Thứ Năm, 08/12/2016 15:33

Nhịp đập Thị trường 08/12: VCB và STB kéo VN-Index

VN-Index đóng cửa ở mức 658.89 điểm tăng 0.82%, HNX-Index giảm nhẹ 0.05% về 79.37 điểm và UPCoM-Index giảm 0.7% về 56.81 điểm.

VCB được khối ngoại tăng mua ròng, góp phần đẩy giá lên 35,000 đồng/cp (+1,7%) và cũng là mã góp phần giúp giữ vững sắc xanh cho VN-Index trong phiên chiều, bên cạnh VNM và SAB. Tuy nhiên, STB vẫn tăng trần cho dù khối ngoại bán ròng đến gần 1.3 triệu cp.

SAB sau khi khớp 1,000 cp vào đầu ngày thì “ngưng GD” đến tận lúc đóng cửa, dù dư mua hàng triệu cổ phiếu. Có thể nói SAB là minh họa điển hình nhất về cổ phiếu giúp VN-Index tăng điểm, giúp quy mô vốn hoá sàn HOSE tăng mạnh nhưng lại thuộc nhóm mất thanh khoản. Lý do chính của sự mất cân đối về vốn hóa và thanh khoản là 2 yếu tố định giá (kỳ vọng) và lượng floating shares thấp.

DPM đã giảm giá 2.4% về 22,800 đồng/cp và cũng giảm gần 10% kể từ ngày GD không hưởng cổ tức 2,000 đồng/cp (đợt 1/2016). Khối ngoại cũng bán ròng suốt từ thời điểm đó đến nay, dù giá trị bán ròng không lớn. Theo Indexmundi, giá urea tuy đã hồi phục so với hồi tháng 5, nhưng vẫn đang ở mức đáy 5 năm. Giá bán ure hạt trong của DPM đang ở quang mức 6,200 đồng/kg, thấp hơn khoảng 200 đồng so với giá bán ure hạt đục của DCM. Nhìn chung, không chỉ DPM mà cổ phiếu ngành phân bón đa số giảm giá kể từ giữa tháng 11 đến nay, tuy nhiên cũng lưu ý rằng các doanh nghiệp trong ngành đang bước vào mùa vụ Thu Đông nên kỳ vọng kết quả SXKD quý 4 thường cao hơn so với quý liền trước.

ROS sau khi được kéo lên khoảng 112,000 đồng/cp vào cuối phiên sáng thì qua phiên chiều lại giảm về ngay dưới 110,000 đồng/cp và đến đợt khớp lệnh định kỳ cuối ngày thì được kéo lên 111,200 đ/cp (-4.9%). Như thường lệ các phiên gần đây, đến đợt xác định giá đóng cửa, bên bán chất lệnh ATC, bên mua che giá để tranh nhau cơ hội khớp giá thấp.

Nhóm cổ phiếu “họ” FLC ngoài ROS giảm giá, KLF cũng giảm sàn 9.4% về 2,900 đồng/cp. Nếu tiếp tục diễn biến tiêu cực trong 2 phiên nữa, KLF sẽ mất hết thành quả tăng giá kể từ cuối tháng 11 đến nay.

DLG bất ngờ trở thành mã được khối ngoại mua nhiều nhất với khối lượng 4 triệu cp qua GD thỏa thuận. Đây cũng là đợt GD lớn trên mã này kể từ sau ngày 02/12 (2 triệu cp). Đứng sau DLG trong nhóm được khối ngoại mua nhiều là KBC và VNM với lượng mua tương ứng gần 1 triệu cp, tuy nhiên riêng đối với VNM, khối ngoại còn bán nhiều hơn, hơn 2.1 triệu cp.

Chỉ số sàn UPCoM giảm có lẽ do VSN giảm 1.7% và TVN giảm 5.7% dù BHN tăng đến 13.8%. BHN đã tăng giá mạnh hơn vào phiên chiều, với mức giá đóng cửa chạm trần 124,300 đồng/cp (+15%). Đây là phiên thứ hai BHN biến động giá bất ngờ với phạm vi rộng trong ngày, tất cả đều do NĐT nội địa “diễn xuất”. Khối ngoại đã không có bất cứ GD nào đáng kể trên mã này kể từ ngày 28/11 đến nay.

Phiên sáng: Sắc xanh cùng hội nghị Asean Business Summit 2016

VN-Index kết thúc phiên sáng với sắc xanh +0.51% với 656.84 điểm, tuy chỉ số này đã giảm so với thởi điểm lúc 9g40. HNX-Index sau khi vượt 80 điểm vào lúc 9g30 thì chốt phiên sáng ở mức 79.47 điểm, tăng rất nhẹ 0.08% so với hôm qua. Tuy nhiên bất ngờ là UPCoM-Index đã giảm 0.38% về 56.94 điểm do 2 cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn này là TVN và VGC giảm khá mạnh, tương ứng 5.7% và 1.3%.

Bloomberg tổ chức Hội nghị Asean Business Summit 2016 tại Hà Nội sáng nay, và Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng, trong đó kỳ vọng nhiều hơn vào dòng vốn ĐTNN vào Việt nam trong năm tới. Theo số liệu từ Bloomberg, Country P/E và EV/EBITDA của Việt Nam hiện vẫn đang ở mức thấp so với khu vực châu Á, và việc cam kết đẩy mạnh cổ phần hóa lẫn thúc doanh nghiệp lên sàn sẽ là yếu tố chính thu hút dòng vốn FII. Tất nhiên, các mã vốn hóa lớn, có thương hiệu nổi bật vẫn sẽ hưởng lợi hơn cả.

So với đợt mở cửa, đã có nhiều mã vốn hóa lớn trên HOSE giảm giá như BVH, DPM, GAS, ITA, KDC, SBT… VNM tuy vẫn tăng 1.9%, nhưng cũng giảm nhẹ 200 đ/cp so với đầu ngày. Ngược lại, ROS đang hồi phục 1 chút sau khi đã giảm về 108,900 đ/cp lúc 10g20.

BHN đang tăng giá gần 6.4% lên 115,000 đ/cp, SAB vẫn dư mua trần gần 3.8 tr.cp, và chỉ khớp duy nhất 1 deal 1,000 cp tại thời điểm 9g17.

VNM tiếp tục bị bán ròng mạnh với khối lượng bán ròng gần 530,000 cp. Tuy nhiên giá VNM vẫn tăng 1.9%, nhiều khả năng là NĐT nội địa đang kỳ vọng F&N sẽ tham gia đặt mua trên sàn khớp lệnh (song song với việc tham giá đấu giá vào ngày 12/12).

Nhóm dầu khí đã có nhiều mã giảm so với đợt mở cửa, trong đó đáng kể nhất là PVB (-5.7%) và GAS (-2%). Hiện giá dầu đang giảm hơn 2% so với đỉnh gần nhất.

Nhóm mía đường có sự phân hóa khi mã vốn hóa lớn nhất là SBT giảm 3,3% trong khi BHS tăng 1,1%. Giá đường trên sàn Nasdaq đã giảm về mức đáy 5 tháng gần nhất, nhưng vẫn tăng khoảng 50% so với mức đáy của cả năm nay. Hiện ngành đường VN đang bước vào vụ thu hoạch mía mới và giá thu mua mía ở nhiều tỉnh thành đang được thống kê là cao hơn so với vụ trước.

ITA giảm giá 2.7% do có quá ít thông tin về tổ chức DAS Capital, và có thông tin rằng 1 số công ty CK đang xem xét lại hạn mức margin cho mã này.

HQC vẫn dư bán sàn hơn 69 tr.cp, tuy nhiên lượng GD đã đạt gần 1.3 tr.cp, gấn 2 lần cả ngày hôm qua. Tuy khối lượng này chưa phải là đột biến nếu so sánh với thanh khoản trong phạm vi 1 tháng gần đây, nhưng vẫn là 1 dấu hiệu của hoạt động đầu cơ bắt đáy.

VNE vẫn tăng giá 1.6% và VES không có GD dù có thông tin cho rằng VNE sẽ lỗ nặng khi thoái toàn bộ 4.3 tr.cp khỏi VES. Hiện thị giá VES chỉ có vỏn vẹn 1,000 đ/cp và rất kém thanh khoản. Không rõ VNE sẽ thoái vốn theo hướng nào, khớp lệnh hay thỏa thuận?

10h30: ROS dìm chỉ số?

VN-Index đã giảm nhẹ so với đợt mở cửa dù vẫn được SAB và VNM đỡ giá. Nguyên nhân có lẽ là do ROS đang giảm giá mạnh (-5.9%, đợt mở cửa đứng giá).

VNM giảm nhẹ 1 chút so với đợt mở cửa, nhưng vẫn tăng giá gần 2% so với hôm qua. Khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng trên mã này. Ngoài ra, xin lưu ý rằng trong bản công bố thông tin của 2 công ty con của tập đoàn F&N Ltd., họ đăng ký mua VNM trên cả 3 “mặt trận” là đấu giá (ngày 12/12), GD khớp lệnh và thỏa thuận trên sàn. Có vẻ như F&N đã nhận thấy rằng họ đã bỏ lỡ 1 cơ hội mua VNM với giá rẻ hơn từ 7-10% so với giá đấu sắp tới trong thời gian qua, khi mà cổ phiếu này luôn bị NĐT ngoại khác bán ròng (10 phiên gần nhất, VNM bị bán ròng hơn 555 tỷ đồng). HOSE hiện chưa công bố tổng khối lượng đặt lệnh của buổi đấu giá VNM tới, và số liệu này sẽ góp phần giúp giải đáp câu hỏi: liệu F&N có đặt lệnh mua trên sàn khớp lệnh HOSE hay không?

Cho đến 10g30, khối ngoại giao dịch ít hơn so với cùng thời điểm của ngày hôm qua. Tuy vẫn bán ròng ở nhiều mã lớn như BID, CTG, PVD, VNM, VIC nhưng nhìn chung khối ngoại giảm cả lượng mua lẫn bán.

KBC tiếp tục được khối ngoại mua ròng mạnh với khối lượng gần 600,000 cp, tuy nhiên cách thức đặt lệnh cho thấy họ không có ý định đẩy giá lên, dù giá cổ phiếu này đang ở mức đáy 6 tháng nay.

Mở cửa: Xanh nhờ bia và sữa

VN-Index mở cửa ở mức 655.48 điểm (+0.3%). Đa số các mã vốn hóa lớn cũng hiện màu xanh, đáng kể nhất là VNM và CTG. 2 đại gia ngành bia rượu tiếp tục thu hút sự quan tâm của thị trường.

SAB tiếp tục dư mua trần với khối lượng lớn. Có vẻ như ngay cả việc bán 10 cổ phiếu cũng là bán hớ vào lúc này. Tuy nhiên, BHN đang GD quanh mức giá tham chiếu 108,100 đ/cp. Chưa có ai lý giải rõ ràng việc đảo giá từ gần sàn lên hơn 7% vào cuối ngày hôm qua. Lưu ý, các cổ phiếu bia rượu khác trên sàn Upcom đang giảm giá rất mạnh, có vẻ như việc SAB lên sàn và tăng trần không tạo hiệu ứng “lan tỏa” sang cả ngành như BHN trước đây.

VNM đã tăng trở lại hơn 2% sau khi có thông tin 2 công ty con của tập đoàn F&N Ltd. đã đăng ký mua 5.4% cổ phiếu Vinamilk trong đợt chào bán của SCIC, tương đương với số lượng gần 78.4 tr.cp. Nếu mua thành công, F&N sẽ nâng tỷ lệ sở hữu VNM lên gần 16.4%, vẫn là cổ đông lớn nhất. Vấn đề là VNM sẽ có thể lần đầu tiên trở thành công ty “nước ngoài” với tổng tỷ lệ sở hữu của khối ngoại vượt quá 51%. Không giống như SSI, kể từ khi VNM nới room lên 100% đến nay, chưa lần nào khối ngoại nắm giữ vượt 51%.

Các cổ phiếu hot trong ngày: ITA tăng nhẹ 0.4% nhưng sau đó nhanh chóng chuyển sang màu đỏ. Hiện chưa có nhiều thông tin về NĐT DAS Capital nên khiến NĐT nghi ngờ về tính khả thi của thỏa thuận đầu tư của họ vào ITA. DST tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp và tính từ mức đáy gần nhất 13,200 đồng/cp ngày 18/11 đến nay, cổ phiếu này đã tăng giá gần gấp 3 lần. Ở chiều ngược lại, HQC tiếp tục giảm sàn phiên thứ 7 liên tiếp với dư bán hơn 68 triệu cp. DLG cũng giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp với dư bán hơn 8 triệu cp.

3 cổ phiếu “họ” FLC là FIT, FLC và TSC đang tăng rất mạnh, FIT đang dư mua trần với khối lượng hơn 1 triệu cp.

Giá dầu WTI đã giảm về dưới mức 50 USD/thùng, tuy nhiên giá dầu Brent vẫn đang ở đỉnh 5 tháng gần nhất. Đang có 1 số dự báo rằng có khả năng tăng cung khiến giá dầu có thể giảm, tuy nhiên cho đến giờ giá dầu vẫn chưa thực sự biến động mạnh so với các các phiên trước đó.

VNM ETF bị rút hơn 12 triệu USD trước khi công bố đảo danh mục vào 2 ngày nữa. Việc các quỹ ETFs ngoại bị rút vốn liên tục trong thời gian gần đây khiến cho việc cơ cấu giảm ý nghĩa, NĐT không hào hứng ngay cả với các mã được dự báo ETFs mua vào như CII hay HSG.

Các tin tức khác

>   Vietstock Daily 08/12: Chỉ số xanh điểm nhưng … (07/12/2016)

>   Vietstock Daily 08/12: Chỉ số xanh điểm nhưng … (07/12/2016)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 07/12: Hồi phục nhẹ (07/12/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 07/12: VN-Index hồi phục hơn 2 điểm (07/12/2016)

>   Vietstock Daily 07/12: Tạm dừng, đứng ngoài quan sát (06/12/2016)

>   Vietstock Daily 07/12: Tạm dừng, đứng ngoài quan sát (06/12/2016)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 06/12: Test vùng đáy cũ tháng 09/2016 (06/12/2016)

>   Nhịp đập Thị trường 06/12: Nguy cơ thủng vùng hỗ trợ mạnh (06/12/2016)

>   Vietstock Daily 06/12: Hạn chế mở rộng giao dịch (05/12/2016)

>   Vietstock Daily 06/12: Hạn chế mở rộng giao dịch (05/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật