Không để “cái khó bó ngành hàng không”
Quy hoạch lại hệ thống sân bay trong nước, tập trung đầu tư mở rộng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cùng với đầu tư sân bay mới, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng để thị trường hàng không Việt Nam vươn lên trở thành đầu mối trung chuyển quốc tế là những giải pháp được các đại biểu Quốc hội đề cập nhằm “gỡ cái khó” đang “bó” sự phát triển của thị trường hàng không.
Việc quyết định dành 5.000 tỷ đồng để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng theo đề nghị của tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh ngân sách đầu tư trung hạn 2016 - 2020 hết sức khó khăn đã cho thấy quyết tâm triển khai sớm dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Trước tiềm năng to lớn của thị trường, các chuyên gia trong ngành khuyến nghị các hãng hàng không cần nắm bắt cơ hội “vàng”, phát triển nhanh, mạnh đội tàu bày nhằm thúc đẩy lĩnh vực vận vận tải hàng không phát triển sôi động, thúc đẩy du lịch, đồng thời thu hút đầu tư tài chính nước ngoài thông qua các giao dịch máy bay, động cơ và các trang thiết bị kỹ thuật; thu hút sản xuất linh kiện máy bay và hàng không vào các khu công nghiệp ở Việt Nam; thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài vào các cơ sở bảo dưỡng kỹ thuật máy bay, học viện đào tạo tầm vóc quốc tế và khu vực.
Theo đó, việc phát triển các hãng hàng không Việt Nam cần phải gắn với xây dựng các sản phẩm vận chuyển hàng không chủ đạo hướng mạnh ra thị trường quốc tế. Vì vậy, hàng không đang cần một chiến lược quốc gia tổng thể về phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, ưu đãi đầu tư về hạ tầng hàng không, mua sắm đội tàu bay; hỗ trợ phát triển mạng đường bay với việc mở đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn trọng điểm đến Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy đang có những vướng mắc, bất cập khiến các hãng hàng không gặp khó. Cụ thể là việc quá tải tại một vài cảng hàng không trọng điểm như Tân Sơn Nhất, Nội Bài dẫn tới thiếu chỗ đỗ qua đêm cho tàu bay. Các hãng cũng phải đối diện với nguy cơ đội chi phí kinh doanh hàng nghìn tỷ đồng nếu một loạt các loại phí khai thác được điều chỉnh.
“Nhà nước phải tính toán tới khả năng thu hút đầu tư, xã hội hoá để tư nhân có thể tham gia. Đây là điều tất yếu khi hội nhập vì điều này sẽ giúp ta có những cạnh tranh mới, nguồn lực đầu tư mới. Nhà nước cần loại bỏ những rào cản kinh doanh để thu hút đầu tư trên nguyên tắc có sự lựa chọn khách quan, minh bạch”, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) chia sẻ bên lề kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Ông Cường cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn dài hạn và khuyến khích các hãng nội địa xây dựng chính sách giá vé hợp lý, tạo điều kiện cho các hãng hàng không - là những người sử dụng - được tham gia quy hoạch hạ tầng sân bay, tham gia phối hợp trong các chương trình nâng cao năng lực quản lý bay.
Kinh nghiệm từ việc kêu gọi thành công vốn tư nhân vào cảng hàng không Cam Ranh, Đà Nẵng, Vân Đồn, Lào Cai cho thấy nếu có một cơ chế chia sẻ rủi ro phù hợp, việc hoàn thành nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài trong vòng 2 -3 năm là hoàn toàn khả thi. Khi đó, mối lo ngại về việc quá tải, thiếu sân đỗ của các nhà chức trách sẽ được giải tỏa.
Quan trọng hơn, trong chiến lược mang tầm quốc gia này, các cơ quan chức năng cần xây dựng được các cơ chế cho phép hàng không tư nhân được góp sức nhiều hơn trong việc cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay, các dự án đào tạo quốc gia; được tham gia vào chương trình cổ phần hóa, tư nhân hóa lĩnh vực hàng không và giao thông vận tải.
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, những chính sách này sẽ giúp các hãng hàng không tự tin, mãnh mẽ bứt phá, làm nên những thành công chung, những thay đổi tích cực cho hàng không Việt Nam và khu vực, đóng góp cho ngân sách, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, cộng đồng.
http://baochinhphu.vn/Doanh-nghiep/Khong-de-cai-kho-bo-nganh-hang-khong/293257.vgp
|