Thứ Hai, 24/10/2016 08:48

Bộ trưởng Nội vụ nói về “bài toán” cải cách tiền lương

Chính phủ cũng bàn tới bàn lui găng lắm, hết phương án này tới phương án khác nhưng cuối cùng cũng chỉ chọn được phương án tăng thêm 7% thôi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trao đổi về cải cách tiền lương bên hành lang Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Theo phân tích của Bộ trưởng, sau 2 năm trì hoãn việc tăng lương cơ sở theo kế hoạch, nhà nước đang “nợ” người làm công ăn lương mức tăng 16%. Như vậy, lẽ ra lần điều chỉnh lương này phải tăng 200.000 đồng chứ không phải chỉ 90.000 đồng như đề xuất.

Gần đây, dư luận nổi lên cuộc tranh luận về mâu thuẫn giữa chủ trương tinh giản biên chế để thực hiện cải cách tiền lương với bài toán đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để tránh nguy cơ vỡ quỹ lương hưu. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào?

Việc nâng tuổi nghỉ hưu là đề án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Còn Bộ tôi thì thậm chí lại khuyến khích nghỉ sớm vì đang thực hiện đề án tinh giản biến chế để cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Quan điểm của tôi là phải làm đúng quy định của Bộ luật Lao động, quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ 55. Và quan trọng nữa là ta phải thực hiện theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ của bộ máy công chức viên chức. Làm đúng như vậy thì mới nâng cao hiệu quả hiệu lực của bộ máy hành chính nhà nước và giải quyết được vấn đề cơ chế để tăng lương.

Nhưng thưa Bộ trưởng, vấn đề vỡ quỹ đã được nhiều cơ quan cảnh báo và sẽ là chuyện không xa khi độ tuổi lao động không tăng mà tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã thay đổi nhiều, số năm hưởng lương hưu của người lao động đang ngày càng dài ra. Phải giải bài toán này thế nào?

Đúng là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện là hơn 73 tuổi rồi. Phép tính đưa ra là của cơ quan quản lý quỹ, tôi không nói được. Tôi thì vẫn quan điểm, phải giữ đúng Bộ luật Lao động và thực hiện đúng Nghị quyết 39 thì sẽ giải quyết được vấn đề tiền lương, không phải lo vỡ quỹ. Giải quyết vấn đề cân đối quỹ bảo hiểm, theo tôi, không phải bằng vấn đề tăng tuổi.

Cái cần làm là tinh giản biên chế và đẩy mạnh xã hội hoá trong lĩnh vực dịch vụ công thì mới đẩy nhanh được lộ trình cải cách tiền lương trong thời gian sắp tới. Tôi đã từng nói, hiện chúng ta có 2,1 triệu công chức viên chức nhưng trong đó, số công chức từ cấp xã trở lên chỉ 600.000 người, không phải lớn. Nếu giảm được 50% số viên chức hưởng lương nhà nước từ việc xã hội hoá, chuyển sang cơ chế tự chủ thì cũng đã đỡ được rất nhiều, mới có điều kiện để cải cách cơ bản tiền lương.

Việc tinh giản biên chế trên thực tế chưa mang lại hiệu quả bao nhiêu vì việc tinh giản vừa qua mới chủ yếu là cho nhóm công chức viên chức ngấp nghé tuổi hưu… nghỉ sớm hơn đôi chút. Như vậy, dư luận cho là cũng không giảm được bao nhiêu số lương ngân sách đã trả cho những người này?

Nội dung của nghị quyết 39 của Bộ chính trị là tinh giản biên chế gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức viên chức nhưng thực ra lâu nay chúng ta mới đi sâu vào tinh giản mà chưa tính lại việc cơ cấu lại đội ngũ, cơ cấu lại tổ chức, sắp xếp lại chức năng chồng chéo, cơ cấu cho đúng vị trí, việc làm và chức danh của công chức. Có làm như vậy thì mới nhìn ra được những nhóm đối tượng tinh giản.

Đó là những người không đảm bảo điều kiện, không đủ sức khoẻ, cần bố trí sắp xếp công việc khác theo tiêu chuẩn quy định của Nghị định 188 của Chính phủ. Ngay cả khi đơn vị chưa đủ biên chế thì vẫn phải tinh giản những đối tượng như vậy để thu hút người mới vào bộ máy, để chất lượng, hiệu quả công việc cao hơn. Tinh giản theo đúng tinh thần và tỷ lệ Chính phủ quy định nghĩa là bình quân mỗi năm bộ máy phải giảm 5% biên chế.

Bài toán giải quyết vấn đề tiền lương theo tôi là thế nhưng vấn đề hiện giờ là việc vận động, chuyển đổi, xã hội hoá của các đơn vị theo tinh thần tự chủ quá chậm. Năm 2017, Chính phủ giao Bộ Nội vụ làm công tác tham mưu để đẩy mạnh việc này, tinh thần là làm đúng quy định của pháp luật và định hướng lãnh đạo của Đảng.

Hiện tại, chưa thực hiện được việc cơ cấu bộ máy như Bộ trưởng nói mà vẫn phải tính đến chuyện tăng lương cơ sở, như kế hoạch đề ra cho năm tới là tăng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng, tiền chi lương sẽ tiếp tục là một gánh nặng trong bối cảnh ngân sách đã rất khó khăn?

Phải làm được việc cơ cấu bộ máy, dứt khoát thế, thì mới thực hiện hiệu quả việc tinh giản bộ máy mà có tinh giản được mới cải cách tiền lương một cách đáng kể được. Năm nay việc tăng lương công chức, như bạn đã nghe rồi đó, thực ra Chính phủ cũng bàn tới bàn lui găng lắm, hết phương án này tới phương án khác nhưng cuối cùng cũng chỉ chọn được phương án tăng thêm 7% thôi.

Thực chất chúng ta đang nợ lương tới 16% so với lộ trình ban đầu (2 năm liền 2013, 2014 không tăng lương, nghĩa là nợ 14% và năm 2015 vừa rồi chỉ tăng được đôi chút, nợ thêm 2% nữa).

Như vậy, đáng ra mức lương tăng thêm năm nay phải là 200.000 đồng/tháng chứ không phải là 90.000/tháng như đề xuất nhưng đành chấp nhận vì ngân sách không đảm bảo, không cân đối được...

http://vneconomy.vn/thoi-su/bo-truong-noi-vu-noi-ve-bai-toan-cai-cach-tien-luong-20161024081230982.htm

Các tin tức khác

>   Đầu tư công: Đã dàn trải và tiếp tục... dàn trải? (23/10/2016)

>   "Muốn tái cơ cấu, không thể không bỏ tiền" (22/10/2016)

>   Liều thuốc mạnh cho căn bệnh nợ công (21/10/2016)

>   Cần 480 tỉ đô la Mỹ để tái cơ cấu kinh tế (21/10/2016)

>   Hiệp định thương mại tự do với EU giúp lương lao động VN tăng 3% (21/10/2016)

>   CPI sẽ tăng trước áp lực điều chỉnh giá xăng dầu (20/10/2016)

>   Cả Quốc hội, Chính phủ phải chịu trách nhiệm nếu nợ vượt trần (19/10/2016)

>   Vướng mắc trong đầu tư chưa “cháy nhà chết người” (18/10/2016)

>   Cần báo cáo Quốc hội tất cả khiếm khuyết của quản lý và sử dụng ODA (18/10/2016)

>   Không đồng ý cho Chính phủ nới trần vay nợ lên 55% GDP (18/10/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật