Tắc vốn cho nhà ở xã hội
Gói 30.000 tỉ đồng đã kết thúc cho vay. Cả người mua nhà và chủ đầu tư nhà ở xã hội đang mong mỏi cơ quan quản lý bố trí nguồn vốn vay mới. Nhưng hiện chưa có triển vọng nào...
Nguồn vốn ưu đãi thiếu khiến thị trường nhà ở xã hội rơi vào nghịch cảnh thiếu nguồn cung, nhưng nhiều dự án vẫn rơi vào cảnh ế ẩm. Trong ảnh: một dự án nhà ở xã hội tại huyện Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
|
Tháng 6-2016, gói 30.000 tỉ đồng kết thúc cho vay. Chủ trương khuyến khích phát triển nhà ở xã hội nên Thủ tướng đã ban hành quyết định tiếp tục đưa mức lãi suất thấp cho vay mua nhà ở xã hội là 4,8%/năm, người dân có thể đến vay tại Ngân hàng (NH) Chính sách xã hội đến hết ngày 31-12-2016.
NH Nhà nước cũng định hướng sẽ tiếp tục cho vay ưu đãi để thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Người dân háo hức chờ đợi về mô hình một gói 30.000 tỉ đồng thứ hai. Tuy nhiên đến nay chưa có nguồn vốn vay ưu đãi nào được bố trí.
Mòn mỏi chờ vay ưu đãi
Chờ đợi mãi, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có văn bản hỏi mới té ngửa khi đầu tháng 12-2016 Bộ KH-ĐT trả lời, cho biết trong quá trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2016-2020 và kế hoạch năm 2016 với năm 2017, bộ này không nhận được đăng ký nhu cầu vốn để cấp bù lãi suất cho chính sách nhà ở xã hội.
Do không đáp ứng điều kiện, ngân sách khó khăn và kế hoạch vốn đầu tư trung hạn đã phân bổ từ đầu năm, nên Bộ KH-ĐT... không bố trí vốn để NH Nhà nước thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
“Không còn vốn ưu đãi, người dân không có vốn để mua nhà, trong khi doanh nghiệp làm nhà ở xã hội theo chủ trương khuyến khích của Chính phủ thì không bán được nhà.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM
|
Trong khi đó không có nguồn vốn ưu đãi, nhiều người đã phải tạm ngưng ý định mua nhà.
Gom góp được 300 triệu đồng, vợ chồng ông Lê Văn Kỷ (Q.12, TP.HCM) đang “ngóng” gói vay ưu đãi mới để đăng ký mua căn hộ nhà ở xã hội khoảng 1 tỉ đồng. Ông Kỷ cho biết thu nhập hiện nay của vợ chồng ông khoảng 15 triệu đồng/tháng.
Nếu được vay 700 triệu đồng mua nhà, lãi suất ưu đãi 4,8%/năm, ông có thể vun vén để ổn định cuộc sống. Lỡ hẹn với gói 30.000 tỉ đồng, ông Kỷ nhiều lần đến hỏi NH Chính sách xã hội nhưng NH cho biết chưa có gói ưu đãi mới. Do vậy, vợ chồng ông tạm dừng ý định mua nhà...
Tương tự, vợ chồng ông Trần Văn Bích (Q.Gò Vấp, TP.HCM) cưới nhau được ba năm, có con nhỏ nên rất muốn mua nhà.
Ông Bích là bộ đội, vợ làm công nhân, tổng thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Ông Bích dự định vay gói ưu đãi mua căn hộ khoảng 800 triệu đồng. “Lương vợ chồng tôi nếu vay theo lãi suất thông thường 9-10%/năm thì không dám mua” - ông Bích chia sẻ.
Không chỉ người dân, đại diện Công ty cổ phần TV-TM-DV địa ốc Hoàng Quân cũng cho biết gói tín dụng ưu đãi mới chưa triển khai đã khiến doanh nghiệp gặp khó khăn để tiếp tục dự án.
Rất nhiều khách hàng cũng không có vốn để tiếp tục thanh toán hoặc không dám tiếp cận nhà ở xã hội.
Công ty đã phải tự hỗ trợ phần lãi suất vượt quá 6%/năm cho khoảng 5.000 khách mua nhà đang vay vốn NH theo lãi suất thương mại.
Các cơ quan nhìn nhau?
Theo cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Trọng Ninh, sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, đã có quy định Nhà nước sẽ hỗ trợ ưu đãi thông qua NH Chính sách xã hội và các NH thương mại do Nhà nước chỉ định.
Tuy nhiên, ông Ninh cho hay nguồn vốn bắt buộc phải thực hiện theo Luật đầu tư công. “Vừa qua, Quốc hội đã thông qua kế hoạch tổng thể về vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tuy nhiên với từng lĩnh vực, chương trình cụ thể phải đợi đầu năm 2017 mới có quyết định chính thức” - ông Ninh nói.
Trong khi đó tháng 10-2016, theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội, chương trình hỗ trợ nhà ở xã hội sẽ được tiếp tục và dự kiến mức vốn cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho NH Chính sách xã hội để thực hiện trong năm 2017 sẽ lên tới 2.010 tỉ đồng.
Mức vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 bố trí cấp bù lãi suất và phí quản lý cho NH Chính sách xã hội sẽ lên tới 15.890 tỉ đồng.
Nhưng nguồn vốn này còn... trên giấy. Ông Nguyễn Tiến Đông - vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NH Nhà nước) - cho biết hiện NH cũng đang... chờ tiền dù chính sách cho vay đã được ban hành cuối năm 2015.
Theo ông Đông, hiện các NH vẫn đang phải chờ Bộ KH-ĐT thu xếp vốn, Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế cấp bù lãi suất...
Cần nhiều giải pháp
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) - cho biết gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ người có thu nhập trung và thấp đô thị có nhà ở, giúp thị trường bất động sản phục hồi.
Nếu chấm dứt gói ưu đãi sẽ làm người có thu nhập thấp đô thị khó tiếp cận nhà ở và tác động đến phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền. Hiện tại, ông Châu nêu đã có nghịch lý là trong khi dân cần nhưng nhiều dự án vẫn rơi vào cảnh ế ẩm.
Vì vậy, ông Châu cho biết Horea đã đề nghị Bộ KH-ĐT trình Chính phủ để sửa đổi, bổ sung danh mục chi ngân sách, trong đó có danh mục chi cho nhà ở xã hội, để có cơ sở thực hiện ngay từ đầu năm 2017.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, chuyên gia tài chính NH Nguyễn Trí Hiếu cho hay để hỗ trợ lãi suất nhằm giúp người thu nhập thấp vay vốn mua nhà, không có cách gì ngoài nguồn vốn từ NH Nhà nước.
Theo ông Hiếu, để có vốn chỉ có hai cách: Chính phủ phát hành trái phiếu với lãi suất rất thấp, nhưng phương án này khó khả thi vì không thể bán được.
Thứ hai là vay nước ngoài thông qua những chương trình hội chợ phát triển kinh tế của các tổ chức tài chính, vì lãi suất ở đó rất thấp.
Với các chủ đầu tư, ông Hiếu tư vấn nên tính làm nhà diện tích nhỏ với giá khoảng 500 triệu đồng/căn. Dù lãi suất cao, nhưng do giá trị vay thấp nên người dân có thể mua được...
Trước mắt để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư và người dân mua nhà ở xã hội, theo ông Nguyễn Trọng Ninh, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ thiết thực bằng cách tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp để giá bán nhà ở xã hội có giá hợp lý hơn cho người dân.
TS Cấn Văn Lực (chuyên gia tài chính - ngân hàng):
Cần nhiều nơi xắn tay vào cuộc
Không nên chỉ trông chờ vào nguồn vốn ưu đãi từ Nhà nước để phát triển nhà ở xã hội. Nếu chính sách khuyến khích nhà ở xã hội đã được khẳng định thì chính quyền địa phương cũng cần góp một phần ngân sách vào dự án nhà ở xã hội.
Một nguồn nữa về lâu dài là phải phát hành trái phiếu. Đối với các dự án bất động sản, chúng ta có thể dùng những dự án đó làm tài sản đảm bảo, thế chấp.
Với các chủ đầu tư có uy tín, chính quyền địa phương hoặc Chính phủ có thể đứng ra bảo lãnh... với những điều kiện nhất định để vừa đảm bảo an toàn vốn, vừa giúp dân có nhà.
|
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20161219/tac-von-cho-nha-o-xa-hoi/1238446.html
|