Thứ Tư, 25/01/2017 15:17

Đừng để mất bò mới lo làm chuồng!

Một số cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn cho doanh nghiệp trong mở rộng đối tác thương mại.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp. Để tránh rủi ro, nhà xuất khẩu phải thường xuyên kiểm tra tình hình tài chính của đối tác cho dù đó là bạn hàng lâu năm. Ảnh: T.L

Từ một câu chuyện “nuốt nước mắt vào trong”

Anh T, trưởng phòng một công ty kinh doanh xuất khẩu nông sản có văn phòng tại TPHCM, cho biết mấy năm trước, đứng trước áp lực doanh thu và mở rộng thị trường, công ty anh chấp nhận bán hàng (cá tra) theo phương thức gối đầu - giao hàng chuyến sau nhận tiền chuyến trước, cho hơn 10 doanh nghiệp đối tác ở Trung Quốc.

Mọi việc diễn ra trôi chảy trong 1-2 năm đầu. Trong suốt thời gian đó, để cảm ơn bạn hàng, phía đối tác còn mời ban giám đốc công ty anh T. sang Trung Quốc chơi, tham quan các cơ sở kinh doanh. Sau chuyến đi ấy, sự tin tưởng của phía công ty anh T. với đối tác cũng lớn dần lên.

Một thời gian sau, viện những lý do về bán hàng, bên mua đề nghị chỉ trả 70% giá trị đơn hàng của chuyến trước thay vì trả 100% như trước. Tin tưởng vào tiềm năng của đối tác, công ty anh T. cũng chấp nhận đề nghị. Đến những lô hàng sau, đối tác lại tiếp tục viện lý do kinh doanh khó khăn để đề nghị chỉ trả 50-60% giá trị lô hàng... Sau nhiều lần như vậy, công ty anh T. tạo áp lực đòi tiền và ra điều kiện nếu không trả hết số nợ sẽ không giao hàng. “Thừa thắng xông lên”, đối tác Trung Quốc “phản pháo” rằng nếu công ty anh T. không giao hàng mới thì họ không trả tiền hàng cũ. Rồi họ cắt đứt liên lạc. Công ty anh T. qua đến tận nơi đòi tiền thì công ty này đã... đóng cửa.

Vì hoạt động ở dạng mua đi bán lại nên chỉ cần gặp một vụ việc như trên là lợi nhuận mấy năm kinh doanh của công ty anh T. coi như đổ sông, đổ biển. “Bị một cú đau nhưng chúng tôi không thể nói ra, vì sợ ngân hàng mà biết thì họ sẽ ngưng cho vay tiền. Chúng tôi phải im lặng mà làm ăn tiếp”, anh T. tâm sự.

Hiện tại, công ty của anh T. vẫn làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc nhưng chỉ chọn những đối tác chấp nhận trả trước 20% giá trị lô hàng, khi hàng đến biên giới, nhận đủ tiền thì mới giao hàng chứ không bán gối đầu như trước nữa.

Rủi ro luôn tiềm ẩn

Không chỉ có đối tác ở thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đã gặp những tình huống tương tự ở các thị trường khác như Indonesia, Malaysia, Canada... Tại hội thảo về quản lý rủi ro trong thương mại quốc tế và thu nợ nước ngoài do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại TPHCM hồi cuối tuần qua, ông Keith Stillings, CEO của Assurance Global, đã lên tiếng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn trong giao thương, đặc biệt khi doanh nghiệp thâm nhập thị trường mới thì khả năng rủi ro càng cao hơn. Theo ông Stillings, với mong muốn tăng trưởng, nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam bị áp lực phải tìm cho được khách hàng mới và đã chấp nhận nới lỏng những điều khoản trong quá trình giao dịch cho phía mua hàng, như giảm số tiền đặt cọc hay cho thời gian thanh toán linh động hơn. Những điều này đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro về thanh toán chậm tăng lên, và thực tế là mới đây đã có một công ty thủy sản Việt Nam bán hàng cho đối tác ở Mexico mà không lấy được tiền hàng.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, ông Stillings cho biết có hai loại doanh nghiệp nhập khẩu thanh toán không đúng cam kết ban đầu, một là lừa đảo và một là đang gặp khó khăn về tài chính. Lời khuyên của ông cho nhà xuất khẩu là phải thường xuyên kiểm tra tình hình tài chính của đối tác cho dù đó là bạn hàng lâu năm.

Theo phía Assurance Global, ở các nước thường có những công ty chào bán bảng báo cáo tín dụng của doanh nghiệp với giá từ vài đô la đến vài chục đô la Mỹ, chỉ những công ty quá nhỏ mới không có báo cáo tín dụng. Doanh nghiệp cần tìm đọc và hiểu về tài chính của các đối tác có quan hệ giao thương.

“Làm chuồng” cẩn thận, không để mất “bò”

Theo ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên tắc an toàn đầu tiên là phải điều tra thương nhân, đặc biệt là những doanh nghiệp mới làm ăn lần đầu bằng cách tìm hiểu thông tin từ hiệp hội, bạn hàng hoặc hỏi Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài...

Cảnh báo tiếp theo của ông Lễ là đừng ham giá rẻ. Ông kể chuyện có một doanh nghiệp Việt Nam muốn mua dầu và tìm được một doanh nghiệp ở Malaysia bán giá thấp hơn 25% so với giá thị trường nhưng đi liền với điều khoản chuyển tiền trước, nhận hàng sau. Hợp đồng được chốt, tiền đã chuyển nhưng hàng không thấy đâu. Gọi điện thoại thì bên kia cứ hẹn lần hẹn lữa với nhiều lý do. Khi doanh nghiệp nhờ trọng tài vào cuộc và có sự can thiệp của cơ quan chức năng Malaysia mới phát hiện ra địa chỉ giao dịch của công ty này là một cửa hàng bán sách. Vụ việc được khép lại và doanh nghiệp này mất gần như toàn bộ số tiền chỉ vì ham giá rẻ.

Ông Lễ lưu ý một vấn đề khi làm việc qua thư điện tử (e-mail) đó là trong quá trình đàm phán, doanh nghiệp có thể dùng các địa chỉ e-mail cá nhân nhưng khi chốt hợp đồng thì buộc nhân viên phải dùng địa chỉ e-mail của công ty. Cách an toàn nhất là hai bên thống nhất một địa chỉ e-mail chính thức để giao dịch, giúp dễ dàng hơn khi phải giải quyết những vấn đề phát sinh.

Cũng theo trọng tài viên này, để tránh rủi ro trong các hợp đồng, doanh nghiệp nên nhờ các luật sư soạn hợp đồng, tốn chi phí nhưng doanh nghiệp có thể dùng nó như hợp đồng mẫu cho nhiều đối tác khác nhau. Bên cạnh đó, trong trường hợp gặp tranh chấp do sai sót từ hợp đồng, công ty có thể được luật sư, công ty luật bồi thường thiệt hại.

Một lưu ý khác của ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, là khi giao dịch với một đối tác ở nước A nhưng họ có tài khoản ở nước B (với lý do như kiểm toán), doanh nghiệp cần cẩn thận tìm cách thẩm định lại vì khả năng bị lừa đảo là rất cao. 

http://www.thesaigontimes.vn/156212/Dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong.html

Các tin tức khác

>   Doanh nghiệp TPHCM "bơm" hơn 17,000 tỷ đồng cho hàng hóa dự trữ Tết (25/01/2017)

>   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khởi nghiệp như Facebook, Google, tại sao không?   (25/01/2017)

>   Yêu cầu báo cáo tình hình hàng hóa Tết trước 9h sáng hàng ngày (25/01/2017)

>   “Có khả năng Trung Quốc gia nhập TPP” (24/01/2017)

>   Vi phạm kinh doanh casino bị phạt đến 200 triệu đồng (24/01/2017)

>   TKV phải nhập khoảng 9 triệu tấn than trong 4 năm tới (24/01/2017)

>   Nhập khẩu tôm của Hàn Quốc có xu hướng tăng (24/01/2017)

>   Giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán (24/01/2017)

>   Quản lý thị trường: Hơn 8.500 cơ sở đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm (23/01/2017)

>   Đầu năm 2017, nhập siêu quay trở lại (23/01/2017)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật