Liên Thành: Làm nước mắm ngon, lướt chứng khoán giỏi
Chắc hẳn nhiều nhà đầu tư sẽ đặt câu hỏi CTCP Chế biến thủy hải sản Liên Thành (Lien Thanh Seafood) là ai mà có thể lướt sóng thành công ở một cổ phiếu mang đậm chất đầu cơ và giá thì trong xu hướng giảm đều như KLF. Và câu trả lời chắc hẳn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên vì đây là một đơn vị sở hữu thương hiệu nước mắm trên 100 năm.
* Lướt lát KLF: Ai giỏi hơn Lien Thanh Seafood?
Liên Thành là tên gọi pháp lý của Liên Thành Thương Quán, một tổ chức kinh doanh nước mắm do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập vào năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Tên Liên Thành có nghĩa là Thành Hoa Sen, nguyên là tên lịch sử của Hòa Đa, là thủ phủ cũ của tỉnh Bình Thuận, tượng trưng cho người quân tử. Chọn cái tên này các thân hào nhân sĩ muốn truyền cái tâm trong sạch như Hoa Sen vươn lên từ bùn lầy trong bối cảnh nước mất nhà tan của thời kỳ đầu thế kỷ.
Những người sáng lập ra Liên Thành
Từ trái qua phải: Cụ Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất và Ngô Văn Nhượng.
|
Ngành nghề kinh doanh ban đầu của Liên Thành thương quán chủ yếu là nước mắm, rồi mở rộng sang vải, thuốc bắc và cả khách sạn. Đến năm 1917, Liên Thành dời trụ sở chính vào phân cuộc Chợ Lớn, hiện nay là số 3-5 Châu Văn Liêm. Liên Thành đã mua một sở nhà cũ ở Vĩnh Hội (cũng gọi là Khánh Hội nay là Bến Vân Đồn) để làm vựa nước mắm. Từ một doanh nghiệp ở tỉnh lẻ, thương hiệu nước mắm Liên Thành với hình ảnh con voi đỏ đã nhanh chóng được người tiêu dùng vùng Nam Kỳ, Trung Kỳ lúc ấy biết đến, thậm chí sang cả Campuchia, Lào và Thái Lan. Năm 1918, nước mắm Liên Thành đã ra Hà Nội để tham dự hội chợ, rồi sang Pháp tham dự đấu xảo sản vật các thuộc địa Pháp.
Năm 1922, nhận thấy tổng cuộc ở Chợ Lớn phí tổn quá nặng, tiền mướn phố rất đắt, HĐQT Liên Thành lúc ấy quyết định xây nhà cũ ở Vĩnh Hội và trả lại phố ở Chợ Lớn, Tổng cuộc Liên Thành chính thức ở 243 Bến Vân Đồn và hiện nay cũng là trụ sở chính của Công ty Liên Thành.
Sau giải phóng, năm 1975, Công ty Liên Thành được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao thêm 9 hãng nước mắm tư nhân để lại lập nên “Xí nghiệp Quốc doanh Nước mắm Liên Thành”. Để thích nghi với nền kinh tế thị trường, xí nghiệp được đổi tên là “Xí nghiệp chế biến thủy hải sản Liên Thành” vào năm 1990 và chuyển thành công ty cổ phần từ 2001 đến ngày nay.
Cũng phải nói thêm là vào năm 1979, khi phong trào quốc hữu hóa ồ ạt, con gái cụ Hồ Tá Bang làm Chủ tịch HĐQT và Giám đốc Huỳnh Văn Dậu là con rể cụ Trần Lệ Chất đã trao Công ty Liên Thành lại cho Nhà nước với 2 điều kiện: tên Liên Thành phải được giữ lại và bàn thờ 6 vị sáng lập phải được giữ nguyên. Hiện nay, Liên Thành có vốn điều lệ 99 tỷ đồng, với 8 cổ đông sáng lập, trong đó Nhà nước nắm giữ 14,600 cp, tương ứng 2.52% vốn. Chủ tịch HĐQT Liên Thành là ông Hoàng Văn Phục và Giám đốc là bà Nguyễn Thị Kim Hồng.
Danh sách cổ đông sáng lập hiện tại của Liên Thành
Các sản phẩm của Liên Thành ban đầu tập trung vào nước mắm cao cấp có độ đạm cao dành cho khách hàng truyền thống và sản phẩm trung cấp cho đối tượng khách hàng hiện đại khi đó. Đến nay thì Liên Thành còn có thêm sản phẩm bình dân và sản phẩm khác biệt (dành cho người ăn chay).
Là một thương hiệu nước mắm hơn 100 năm tuổi, Liên Thành góp mặt vào rất ít đơn vị có thương hiệu trên 100 năm tại Việt Nam hiện nay. Thông điệp mới mà Liên Thành gửi đến người tiêu dùng đó là “Tinh túy hương vị trăm năm” đủ nói lên bề dầy lịch sử của Liên Thành.
Không chỉ nước mắm, Liên Thành còn là bậc thầy đầu tư chứng khoán!
Những tưởng với thương hiệu lâu đời ấy thì nhiều người chỉ biết đến Liên Thành là nhà sản xuất nước mắm. Nhưng bất ngờ hơn là gần đây Liên Thành còn biết đến như một nhà đầu tư sành sỏi trên thị trường chứng khoán.
Bằng chứng là Liên Thành đã thực hiện một pha chốt lời ngoạn mục khi đầu tư vào cổ phiếu của CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (HNX: KLF).
Trong xu hướng giảm đều của cổ phiếu KLF kể từ cuối tháng 01/2016 cho đến đầu tháng 11/2016, bằng cách bình quân giá xuống, Liên Thành đã gom vào hơn 14 triệu cp KLF để nâng sở hữu lên gần 21.8 triệu cp, tương ứng 13.18% vốn. Và theo thống kê qua các lần giao dịch thì ước tính Liên Thành đã chi ra khoảng 40 tỷ đồng để mua hơn 14 triệu cp KLF.
Và rồi, thời điểm cổ phiếu KLF bất ngờ quay đầu tăng kịch trần 10 phiên liên tiếp từ 21/11 đến 05/12/2016 trước kỳ vọng Công ty sẽ có một khoản lợi nhuận bất thường từ việc chuyển nhượng vốn của một công ty liên kết. Nhưng điều đáng chú ý nhất chính là việc Liên Thành đã thực hiện chốt lời phần lớn cổ phiếu (hơn 12.2 triệu cp) đã mua trước đó tại những phiên cuối cùng trong chuỗi tăng trần ấn tượng của KLF.
Kết quả là Liên Thành thu về gần 49 tỷ đồng cho động thái bán 12.2 triệu cp KLF, tương ứng suất sinh lợi khoảng 25% (10 tỷ đồng).
Biến động cổ phiếu KLF từ đầu năm 2016
Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/
|
Nhưng đó chưa phải là thương vụ lớn và duy nhất mà Liên Thành thực hiện trên thị trường. Tìm lại câu chuyện tại CTCP Dược phẩm Bến Tre (HNX: DBT) đã diễn ra cách đây nhiều năm mới thấy Liên Thành đầu tư chứng khoán giỏi như thế nào.
Đó là thời điểm ngày 18/11/2011, Liên Thành bắt đầu mua vào 16,400 cp DBT để nâng sở hữu lên 184,276 cp, tương ứng tỷ lệ tại thời điểm đó là hơn 6% vốn (tính trên phần vốn ở thời điểm hiện tại 77 tỷ đồng thì chiếm 2.39% vốn). Cũng từ thời điểm này cho đến ngày 17/09/2014 (gần 3 năm), Liên Thành đã liên tục mua vào DBT và nâng sở hữu lên hơn 1,049,676 cp, tương ứng gần 35% vốn.
Sau đó không lâu, DBT thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:3. Sau đợt phát hành này, Liên Thành nâng sở hữu tại DBT lên 2,392,710 cp, chiếm tỷ lệ 34.18% vốn.
Tính toán theo giá đã điều chỉnh thì tổng số tiền Liên Thành đã chi ra để mua cổ phiếu DBT trong gần 3 năm (18/11/2011 đến 17/09/2014) chỉ hơn 5.5 tỷ đồng. Rồi sau đó đến ngày 01/12/2014, Liên Thành đã bán toàn bộ gần 2.4 triệu cp DBT, tương ứng giá trị thu về gần 46 tỷ đồng (giá bình quân phiên giao dịch 01/12/2014 là 19,200 đồng/cp). Như vậy, thương vụ đầu tư này đã mang về cho Liên Thành một khoảng lợi nhuận đáng kể, lớn hơn nhiều so với việc đầu tư vào KLF.
Biến động cổ phiếu DBT từ năm 2011
Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/
|
Qua hai thương vụ có thể thấy Liên Thành đầu tư thành công không chỉ ở trường hợp giá tăng như DBT mà cả khi cổ phiếu bước vào xu hướng giảm KLF thì đơn vị này vẫn tạo được lợi nhuận.
Điều đó nói lên rằng Liên Thành không chỉ có nước mắm ngon mà đầu tư chứng khoán cũng giỏi?!
Sau khi Liên Thành nâng sở hữu tại DBT lên hơn 29% vào đầu tháng 4/2014 thì bà Nguyễn Thị Kim Hồng (Giám đốc Liên Thành) đã ứng cử vào HĐQT DBT trong nhiệm kỳ 2014-2018 tại ĐHĐCĐ thường niên 2014.
Kết quả bà Hồng đã trúng cử và được bầu làm Chủ tịch HĐQT DBT ngay sau đó. Tuy nhiên, sau khi Liên Thành bán hết gần 2.4 triệu cp DBT vào ngày 01/12/2014 thì 4 ngày sau đó (tức 05/12/2014), bà Hồng đã xin từ nhiệm và rút khỏi HĐQT DBT.
|
|