Nhịp đập Thị trường 12/12: Khối ngoại mua ròng, VN-Index vẫn giảm gần 4 điểm
Khối ngoại đã quay đầu mua ròng trở lại trong phiên hôm nay. Tuy nhiên điều này không thể giúp VN-Index giữ được sắc xanh trước áp lực bán áp đảo trên diện rộng.
Dòng tiền bắt đáy được kích hoạt cuối phiên tuy nhiên với lực cầu khá yếu thì điều này là không đủ giúp VN-Index hồi phục mạnh trở lại và chấp nhận đóng cửa tại 659.7 điểm, tương đương giảm 0.51%. HNX-Index lại có mức giảm mạnh hơn 1.03% xuống 78.79 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tuy vẫn ở mức thấp nhưng hiện đã cải thiện hơn so với phiên giao dịch trước đó đạt hơn 136 triệu đơn vị khớp lệnh, tương đương 2,173 tỷ đồng.
Đà giảm của VN-Index có thể nhìn nhận trên diện rộng hơn là chiều sâu khi đến lúc kết phiên con số mã giảm đã tăng lên đáng kể. VN-Index có tới 198 mã giảm, rổ VN30 có 22 mã với các đại diện là VNM, BVH, FPT, REE, SBT… và nổi bật là KBC, FLC giảm sàn về cuối phiên.
Ở chiều ngược lại, SAB vẫn là cổ phiếu nổi bật nhất bên phía tăng điểm khi chỉ riêng cổ phiếu này đã kéo VN-Index tăng 0.5%. Cổ phiếu này và GAS chính là những điểm sáng nổi bật nhất của thị trường khi trở thành nhân tố chính kìm hãm sự lao dốc của VN-Index.
Ngoài Cao su và Công nghệ thông tin tiếp tục giữ được đà tăng ấn tượng thì giao dịch tích cực trở lại của nhóm Khai khoáng cũng là tín hiệu tốt cho thị trường.
Trong khi đó, sàn HNX lại khá đuối trong phiên hôm nay khi nỗ lực của nhóm Dầu khí rõ ràng là không đủ để vực dậy chỉ số trong bối cảnh VCG, PHP, PTI, SHB đều suy yếu khá mạnh.
Khối ngoại mua ròng mạnh trở lại trong phiên này với giá trị đạt hơn 124 tỷ đồng trên HOSE và 9.2 tỷ đồng trên HNX. VNM tiếp tục là mã được mua ròng hơn 120 tỷ đồng. Theo sau là VCB, HSG, HBC cũng được mua hơn 6 tỷ.
Như vậy, với việc VN-Index vẫn chưa vượt được SMA100 nên khả răng chỉ số tiếp tục rung lắc trong các phiên tới vẫn còn. Trong khi đó vùng 77 – 77.5 điểm, cận dưới của kênh giá giảm của HNX-Index có khả năng sẽ được test lại trong các phiên tới.
Nhóm cao su giao dịch tích cực
Trong bối cảnh thị trường chung giảm điểm thì hai nhóm ngành cao su và công nghệ thông tin lại có diễn biến khá tích cực.
Giá trị giao dịch tính đến thời điểm hiện tại chỉ đạt hơn 1,648 tỷ đồng, suy giảm đáng kể so với cùng thời điểm phiên liền trước. Sự trầm lắng của thị trường vẫn đang là nguyên nhân chính khiến bên nắm giữ cổ phiếu mất kiên nhẫn và kéo theo áp lực bán trở nên mạnh hơn vào đầu phiên chiều. Vì vậy, không quá khó hiểu khi VN-Index tiếp tục suy yếu và hiện đã xuyên thủng mốc 660 điểm sau 45ph giao dịch đầu phiên chiều.
Nhóm cao su và công nghệ thông tin hiện là các nhóm ngành có mức tăng mạnh nhất toàn thị trường tính tới 1h30. Giá cao su kỳ hạn Tokyo lên cao nhất kể từ tháng 6/2015 giúp các đại diện trong nhóm là PHR, HNG, HAG, DPR… đang xanh điểm hay TNC đã có lúc chạm trần và hiện đang tăng hơn 5.5%. Trong khi đó, nhóm công nghệ thông tin lại không có sắc xanh lan tỏa quá rộng nhưng vẫn ghi nhận mức tăng rất tốt với các đại diện gia tăng mạnh là CMT, DST… Trong đó, đáng lưu ý có DST đang ghi nhận phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp và đã hoàn toàn phá vỡ đỉnh cũ được lập vào tháng 4/2016.
Tính tới 13h45, VN-Index hiện vẫn giảm gần 4 điểm tương đương 0.57%. HNX-Index cũng đang giảm 0.59 điểm, dừng tại 79.02 điểm.
Phiên sáng: Khối ngoại quay lại mua ròng
Sau đợt điều chỉnh khá mạnh giữa phiên sáng, VN-Index đã trở lại với xu hướng giằng co mạnh và đi ngang khi test lại mốc 660 điểm, trong khi HNX-Index cũng đang suy yếu rõ rệt sau khi test bất thành mốc 80 điểm đầu phiên.
VN-Index kết phiên sáng dừng tại mức 661.48 điểm và giữ được trên ngưỡng 660 điểm; HNX-Index giảm 0.42% dừng tại 79.27 điểm.
VN-Index sau khi điều chỉnh khá mạnh giữa phiên thì gia tốc giảm hiện cũng đã nhẹ đi đáng kể trên cơ sở là một số mã trụ tạm ngừng điều chỉnh thêm như VNM, VIC, CTG, BVH… Bên cạnh đó, không thề không nhắc đến sự vững vàng kể từ đầu phiên của SAB và nhóm Dầu khí với GAS, PVD…
HNX-Index có mức giảm mạnh hơn khi các cổ phiếu lớn vẫn chiếm số lượng áp đảo ở phía giảm điểm. Chỉ số chính có 38 mã tăng và 106 mã giảm trong khi HNX30-Index có 5 mã tăng và 16 mã giảm. KLF, SHB, KMT… là các mã có thanh khoản cao nhất trên sàn này nhưng đều giao dịch kém tích cực.
Nhóm ngành Nông – Lâm – Ngư vẫn là nhóm đáng chú ý nhất với mức tăng mạnh nhất trong nhóm ngành. Đứng thứ 2 ở mức tăng là nhóm Tiện ích với GAS, PGD, …là các mã tiêu biểu.
Khối lượng khớp lệnh toàn thị trường tăng so với phiên sáng hôm trước đạt 67.5 triệu đơn vị tương đương hơn 1,139 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng trong phiên sáng nay với hơn 70 tỷ đồng trên cả hai sàn. VNM là mã được mua nhiều nhất với gần 120 tỷ đồng trong khi phần còn lại không có mã nào quá 7 tỷ.
10h30: Lực cầu suy yếu, VN-Index test lại mốc 660 điểm
Rõ ràng là sự bứt phá của SAB và nhóm Dầu khí là không đủ để giúp thị trường chống đỡ trước áp lực điều chỉnh đồng loạt khi mà lực cầu vẫn đang suy yếu rõ rệt trên diện rộng.
Tính đến 10h30, VN-Index quay về giao dịch ở mức 661.43 điểm, tương ứng giảm 0.25 điểm. Còn HNX-Index giao dịch quanh 79.39 điểm, giảm 0.28%.
Nhóm Dầu khí với GAS, PVD cùng chuỗi tăng trần liên tục của SAB vẫn đang là những nhân tố hỗ trợ chính cho VN-Index. Bên cạnh đó, một số cổ phiếu Mid-Cap như HNG, PGD, HAG, PHR…. cũng là các điểm nhấn tích cực.
Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ các cổ phiếu kể trên dường như vẫn là chưa đủ khi phần còn lại của thị trường vẫn đang chìm trong sắc đỏ. Trong đó, các mã vốn hóa lớn là nhân tố ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường khi VNM, ROS, VCB, CTG, BVH, VIC, BID, MWG, STB… đều xuất hiện ở phía giảm điểm. KBC cũng đang điều chỉnh khá mạnh sau thông tin cổ phiếu này bị loại khỏi danh mục MVIS Vietnam Index trong kỳ tái cơ cấu cuối cùng của MVIS. Đáng lưu ý là ngay cả cổ phiếu được bổ sung vào kỳ tái cơ cấu lần này là HSG hay các cổ phiếu được gia tăng tỷ trọng như HPG, SSI… cũng đều đang giảm nhẹ.
Nhìn trên bình diện chung toàn thị trường, những ảnh hưởng từ tuần lễ tái cơ cấu danh mục của ETF và cuộc họp lãi suất của FED đang là những nhân tố khiến tâm lý thận trọng đang ở mức rất cao đưa thanh khoản chung suy giảm mạnh. Do đó mà khối lượng khớp lệnh toàn thị trường sau 2/3 phiên giao dịch buổi sáng vẫn rất hạn chế khi chỉ hơn 45 triệu đơn vị được khớp lệnh, tương ứng hơn 680 tỷ đồng.
Tính đến 10h30, toàn thị trường chỉ có 92 mã tăng điểm với 10 mã tăng trần, 216 mã giảm điểm với 22 mã giảm sàn và số mã không có giao dịch hay đứng tham chiếu chiếm tỷ trọng lớn với hơn 350 mã.
Mở cửa: Cổ phiếu bia đỡ chỉ số
SAB tiếp tục duy trì mức tăng trần ngay từ đầu phiên cùng với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu Dầu khí giúp duy trì sắc xanh trên các chỉ số thị trường.
Giá dấu thế giới vọt tăng vọt 5% ngay lúc mở cửa phiên giao dịch hôm nay sau thông tin các nhà sản xuất ngoài OPEC đồng ý gia nhập thỏa thuận cắt giảm sản lượng đang là thông tin tích cực cho nhóm Dầu khí trên cả hai sàn. Cụ thể, GAS đang tăng mạnh 2,300 đồng lên 68,300 đồng/cp. PVD cũng có mức tăng không kém với thanh khoản khá.
Một số mã vốn hóa lớn khác cũng đang tích cực như SAB kịch trần hay MSN đang tăng khá sau thông tin CTCP Masan tiếp tục mua vào 2 triệu cp.
Tuy vậy, đó là những yếu tố tích cực nhất mà thị trường có được sau 30 phút đầu phiên khi kịch bản trong các phiên gần đây vẫn đang tái diễn. Nhóm Bluechip rổ VN30 đang cho thấy tín hiệu khá yếu khi phần lớn cổ phiếu vẫn suy yếu. Độ rộng của rổ này khá hẹp với 9 mã tăng/ 15 mã giảm với các mã dẫn dắt như VNM, ROS, VCB, VIC, BVH đều đang góp mặt ở phía giảm điểm.
Trên HNX, với sắc xanh tích cực của nhóm Dầu khí gồm PVS, PVX, PVC… thì sắc xanh cũng đang được nối dài trên HNX-Index. Tuy vậy, ngoài nhóm Dầu khí thì các cổ phiếu lớn khác vẫn đang khá phân hóa khi chỉ có PGS, VCS và DST là hỗ trợ tốt cho thị trường trong khi VCG, VNR, TV2 vẫn đang điều chỉnh bên cạnh KLF đang giảm sàn.
Tính tới 9h30, VN-Index đang tăng hơn 0.90 điểm (+0.14%) tiến sát ngưỡng 665 điểm; HNX-Index cũng tăng 0.45% giao dịch tại 79.97 điểm. Thanh khoản vẫn chưa có đột biến rõ rệt hiện tạm đạt 20 triệu đơn vị tương đương 250 tỷ đồng./.
|