Thứ Hai, 05/12/2016 15:57

Hệ lụy từ bầu cử tổng thống Mỹ - Câu trả lời còn ở phía trước

Thật vậy, sau cuộc bầu cử Tổng thống, thị trường kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh trở lại nếu chính phủ mới nước này thực hiện cắt giảm thuế và tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Theo đó, FED dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tháng 12/2016 và khoảng 2 – 3 lần nữa trong năm 2017 do tăng trưởng kinh tế và lạm phát tăng. Đây là một bài toán khó cho rất nhiều nền kinh tế mới nổi khi chi phí vay vốn bằng USD sẽ tăng cao, trong đó có Việt Nam.

* Không có TPP thì còn RCEP

* Những trăn trở sau thất bại của TPP

Đó là những nhận định từ ông Phạm Hồng Hải – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam. Cụ thể, theo ông Hải, đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền của các thị trường mới nổi sẽ gây khó cho các ngân hàng trung ương tại khi dư địa cắt giảm lãi suất hầu như còn rất ít. Thông thường, các ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Tuy nhiên, khi đồng nội tệ mất giá so với USD và lãi suất USD có xu hướng tăng, việc cắt giảm lãi suất sẽ khó thực hiện được.

Vẫn điệp khúc trước chính sách hạn chế giao thương từ Trump

Đặc biệt, Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump đã đưa ra nhiều tuyên bố hạn chế thương mại toàn cầu và tập trung vào nền kinh tế nội địa. Nếu xảy ra, điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến các quốc gia tập trung vào xuất khẩu qua thị trường Mỹ. Hiện chúng ta chưa biết Tổng thống Trump thực tế sẽ làm gì khi tiếp nhận nhiệm vụ vào tháng 1/2017. Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắn chắn nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính thế giới sẽ gặp nhiều biến động vì sẽ phải đương đầu với rủi ro khó kiểm soát, rủi ro chính trị. Không dừng lại, làn sóng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa cực đoan đang xuất hiện tại nhiều quốc gia do chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia và giữa các tầng lớp lao động tại cùng một quốc gia. Pháp và Đức sẽ có cuộc bầu cử quan trọng vào năm 2017 sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và tương lai của EU. Sau sự kiện Brexit và bầu cử tại Mỹ vừa qua, chúng ta sẽ rất khó dự báo kết quả của các cuộc bầu cử này.

Bên cạnh đó kinh tế Việt Nam do đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp. Mặc dù hiện tại còn quá sớm để biết về những chính sách mà chính quyền của ông Trump sẽ áp dụng với châu Á, nếu ông thực hiện những gì đã hứa khi tranh cử, đây sẽ là nguyên nhân để lo lắng. Một quan điểm thương mại giới hạn chặt chẽ hơn từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những quốc gia xuất khẩu và nhận đầu tư như Việt Nam khi Mỹ chiếm tới 1/5 lượng xuất khẩu từ Việt Nam. Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại nghiêng về bảo hộ của Mỹ từ đó dẫn tới cầu về hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam giảm xuống, gây ảnh hưởng gián tiếp tiêu cực tới Việt Nam.

Những khó khăn nội bộ

Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với các khoản nợ xấu kéo dài, nguy cơ gia tăng lạm phát, tốc độ thoái vốn công hậm so với kế hoạch đề ra đang gây khó khăn cho kinh tế. Hiện tại mặc dù lạm phát ở dưới mức mục tiêu 5% cho 2016, có những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng lạm phát như khả năng giá lương thực, giá nhiên liệu phục hồi, chi phí giáo dục và y tế gia tăng. Tất cả những yếu tố này sẽ làm phạm vi nới lỏng tiền tệ bị giới hạn. Dư địa nới lỏng tài khóa cũng khá nhỏ khi thâm hụt ngân sách tăng trong lúc nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng cũng tăng. Nguồn thu ngân sách từ dầu thô và doanh nghiệp nhà nước giảm, do giá nhiên liệu thấp và tình hình thoái vốn ở khu vực công chậm.

Mặt khác, ngân hàng vẫn đặt ra những thách thức muôn thuở cho nền kinh tế, với nợ xấu và tăng trưởng tín dụng cao. Chúng ta đang còn khoảng 200 ngàn tỷ nợ xấu tại VAMC chưa giải quyết.

Như vậy, Việt Nam cần đưa ra những bước đi cụ thể hơn trong giai đoạn tới, khi mà thử thách vẫn còn “chờ chực” phía trước, theo ông Hải. Cụ thể, chính sách tín dụng của NHNN nên định hướng sẽ tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, mục tiêu tiếp tục của đất nước trong 5 năm tới. Trong đó, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được ưu tiên cho những lĩnh vực quan trọng cho nền kinh tế và căn cứ vào hiệu quả sử dụng vốn, đó là sản xuất kinh doanh, bên cạnh đó kiểm soát tín dụng ở những lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Nói đi cũng nói lại, mặc dù có những khó khăn nội tại của nền kinh tế, Việt Nam đang ở vị thế rất thuận lợi so với nhiều quốc gia trong khu vực. Chúng ta vẫn đang ở thời điểm dân số vàng, lực lượng lao động đầy nhiệt huyết, cần cù và khéo léo, chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định và có lợi thế so sánh khi thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam. Đây chính là cơ hội vàng của Việt Nam để tiến hành cải cách mạnh mẽ nền kinh tế nếu chúng ta thực sự muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng bền vững trong tương lai. Cơ hội này sẽ không kéo dài vì Việt Nam là một trong những nước có dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Theo dự báo của UNDP, Việt Nam sẽ có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi cao hơn rất nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và Philippines vào năm 2030. Vào năm 2050, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn cả Mỹ. Nếu chúng ta thực sự quyết tâm nâng cao năng suất lao động, cải cách giáo dục, cải cách 3 lĩnh vực kinh tế (ngân hàng, các doanh nghiệp quốc doanh, đầu tư công), cải cách hành chính và chấp nhận vai trò quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành một con hổ kinh tế mới của châu Á trong tương lai. Chúng ta sẽ có cơ hội giàu trước khi già.

TPP không là tất cả

Nói về một khía cạnh khác, xuất khẩu của Việt Nam kỳ vọng sẽ vẫn tạo thế cạnh tranh nổi bật và tiếp tục chiếm lĩnh những thị trường mới trong khi lạm phát được kiềm chế. Dòng vốn đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục và góp phần làm xuất khẩu tăng trưởng trong những năm tới. Do đó, trong khi khả năng Mỹ rút khỏi hiệp định TPP là một bất lợi, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu với những hiệp định thương mại đang ký hoặc sẽ ký với các nước đối tác. Trong nước, kinh tế cũng sẽ tăng trưởng trong năm 2017 khi những hiệu ứng tiêu cực từ hạn hán (làm gián đoạn sản xuất nông nghiệp trong nửa đầu năm 2016) giảm dần đi. Cam kết của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới bao gồm đổi mới khu vực tài chính và doanh nghiệp công  sẽ giúp đưa Việt Nam tới con đường phát triển bền vững trong tương lai.

RCEP là một hiệp định thương mại được khối ASEAN tiên phong xây dựng, RCEP gói gọn hoạt động đối với các nền kinh tế mà ASEAN đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, trong tương lai, Hiệp định RCEP có thể được mở rộng để kết nạp thêm nhiều quốc gia khác. Hiện tại, Hiệp định RCEP đã đi tới vòng đàm phán thứ 15, nhiều khả năng sẽ bị kéo dài qua năm 2017 và kết thúc vào vào giữa năm 2017.

Điểm nhấn của RCEP là chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ.

Điểm nhấn thứ hai là Trung Quốc có tham gia vào RCEP (trong khi đó lại không có Mỹ, cùng với tất cả các nền kinh tế khác không thuộc châu Á). Nếu việc cắt giảm thuế quan có thể được giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cả ba nước này đều thuộc sáu đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, Hiệp định  RCEP có thể đưa các nhà xuất khẩu Mỹ vào thế bất lợi nếu như TPP không được thông qua.

Không chỉ có TPP, Việt Nam hiện đã là thành viên của Khối Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Một nghiên cứu chung của ILO và ADB chỉ ra trong thập kỷ tới, nếu AEC được quản lý và tận dụng được hết ưu thế, cộng đồng có thể đưa kinh tế vùng tăng trưởng 7.1% từ nay tới 2025 và gia tăng thêm 14 triệu công ăn việc làm. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định RCEP mà vòng đàm phán thứ 15 vừa kết thúc tháng 10/2016. Mặc dù phạm vi nhỏ hơn nhiều nếu so với TPP, Hiệp định RCEP lại kết nối ba thị trường đông dân nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN. Hiệp định RCEP, mặc dù có những điểm cần cải thiện, vẫn sẽ hỗ trợ tăng trưởng thương mại ở châu Á và kích thích đầu tư vào những chuỗi cung ứng mới.

Cùng với đó, Việt Nam sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà bán lẻ với dân số hiện đứng thứ 13 trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN. Các ngành tiềm năng phát triển là giáo dục, y tế, công nghệ, thực phẩm, tiêu dùng nhanh v.v… Nhờ vào các hiệp định thương mại đã được ký kết và lợi thế cạnh tranh về giá nhân công, Việt Nam đang và vẫn sẽ tiếp tục trở thành công xưởng của khu vực khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục chuyển dịch nhà máy từ các nước trong khu vực sang Việt nam để sản xuất và xuất khẩu đi toàn thế giới./.

Các tin tức khác

>   EIU: Du lịch Việt Nam ngày càng phát huy vai trò trụ cột (05/12/2016)

>   “Không chào đón nhà đầu tư chuyển giá, trốn trách nhiệm môi trường” (05/12/2016)

>   Từ 5/12, người Hà Nội có thể mua vé giải Jackpot tại 150 điểm bán (05/12/2016)

>   Hơn 7,200 tỷ đồng đã được giải ngân cho các dự án giao thông (05/12/2016)

>   Hồi sinh dự án thép “đắp chiếu”? (05/12/2016)

>   Ô tô giá rẻ hơn nhờ cách tính phí mới (05/12/2016)

>   Nhà bán lẻ Việt ‘bán mình’ là khôn ngoan? (05/12/2016)

>   Hà Nội chi 2 triệu USD quảng bá trên CNN, thật sự cần?  (05/12/2016)

>   Hải quan chính thức dừng thông quan ô tô BMW của Euro Auto (04/12/2016)

>   Không để “cái khó bó ngành hàng không” (04/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật