Thứ Năm, 22/12/2016 14:24

Đến 2025, tuân thủ hoàn toàn Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

Ngày 21/12/2016, Bộ Tài chính, Hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam và Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) phối hợp tổ chức hội thảo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) - Định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam nhằm tập hợp ý kiến về lợi ích, tác động, khó khăn, tính khả thi áp dụng IFRS, từ đó xác định phương án và lộ trình áp dụng IFRS của Việt Nam.

Theo đánh giá của các định chế tài chính quốc tế và giới chuyên môn, sự khác biệt giữa Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và IFRS hiện nay còn tương đối lớn, tạo ra một số rào cản và làm giảm niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Một trong những sự khác biệt lớn nhất giữa hai hệ thống là nhiều khoản mục trên Báo cáo tài chính (BCTC) cần được đánh giá lại theo giá trị hợp lý hoặc giá trị có thể thu hồi theo IFRS nhưng vẫn được ghi theo giá gốc theo VAS, điều này làm cho giá trị tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp chưa phản ánh đúng như diễn biến trên thực tế của thị trường.

Do vậy, “báo cáo tài chính theo IFRS giúp các nhà đầu tư có thể so sánh các chỉ tiêu hoạt động của công ty niêm yết với các chứng khoán niêm yết khác trên các thị trường khu vực và quốc tế do cùng áp dụng một chuẩn mực báo cáo IFRS, từ đó giúp nhà đầu tư đưa ra những nhận định chính xác và có một bức tranh toàn diện hơn về hoạt động của công ty niêm yết”, TS. Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát Thị trường - Ủy ban chứng khoán nhà nước cho biết tại hội thảo.

Hội thảo Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) – Định hướng và lộ trình áp dụng tại Việt Nam diễn ra tại Tp.HCM sáng 21/12/2016

Thiếu hụt nhân lực trong áp dụng IFRS

Bên cạnh những lợi ích khi áp dụng IFRS, chất lượng BCTC của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp cho người sử dụng BCTC nhiều thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư, thì lộ trình thực hiện cũng gặp phải nhiều khó khăn thách thức.

Cụ thể, thị trường vốn, thị trường tài chính trong nước chưa phát triển đủ mạnh, một số công cụ tài chính như trái phiếu chuyển đổi, công cụ phái sinh, cổ phiếu ưu đãi chưa được giao dịch rộng rãi nên hầu hết các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm trong việc thực hiện giao dịch và hạch toán các nội dung kinh tế liên quan; đi cùng với tâm lý sợ minh bạch, muốn làm đẹp BCTC của nhiều doanh nghiệp Nhà nước.

Đặc biệt, theo TS. Vũ Đức Chính – Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán & Kiểm toán Bộ Tài chính, nguồn nhân lực trong nước nhìn chung chưa được đào tạo về IFRS, thiếu các chuyên gia có kinh nghiệm trong việc thực hành IFRS. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học chưa được trang bị những kiến thức cơ bản về IFRS do hầu hết các trường đại học chưa giảng dạy cả về mặt nội dung cũng như phương pháp nghiên cứu IFRS.

Qua khảo sát các doanh nghiệp Việt Nam, đại bộ phận kế toán viên đều chưa được đào tạo về IFRS nên sự sẵn sàng áp dụng IFRS còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp có tâm lý ngại thay đổi.

Ông Chris Fabling, Chuyên gia cao cấp quản lý tài chính Ngân hàng Thế giới cho biết thêm, Việt Nam đối mặt với một số thách thức khi áp dụng và thực hiện IFRS như xây dựng năng lực cho nguồn nhân lực phụ trách về quản trị doanh nghiệp, chuẩn bị báo cáo tài chính, các kiểm toán viên, người sử dụng; nhu cầu cần phải thiết lập ngành nghề đánh giá độc lập để có thể tuân thủ với các chuẩn đánh giá cho mục đích báo cáo tài chính; cần phải nâng cấp hệ thống giáo dục tài chính kế toán; triển khai thực hiện hệ thống giám sát công mạnh mẽ.

Đến năm 2025, tuân thủ hoàn toàn IFRS

Về lộ trình áp dụng IFRS, dự kiến từ nay đến hết năm 2018, trong khi chưa áp dụng IFRS, Việt Nam phải hoàn thiện lại 26 VAS trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và cập nhật có chọn lọc những nội dung mới của IFRS, phù hợp với điều kiện nền kinh tế và trình độ quản lý của Việt Nam.

Giai đoạn 2018 – 2020 sẽ lựa chọn khoảng 10-20 IFRS đơn giản phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và công bố tuân thủ, áp dụng đối với tất cả các đơn vị có lợi ích công chúng từ năm 2020. Số lượng IFRS được tuân thủ dự kiến nâng lên 30 Chuẩn mực tới năm 2023, đồng thời các đơn vị không có lợi ích công chúng nhưng có đủ điều kiện và mong muốn sẽ được khuyến khích lập và trình bày BCTC theo IFRS. Từ năm 2023 đến năm 2015 sẽ là giai đoạn tuân thủ hoàn toàn IFRS.

Về cách thức áp dụng, ông Chris Fabling – Chuyên gia cao cấp quản lý tài chính Ngân hàng Thế giới đề xuất với điều kiện của Việt Nam nên áp dụng IFRS nguyên mẫu hoàn toàn chứ không điều chỉnh. Để tuân thủ IFRS hoàn toàn cần thời gian thường từ 5-10 năm tùy theo điều kiện và khả năng của từng quốc gia. Lộ trình áp dụng IFRS cần được xem như cải cách trung hạn phù hợp với các cải cách rộng hơn của khu vực tài chính và thị trường vốn.

Về thời gian phải áp dụng IFRS đối với từng nhóm doanh nghiệp, Bà Trần Anh Đào – Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM đánh giá áp lực đối với các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE là cao nhất bởi quy mô vốn và yêu cầu của các nhà đầu tư đối với nhóm này cao hơn hẳn, đặc biệt là top 30 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường (nằm trong nhóm chỉ số VN30). Đây là các doanh nghiệp hàng đầu nên yêu cầu về công bố thông tin minh bạch, yêu cầu về chuẩn mực quản trị doanh nghiệp đều ở mức cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Bà Đào cho biết, nhóm VN30 chiếm khoảng 68% tổng giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán tại Tp.HCM và giá trị vốn hóa tại thị trường chứng khoán Tp.HCM hiện nay chiếm 88% tổng giá trị vốn hóa của thị trường cả nước.

IFRS là bộ chuẩn mực được chấp nhận rộng rãi nhất trên quy mô toàn cầu. Đến năm 2016 đã có 117 quốc gia áp dụng IFRS, trong đó gần 100 quốc gia áp dụng nguyên mẫu mà không có bất cứ sự sửa đổi nào. Ngay cả Hoa Kỳ, quốc gia có truyền thống áp dụng riêng các nguyên tắc kế toán được chấp thuận (US GAAP) cũng đang trong quá trình hợp nhất US GAAP và IFRS. Tại Việt Nam, nhu cầu chuẩn bị báo cáo tài chính theo chuẩn IFRS ngày càng cao với khoảng 10,000 công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam yêu cầu báo cáo theo tiêu chuẩn quốc tế./.

Các tin tức khác

>   Thêm cơ hội cho doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế (22/12/2016)

>   HSBC: Ngành công nghiệp dịch vụ hưởng lợi nhiều nhất từ thương mại toàn cầu (22/12/2016)

>   Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương xuất khẩu bụi lò thép (22/12/2016)

>   Giá phân bón tháng 12 không có nhiều biến động (22/12/2016)

>   Để không có thêm những dự án ngàn tỉ bị sa lầy (22/12/2016)

>   Nhật Bản kiểm tra 100% các lô hàng tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam (21/12/2016)

>   Đầu tư hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tại 4 tỉnh (21/12/2016)

>   Bước đi nào cho doanh nghiệp Việt trước thế giới biến động? (21/12/2016)

>   Đảm bảo giao thông hợp lý, an toàn tại khu vực Cầu chữ Y (21/12/2016)

>   Đến năm 2020, Quảng Trị sẽ có 4 nhà máy điện gió (21/12/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật