Liều thuốc mạnh cho căn bệnh nợ công
Một trong những yêu cầu quan trọng để giảm nợ công là cần phải giảm được bội chi ngân sách. Tuy nhiên câu hỏi của Việt Nam là để giảm bội chi ngân sách, Chính phủ cần phải tăng thu hay giảm chi?
Một trong ba phương án kiến trúc nhà ga sân bay Long Thành chuẩn bị đưa ra lấy ý kiến người dân. Đây là một trong những dự án sân bay có tác động lớn đến nợ công của Việt Nam. Ảnh TL
|
Khuyến nghị gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện nguồn thu. Đúng là phải cải thiện nguồn thu, nhưng phải hiểu sao cho đúng với bối cảnh Việt Nam?
Tăng thu - cần làm gì?
Theo người viết, Việt Nam cần phải nỗ lực cải thiện nguồn thu trên cơ sở giảm động cơ che đậy nguồn thu ngân sách của chính quyền địa phương, tái cơ cấu các khoản thu đang thiếu bền vững, cải cách cơ sở của một số sắc thuế, đồng thời cũng phải nỗ lực chống gian lận thuế, thất thu thuế, chuyển giá, giảm quy mô của nền kinh tế ngầm...
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với khuyến nghị Việt Nam cần theo đuổi mục tiêu tăng tỷ lệ thu ngân sách so với GDP trong thời gian tới trong bối cảnh nguồn thu từ dầu thô và thu ngoại thương giảm sút.
Hình 1 cho thấy tỷ lệ thu ngân sách so với GDP của Việt Nam hiện nay là phù hợp với các nước cùng trình độ phát triển kinh tế trong khu vực, thậm chí phải nói chính xác hơn là đang ở nhóm cao hơn. Tỷ lệ thu ngân sách của Việt Nam chỉ thấp hơn một số nước, đặc biệt là Trung Quốc nhưng cao hơn nhiều so với Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Hàn Quốc... Thực ra tỷ lệ thu ngân sách của Việt Nam đã từng ở mức cao nhất trong giai đoạn 2003-2010, so với các nước được so sánh ở đây. Từ năm 2010, tỷ lệ này của Việt Nam đã giảm đáng kể, trở lại mức trung bình trên của các nước.
Dựa trên thực trạng này, IMF (2016) đã đưa ra khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện nguồn thu nhằm lấy lại tỷ lệ thu ngân sách so với GDP như trước đây và phù hợp với một số nước trong khu vực.
Nghiên cứu của IMF (2016), chủ quan hoặc vô tình, chỉ so sánh tỷ lệ thu ngân sách trên GDP của Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia và nhóm ASEAN 4 nên đã không mô tả đúng bức tranh thu ngân sách của Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù giảm sút nhưng tỷ lệ thu ngân sách hiện tại của Việt Nam vẫn cao hơn so với các nước được IMF lấy so sánh, trừ Trung Quốc.
Thực tế cho thấy giai đoạn trước 2008 thu ngân sách của Việt Nam quá cao chứ không phải đó là mức hợp lý để làm cơ sở khuyến nghị quay trở lại mức thu ngân sách của giai đoạn đó. Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, mức thu tính trên GDP sụt giảm một phần là do nền kinh tế suy giảm tăng trưởng chứ không phải do mức ngân sách thu thấp.
Quan trọng hơn cả là nguồn thu từ dầu thô sụt giảm đã khiến cho tỷ lệ thu ngân sách của Việt Nam giảm sâu. Như vậy, để tăng tỷ lệ thu ngân sách, Việt Nam chỉ có thể tăng cường các khoản thu ngoài dầu thô. Nhưng tỷ lệ thu từ thuế ngoại thương cũng sụt giảm do các cam kết hội nhập quốc tế, nên Việt Nam chỉ có thể cải thiện ngân sách từ nguồn thu nội địa.
Điều này có nghĩa là gánh nặng ngân sách sẽ tiếp tục dồn lên khu vực sản xuất trong nước, trong khi với sức tăng trưởng kinh tế đang bị suy giảm như hiện nay, và quan trọng nữa là Chính phủ đang khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, Việt Nam đang cần một chính sách nới lỏng tài khóa (theo hướng giảm thu) chứ không phải thắt chặt. Nói tóm lại, không có lý do gì để Việt Nam phải nỗ lực quay lại thời kỳ trước.
Trong khi đó, xét về tỷ lệ chi ngân sách so với GDP, Việt Nam cũng thuộc nhóm cao nhất trong số các nước tương đồng trong khu vực. Điều đáng nói là cuối thập niên 1990, Việt Nam chỉ thuộc nhóm nước trung vị xét về tỷ lệ chi ngân sách nhưng hiện tại Việt Nam là nước dẫn đầu cùng với Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Philippines, Indonesia... đều có tỷ lệ chi ngân sách so với GDP khá thấp.
Điều này cho thấy rằng có cơ sở thực tiễn để nói rằng tỷ lệ chi ngân sách hiện nay của Việt Nam đã ở mức tương đối cao so với nhiều nước trong khu vực có trình độ phát triển tương đồng. Do đó không có cơ sở để Chính phủ tiếp tục gia tăng vị thế ngân sách nhà nước so với quy mô nền kinh tế trong giai đoạn cải cách hiện nay và sắp tới.
Liều kháng sinh mạnh cho căn bệnh nợ công
Đưa nợ công về giới hạn an toàn không phải là vấn đề “một sớm một chiều” nhưng cũng không phải là chuyện “để đến chiều tính”. Dưới đây là một số gợi ý chính sách được rút ra từ những nghiên cứu gần đây của chúng tôi:
Xem thêm tại đây.
|