tiến mới trong quản lý, điều hành.
Không để các trạm BOT tăng giá
Về phương hướng, nhiệm vụ các tháng cuối năm, Thủ tướng cho rằng, để tăng trưởng cả năm khoảng 6,3-6,5% thì phải nỗ lực tăng trưởng quý IV ít nhất 7,1-7,3%.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Kiểm soát chặt chẽ các công cụ tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, giá cả thị trường để lạm phát không quá 5%.
Kiểm soát tốt, không để các trạm BOT tăng giá. Theo dõi sát giá cả trong nước, cung ứng hàng hóa kịp thời hơn, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.
Về lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, cần có biện pháp để doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn, chi phí vốn thấp hơn. Nghiên cứu giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay.
Tăng trưởng tín dụng đến nay đạt khoảng 12%, cần cố gắng bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 17-18%. Quan tâm kiểm soát tín dụng trong bất động sản. Tiếp tục xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.
Về đầu tư, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương thực hiện và giải ngân hết số vốn được giao, nhất là số vốn bổ sung, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Đối với các dự án đến hết tháng 9/2016 giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn 2016 thì kiên quyết không bố trí kế hoạch 2017.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế báo cáo tiến độ đầu tư xây dựng 5 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối với tinh thần phải giải ngân mạnh mẽ hơn.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Các địa phương cần chia sẻ khó khăn ngân sách
Về tài chính-ngân sách nhà nước, tích cực đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Đẩy mạnh cải cách hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là kinh phí họp, tiếp khách, đi công tác trong nước, nước ngoài, lễ hội, sử dụng xe công. Thực hiện ngay việc trích dự phòng 10% và tiết kiệm 10% khi giao dự toán chi đầu tư cho các công trình, dự án.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần các địa phương, các cấp, các ngành phải đồng tâm, hiệp lực, chung sức, chung lòng vượt qua giai đoạn ngân sách khó khăn hiện nay, nhất là trong năm 2017, 2018. Cùng với đó, không chỉ trông chờ vào ngân sách, phải huy động các nguồn lực khác như xã hội hóa, ODA, quan tâm đầu tư cho những nơi khó khăn và các địa bàn trọng điểm.
Về xuất khẩu, cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó lưu ý thị trường ASEAN. Rà soát, tháo gỡ các khó khăn, thủ tục hành chính bất hợp lý đối với hàng hóa xuất khẩu.
Nhấn mạnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp và cải cách doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành than; có biện pháp bảo đảm nguồn điện phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong tháng 11, tổ chức hội nghị toàn quốc về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Các bộ chức năng chỉ đạo việc cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp lớn như Vinamilk, Habeco, Sabeco... trên tinh thần công khai, minh bạch, không để thất thoát tài sản Nhà nước.
Về nông nghiệp, tiếp tục triển khai mạnh các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại và hỗ trợ khôi phục sản xuất ở các vùng bị ảnh hưởng. Theo dõi sát diễn biến cung, cầu thị trường trong nước và thế giới; tiếp tục tháo gỡ rào cản thương mại, mở cửa thị trường để bảo đảm tiêu thụ kịp thời, hiệu quả hàng hóa cho nông dân. Tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng chất cấm và kháng sinh, bảo vệ môi trường trong chăn nuôi. Thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, đóng cửa rừng tự nhiên.
Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất chính sách thuế tài nguyên khoáng sản phù hợp với mặt bằng chung các nước trong khu vực và trên thế giới. Công khai hóa đấu thầu trong khai thác khoáng sản.
Về hoàn thiện chính sách pháp luật và cải cách hành chính, phải tiếp tục bổ sung các vấn đề liên quan đến đầu tư, kinh doanh; không để nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc đề xuất xây dựng các dự án luật, pháp lệnh mới.
Các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu thí điểm các cơ chế đánh giá định kỳ kết quả đầu ra công việc của các cơ quan hành chính trực thuộc. Bộ Nội vụ xây dựng chỉ thị của Thủ tướng về giảm biên chế hành chính.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình; không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, cháy nổ. Chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm dịp cuối năm.
Thủ tướng yêu cầu chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, “đừng để tình trạng tắc 2-3 tiếng đồng hồ như vừa qua ở TPHCM”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Cần có chương trình hành động đột phá trong năm 2017
Liên quan đến chuẩn bị triển khai kế hoạch năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phải giao kế hoạch sớm, có cơ chế điều hành sớm, đặc biệt là chuẩn bị tốt Nghị quyết về phát triển KT-XH năm 2017, để các bộ, ngành, địa phương triển khai sớm.
“Mỗi bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị chương trình hành động của mình năm 2017 với tinh thần tiến công, đột phá”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết Thủ tướng, các Phó Thủ tướng sẽ chọn một số lĩnh vực để trực tiếp nghe, cho ý kiến.
Bên cạnh đó, các bộ phải xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, thước đo để theo dõi kết quả trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước của mình.
Thủ tướng yêu cầu, các bộ phải tiếp thu, giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, nêu ra tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường tại kỳ họp thứ 2 đang diễn ra, nhất là giải trình kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn 5 năm…
http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Phai-co-buoc-tien-moi-trong-quan-ly-dieu-hanh/290272.vgp
|