Bước đi nào cho doanh nghiệp Việt trước thế giới biến động?
Thế giới thay đổi nhanh và khó lường, tác động đáng kể đến nền kinh tế mở của Việt Nam. Doanh nghiệp cần tính toán những “kịch bản” nào và phải chuẩn bị ra sao là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt Nam trước cục diện thị trường Mỹ và thế giới sau Trump” diễn ra cuối tuần qua tại TPHCM do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức.
Các chuyên gia kinh tế trao đổi về phát triển nội lực và xây dựng liên kết vùng ĐBSCL để ứng biến trong bối cảnh mới.Ảnh: Đức Tâm
|
Sự khó lường từ vị tổng thống mới của Mỹ
Nhận xét về Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ, ông Bùi Quang Vinh - nguyên Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư, nói ngắn gọn trong ba chữ “b”: bảo hộ, bài ngoại và bất thường. Theo ông Vinh, ông Trump bất thường và khó đoán, nhưng không phải những điều ông ấy nói đều được thực hiện và trở thành chính sách của Mỹ. Cần lưu ý bên cạnh ông ta là cả một bộ máy tư vấn tham mưu.
Dưới thời của ông Trump, chưa biết khi nào TPP sẽ được thông qua. Ông Vinh cho rằng điều này dứt khoát ảnh hưởng đến Việt Nam trên cả ba mặt: đầu tư, thương mại và thể chế. “Tôi đã kỳ vọng TPP tạo ra động lực, áp lực để thay đổi thể chế. Không còn TPP, việc thay đổi thể chế sẽ rất chậm. Và điều này thật đáng lo”, ông Vinh nói và dẫn thêm rằng trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều dự luật vốn được sửa đổi theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn TPP đã bị dừng lại.
Vị cựu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng những thay đổi sắp đến từ Mỹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến một nền kinh tế mở như Việt Nam. Về độ mở của kinh tế Việt Nam, ông Vinh đề cập tới chỉ số tổng giá trị ngoại thương (kim ngạch xuất nhập khẩu)/GDP của Việt Nam năm 2015 là 180%, gấp hơn 4 lần so với con số 40% của Trung Quốc; hay chỉ số FDI/GDP là 46%, lớn hơn con số 12% của Trung Quốc. Trước viễn cảnh khó đoán định của TPP, ông Vinh cho rằng Việt Nam cần tìm ra một khuôn khổ pháp lý mới, một giải pháp thương mại mới để mở rộng quan hệ với Mỹ.
Về vấn đề này, TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, gợi ý Việt Nam nên tích cực đàm phám song phương với Mỹ dựa trên những nền tảng sẵn có là Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA) 2001 và những thỏa thuận khi ký kết WTO năm 2007. Theo ông Tự Anh, việc này sẽ đơn giản hơn nhiều so với phải chờ 10 thành viên còn lại trong TPP. Và trong quá trình thương thảo, các doanh nghiệp cần tích cực tiếp xúc với Chính phủ để nêu rõ mong muốn của mình, tránh trường hợp “ván đã đóng thuyền” thì sẽ không thay đổi được.
Bàn về chính sách của Trump với Trung Quốc và ảnh hưởng đến Việt Nam, ông Tự Anh đặt ra những kịch bản rất đáng lo. Nếu ông Trump có cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ví như trừng phạt kinh tế, hay áp mức thuế 45%..., và khi Trung Quốc không xuất khẩu được sang Mỹ, họ sẽ xuất khẩu sang các nước khác trong đó có Việt Nam. Khi đó, mức độ nhập siêu của Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc càng trầm trọng. Hoặc nếu Trung Quốc vẫn muốn xuất khẩu sang Mỹ, họ sẽ đi đường vòng qua Việt Nam, và trong những trường hợp sản phẩm của họ kém chất lượng, bị kiện, bị điều tra, uy tín của doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Đây sẽ là tình huống “con sâu làm rầu nồi canh”. Chưa kể họ sẽ đẩy những công nghệ bẩn, lạc hậu sang và biến Việt Nam thành một bãi rác.
Tuy vậy, có thể Trump sẽ không chọn phương án này. Những gì ông đang làm đến thời điểm hiện nay có vẻ như chỉ để gây sức ép, tạo ra một thế trận thuận lợi cho những thương lượng giữa Mỹ với Trung Quốc sau này.
Thế giới đầy biến động
Không chỉ có Mỹ, những nhân tố thay đổi khác đều có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Trong phần chia sẻ của mình, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề cập đến nhân tố Liên hiệp châu Âu. Bà cho rằng sự tan rã của liên minh này cũng là điều đáng quan tâm. Sau Brexit, ai dám chắc sẽ không có những sự thoái lui tương tự? Bà Lan gợi ý Việt Nam cần bám sát những nước lớn trong Liên hiệp châu Âu để duy trì mối quan hệ với họ.
Nhân tố thứ hai mà bà Lan nói đến là cộng đồng kinh tế ASEAN. Theo nhìn nhận của bà, cộng đồng này cũng đang có sự phân tán. Philippines và Malaysia có xu hướng nghiêng về Trung Quốc và có thể thấy, Trung Quốc đã có kế hoạch chia rẽ ASEAN để tạo tầm ảnh hưởng.
Hai “nhân tố” nữa là vai trò của công nghệ và sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - môi trường. Bà Lan dẫn báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng dưới tác động của công nghệ tự động hóa, trong vòng 20 năm nữa, lao động ngành dệt may mất 86% việc làm. Về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mọi người đã được chứng kiến rõ trong năm 2016 nhưng đó mới chỉ là sự bắt đầu.
Nghiêm trọng hơn, tất cả những điều trên có thể sẽ tác động đến Việt Nam cùng một lúc chứ không riêng rẽ. Đó là phần rất khó, nhưng cần nhìn vào những cái khó đó để tính toán và chuẩn bị, theo bà Lan.
Đọc thêm tại đây.
|