Để không có thêm những dự án ngàn tỉ bị sa lầy
Kế hoạch phát hành 500 tỉ đồng vốn trái phiếu doanh nghiệp cho dự án mỏ quặng sắt Thạch Khê (gọi tắt là dự án) được triển khai từ tháng 8-2015 nhưng đến nay không thực hiện được vì các khách hàng - ngân hàng e ngại những rủi ro về môi trường. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng rất cân nhắc trong việc tiếp tục triển khai dự án Thạch Khê sau những gì họ phải gánh ở vụ Formosa. Chính phủ đang lấy ý kiến các bộ, ngành về việc có cho dự án này tiếp tục thực hiện hay không.
Mỏ quặng sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: T.L
|
Dự án quá tầm năng lực của cổ đông chi phối?
Sau tám năm bắt tay vào thực hiện dự án, cổ đông lớn nhất là tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) liên tục vấp phải khó khăn. Suốt từ năm 2008 đến nay, TKV đã nhiều lần phải cầu cứu Chính phủ xung quanh việc kêu gọi các cổ đông khác góp vốn, bởi không đủ 30% vốn chủ sở hữu theo Luật Khoáng sản hiện hành thì không thể đi vào khai thác.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cổ đông của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) bất lực trước cơ hội khai thác “mỏ vàng” có trữ lượng được đánh giá tới 544 triệu tấn quặng trong vòng 50 năm, trị giá đến 35 tỉ đô la Mỹ này
Thứ nhất, tại thời điểm bắt tay vào thực hiện dự án, cuối năm 2007, giá quặng sắt lên đến 198 đô la Mỹ/tấn, nên các cổ đông đều muốn góp vốn vào dự án này. Từ TKV đến Vinashin, BIDV, Bitexco, tất cả đều muốn có phần. Cũng tại thời điểm đó, là cổ đông lớn nhất nhưng TKV chỉ giữ gần 32% vốn điều lệ. Sau khi các cổ đông khác rút lui hoặc không tiếp tục góp vốn, tỷ lệ vốn góp của TKV hiện ở mức 52% (1.248 tỉ đồng/2.400 tỉ đồng vốn điều lệ).
Theo báo cáo mới nhất của TKV, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 là 6.777 tỉ đồng. Đến nay TKV đã góp đủ 1.076 tỉ đồng phần của mình. Các cổ đông còn lại là Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh và Công ty TNHH tập đoàn Bitexco chưa góp đủ hoặc không góp. Lý do là sau cơn sốt giá quặng năm 2007, hiện giá quặng lao dốc chóng mặt, thậm chí có thời điểm xuống dưới 40 đô la Mỹ/tấn. Rõ ràng là bài toán kinh tế nay đã khác nên các cổ đông đều muốn thoái lui.
Chính phủ cần đưa ra những quyết định mang tính đột phá. Bằng không, chỉ quanh quẩn với những đề nghị của TKV mà năng lực triển khai yếu thì dự án tiếp tục sa lầy là dễ hiểu.
|
TKV thì không thể thoái được, do đã đầu tư vào đây hơn 1.000 tỉ đồng và giữ vai trò chi phối ở dự án. Theo quy định của Luật Khoáng sản hiện hành, doanh nghiệp chỉ được cấp phép khai thác khoáng sản khi đảm bảo vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 30% tổng vốn đầu tư dự án. Với số tiền đóng góp hiện có, rõ ràng là không đủ điều kiện theo luật định để bắt tay vào khai thác. Do vậy TKV đã đề nghị phương án tăng vốn điều lệ vào TIC để tiếp tục triển khai dự án. Vấn đề là vốn góp 30% theo phương án cũ cổ đông còn không thực hiện, nay tăng vốn điều lệ theo hình thức nào? Tiếp tục kêu gọi cổ đông hiện hữu hay cổ đông mới góp?
Thứ hai, vấn đề ở dự án sắt Thạch Khê không phải chỉ là thiếu vốn. Với cơ cấu cổ đông tản mát từ đầu, cổ đông chi phối là TKV tuy có kinh nghiệm trong lĩnh vực khai mỏ nhưng chủ yếu là khai thác than. Với một dự án có quy mô lớn và tính chất phức tạp như mỏ quặng sắt Thạch Khê, kể cả ở thời điểm tài chính dồi dào như những năm trước, TKV cũng không đủ năng lực để một mình gánh vác việc thực hiện dự án. Chưa kể đây là tập đoàn 100% vốn nhà nước, mọi quyết định kinh doanh phụ thuộc vào các quy định của Nhà nước, nên TKV cứ “đâm lao thì theo lao” nhiều hơn là xét đến tính khả thi.
Với thực tế như vậy, phương án phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu cho dự án đã được Công ty cổ phần Chứng khoán ngân hàng BIDV (BSC) giới thiệu từ tháng 8-2015 nhưng không thành. Sau sự cố Formosa thì việc phát hành càng đi vào ngõ cụt vì các ngân hàng đặc biệt e ngại việc mua trái phiếu của các dự án có rủi ro về môi trường.
Tình hình sản xuất kinh doanh than của TKV cũng đang gặp khó, thậm chí thua lỗ, nên việc tập trung cho dự án Thạch Khê, nếu được Chính phủ phê duyệt đi chăng nữa, cũng là một gánh nặng cho TKV.
Quan điểm phải có một tập đoàn, tổng công ty nhà nước mạnh chi phối tại dự án Thạch Khê như chủ trương từ những năm 2007 đến nay chắc chắn phải xem lại, để tránh cho TKV và dự án Thạch Khê tiếp tục sa lầy. Thử hỏi, với số vốn thực có chưa đầy 30%, phương án huy động vốn lại đang tắc thì lấy cơ sở gì để đảm bảo giai đoạn 1 của dự án có thể về đích. Bài học về sự thiếu tự chủ tài chính, thiếu kinh nghiệm quản lý tại dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 và các dự án ngàn tỉ thua lỗ còn mang tính thời sự và hiện vẫn chưa có lối thoát, nên việc chấp nhận cho TKV tiếp tục chi phối tại dự án là quá nhiều rủi ro.
E ngại về môi trường
Dự án sắt Thạch Khê đã giải phóng được 830 héc ta đất và đang tiếp tục thu hồi theo kiểu “cuốn chiếu” với 189 héc ta đất còn lại. Tuy chưa đi vào khai thác chính thức nhưng chính UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đang hết sức cân nhắc về các điều kiện pháp lý, môi trường của dự án. Tại cuộc họp đầu tháng 12-2016 ở Bộ Công Thương với sự tham dự của các bên, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phải phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM điều chỉnh) của dự án thì mới được triển khai khai thác. Ngay sau đó, hôm 17-12, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có cuộc họp riêng về dự án này. Theo báo Hà Tĩnh trong bài viết Xem xét, cân nhắc dự án mỏ sắt Thạch Khê vì sự phát triển bền vững, các ý kiến phát biểu tại cuộc họp từ lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh đều yêu cầu phải xem xét, đánh giá lại phê duyệt ĐTM của dự án, xây dựng phương án cụ thể về công suất khai thác giai đoạn 1 và giai đoạn sau; các tính toán về hiệu quả kinh tế - xã hội, phương án bố trí vốn trước khi triển khai.
Báo cáo của chủ đầu tư TKV cho biết: dự án đã được Bộ TNMT phê duyệt báo cáo ĐTM (9-2013), có giấy phép xả thải ra biển do Bộ TNMT cấp (1-2014).
Sở dĩ tỉnh Hà Tĩnh nhất định yêu cầu chủ đầu tư phải trình ĐTM điều chỉnh là vì TIC đang sửa đổi lại thiết kế mỏ cho phù hợp. ĐTM được phê duyệt trước đây dựa trên cơ sở công nghệ của Nga qua quá trình khai thác hầm lò. Nhưng do chi phí quá cao và công nghệ phức tạp, TIC đã thuê một công ty của Đức thẩm định thay đổi thiết kế mỏ, chuyển sang khai thác bóc vỉa quặng rộng ra xung quanh, hút nước sau đó khai thác lên. Trong tài liệu giới thiệu cơ hội đầu tư vào dự án nhằm huy động trái phiếu (8-2015), TIC đã thuyết trình về công nghệ khai thác hạ thấp mức nước ngầm quanh khai trường. Cách này đơn giản, tiết kiệm chi phí. Song do liên quan đến thay đổi thiết kế mỏ nên phải điều chỉnh ĐTM và chờ phê duyệt.
Qua các thực tế trên đã đến lúc Chính phủ phải cân nhắc thật kỹ và đưa ra những quyết định mang tính đột phá, cơ bản mới giải quyết được vấn đề ở dự án có tổng mức đầu tư lên đến hơn 14.000 tỉ đồng này. Bằng không nếu chỉ quanh quẩn với những đề nghị của TKV mà năng lực triển khai yếu thì dự án tiếp tục sa lầy là dễ hiểu.
http://www.thesaigontimes.vn/155165/De-khong-co-them-nhung-du-an-ngan-ti-bi-sa-lay.html
|