“Dớp đen” cổ phiếu ngành khoáng sản khi nào mới hết?
Năm 2017 đã trải qua gần 2 tuần giao dịch, tuy nhiên những
hệ lụy từ năm 2016 buồn của cổ phiếu khoáng sản vẫn còn đọng lại trên
thị trường. Vừa qua, cổ phiếu DHM đã trở thành “điểm đen” tiếp theo của
thị trường chứng khoán nói chung và cổ phiếu ngành khoáng sản nói riêng.
Đến khi nào cổ phiếu ngành khoáng sản mới thoát khỏi “vận hạn”?
Thêm cổ phiếu DHM phải “lau sàn” 11 phiên liên tiếp, mất 72% giá trị
Trong những ngày đầu năm vừa qua, thị trường tiếp tục ghi nhận pha lao dốc mạnh từ cổ phiếu DHM của CTCP Thương mại & Khai thác Khoáng sản Dương Hiếu (HOSE: DHM). Giá của cổ phiếu DHM đã có xu hướng giảm từ đầu tháng 10/2016 với nhiều phiên trong sắc đỏ giằng co, song phải cho đến 11 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu này mới liên tục nằm sàn.
Tính đến ngày 12/01/2017, thị giá của DHM chỉ còn 4,520 đồng/cp, mất đi 72% giá trị từ mức đỉnh trong năm (15,900 đồng/cp tại ngày 14/10/2016). Khối lượng giao dịch cũng tụt giảm chỉ còn trung bình hơn 490 ngàn cp/phiên và lượng dư bán tăng, cao điểm có phiên (ngày 10/01) dư bán gần 2.2 triệu cp, trong khi trắng bảng bên mua.
Diễn biến thị giá của cổ phiếu DHM từ tháng 8 đến nay
|
Đầu năm 2017, một cổ phiếu khác trong ngành khoáng sản cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như DHM là ATG. Điểm chung giữa tình trạng của 2 cổ phiếu này là thị giá “bỗng nhiên” lao dốc mặc dù trên thị trường không xuất hiện thông tin tiêu cực về doanh nghiệp.
* Mất 57% giá trị sau nửa tháng – thêm một cổ phiếu khoáng sản cho trái đắng
Tuy nhiên, tương tự ATG, khi nhìn vào Báo cáo tài chính (BCTC) của DHM cũng có nhiều điểm cần chú ý xoay quanh tài sản ngắn hạn và hoạt động kinh doanh.
Theo BCTC quý 3/2016, tổng tài sản của DHM ở mức gần 384 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 48% với hơn 182 tỷ đồng nhưng đa số lại tập trung ở khoản phải thu và hàng tồn kho lần lượt 88 tỷ và gần 85 tỷ đồng, trong khi khoản tiền và tương đương tiền chỉ ở mức gần 7.5 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn của Công ty ở mức 201.4 tỷ, tập trung chủ yếu ở tài sản cố định vô hình với gần 90 tỷ đồng và khoản đầu tư tài chính dài hạn hơn 100.3 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào CTCP Khai khoáng Luyện Kim Bắc Việt 90 tỷ đồng (sở hữu 45% vốn), đầu tư vào CTCP Thương mại và khai thác Khoáng sản Miền Trung 10 tỷ (giữ 10% vốn) và Tổng công ty thép Việt Nam 505 triệu đồng. Mặt khác, vay nợ tài chính của DHM ở mức 52.4 tỷ đồng (chiếm 56% nợ phải trả).
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh cũng đang có những tín hiệu trật nhịp so với kế hoạch của DHM. Đến hết 9 tháng, mặc dù doanh thu lũy kế DHM đạt 508.5 tỷ đồng vượt mục tiêu cả năm, tuy nhiên lãi trước thuế chỉ mới dừng ở mức hơn 13 tỷ đồng, cách khá xa so với con số 35 tỷ đồng kế hoạch đặt ra. Lũy kế từ đầu năm đến hết quý 3/2016, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của DHM đang ghi nhận con số âm (ghi âm hơn 3.4 tỷ đồng).
Niềm tin dành cho cổ phiếu khoáng sản đã mất?
Nhìn lại năm 2016, có thể xem đây là một năm đầy “scandal” của cổ phiếu khoáng sản từ sàn UPCoM cho đến sàn HOSE.
Điểm nhấn nổi bật nhất là nhân tố MTM đã làm rúng động thị trường chứng khoán. MTM lên sàn UPCoM từ tháng 4/2016 và đã thu hút NĐT với những phiên khớp lệch ghi nhận biên độ giá chênh có thời điểm lên tới 28%, cùng với đó là khối lượng giao dịch thuộc hàng top trên thị trường. Tuy nhiên chỉ sau hơn 1 tháng, cổ phiếu này đã mất đi 80% giá trị, mang lại đầy cay đắng cho không ít NĐT.
Ngay sau đó, một loạt thông tin sai lệch và những dấu hiệu bất thường của doanh nghiệp này được “khám phá”, bao gồm những thông tin sai sự thật về trụ sở chính chi nhánh, thương hiệu, cùng với đó, tài sản của công ty này thực chất chỉ nằm trên giấy. Cuối cùng, cổ phiếu này đã bị tạm dừng giao dịch và được Sở giao dịch xem xét chuyển sang cơ quan điều tra khi phát hiện dầu hiệu lừa đảo. Lúc này, NĐT đã thực sự vỡ lẽ về khả năng toàn bộ khoản đầu tư sẽ “mất trắng”.
Câu chuyện của cổ phiếu khoáng sản chưa dừng lại bởi vẫn còn những nhân tố khác tiếp tục làm vơi đi niềm tin của NĐT, như 3 cổ phiếu KHB của CTCP Khoáng sản Hòa Bình, KSK của CTCP Khoáng sản Luyện kim màu và KHL của CTCP Khoáng sản và VLXD Hưng Long. Đây là các cổ phiếu đã bị Sở GDCK Hà Nội (HNX) đưa vào diện cảnh báo do thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh, những cái tên nêu trên thì CTCP Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc (KTB) và CTCP Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) cũng là 2 doanh nghiệp khoáng sản từng vướng vào “bê bối” công bố thông tin và bị hủy niêm yết.
Với những ví dụ tiêu cực trên, không khó để hiểu tại sao NĐT lại quay lưng đối với nhiều cổ phiều ngành khoáng sản. Liệu rằng thời gian có khiến nhà đầu tư lấy lại niềm tin và sẽ phải mất bao lâu để những cổ phiếu khoáng sản thoát khỏi cái bóng đen tiêu cực trong quá khứ?./.
|