Động lực cho nền kinh tế
Với hệ thống trên 100 ngân hàng thương mại trong nước, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cùng 1.147 quỹ tín dụng nhân dân và 3 tổ chức tài chính vi mô, Việt Nam có nhiều cơ sở tốt để hình thành và phát triển chiến lược tài chính vi mô toàn diện.
Dịch vụ tài chính ngày càng đa dạng, phong phú
|
Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và “dễ bị tổn thương” nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính; góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tài chính toàn diện được thực hiện qua các nội dung như phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa mạng lưới các tổ chức cung cấp dịch vụ về tài chính; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính và phổ biến kiến thức tài chính.
Tại buổi tọa đàm “Tài chính toàn diện tại Việt Nam – Cơ hội và thách thức” vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Trung tâm Tư vấn nguồn lực tài chính vi mô doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, xuất phát từ điều kiện và nhu cầu cấp thiết trong nước, Việt Nam cần thúc đẩy tài chính toàn diện. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của Việt Nam nói chung, hệ thống Ngân hàng Việt Nam nói riêng cũng như ưu tiên của cộng đồng quốc tế hiện nay.
Ông Alwaleed F. Alatabani – Chuyên gia trưởng, Ban Thị trường và Tài chính (WB) - bày tỏ: Phát triển tài chính toàn diện có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế bởi sử dụng các dịch vụ tài chính chất lượng và chi phí hợp lý cho phép các cá nhân, doanh nghiệp vi mô, nhỏ và vừa tiết kiệm, thanh toán, cho vay và quản lý rủi ro một cách hiệu quả. “Thiếu hệ thống tài chính toàn diện, cá nhân sẽ ít khả năng khắc phục các cú sốc kinh tế, tiêu dùng hợp lý…”- ông Alwalced F. Alatabani nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, ông Phan Cử Nhân - Giám đốc Ban hợp tác quốc tế và truyền thông Ngân hàng Chính sách xã hội - chia sẻ: Việc triển khai dịch vụ tài chính số (mobile banking) của ngân hàng trong những năm qua đã được thực hiện khẩn trương, góp phần vào mục tiêu phát triển tài chính toàn diện. Theo đó, hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất – kinh doanh. Ngân hàng cũng giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trên 3,4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn…
Tuy nhiên, ông Alwalced F. Alatabani cũng chỉ ra những rào cản trong phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Do đó, Việt Nam muốn đạt được quy mô và tiến gần hơn để đạt được mục tiêu phổ cập tài chính toàn cầu thì cần xem xét tiếp tục hỗ trợ thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam bằng cách kiến tạo ra một hệ sinh thái có lợi cho thanh toán kỹ thuật số; cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và đối tác trong nước về tài chính toàn diện và hạ tầng. Ngoài ra, bên cạnh việc bảo đảm kinh phí cho chương trình này, việc điều phối nhà tài trợ cũng cần được tăng cường nhằm hỗ trợ tốt nhất cho quốc gia, trong đó ngân hàng đóng vai trò quan trọng.
NHNN đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan chủ trì, điều phối về tài chính toàn diện tại Việt Nam nhằm thúc đẩy lĩnh vực này trong thời gian tới.
|
http://baocongthuong.com.vn/dong-luc-cho-nen-kinh-te.html
|