Cục diện thị trường chứng khoán đang thay đổi như thế nào?
Cuối năm 2016 chứng kiến nhiều cổ phiếu có vốn hóa khủng xuất hiện trên sàn chứng khoán Việt Nam. Điều này không chỉ có tác động mạnh mẽ đến tâm lý của nhà đầu tư mà bên cạnh đó, bộ mặt mới của thị trường chứng khoán trong nước cũng đã dần lộ diện.
Ở bảng xếp hạng mức vốn hóa thị trường cũ, nếu VCB là cổ phiếu xếp ở vị trí thứ hai (sau VNM) thì đến ngày 6/12/2016 với sự ra mắt của SAB thì danh hiệu vốn hóa “dưới một người, trên vạn người” đã bị cổ phiếu đầu ngành bia này chiếm lĩnh với 641 triệu cp được niêm yết, tương ứng số vốn điều lệ là 6,413 tỷ đồng. Đến cuối phiên giao dịch ngày 23/12, chỉ sau hơn vài tuần niêm yết, cổ phiếu SAB sau nhiều phiên tăng trần liên tục và đạt mức giá 200,000 đồng/cp vào cuối ngày 23/12, nâng mức vốn hóa thị trường của SAB đạt hơn 128 ngàn tỷ đồng, tương đương giá trị hơn 5.8 tỷ USD. Sức hấp dẫn của cổ phiếu này không những thể hiện qua sự săn đón của thị trường, trong các bài khuyến nghị mua vào của các công ty chứng khoán mà còn có động thái dòm ngó để mua vào cổ phần từ các nhà đầu tư nước ngoài. Một thông tin rất đáng lưu tâm là hai công ty Asahi Group holdings và Kirin Holdings của Nhật Bản đang có ý định chào mua trong trường hợp Bộ Công thương thoái vốn. Bên cạnh đó, trong thời gian gần đây cũng xuất hiện tin đồn Heineken muốn thâu tóm SAB nhưng sau đó ông Frans Eusman, Chủ tịch Heineken châu Á-Thái Bình Dương, đã lên tiếng phủ nhận điều này.
Những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD
|
Nổi bật không kém, việc ACV lên sàn cũng gây ra một cơn hưng phấn trên thị trường chứng khoán. Đơn vị này đã vượt mặt các ông lớn khác trong ngành ngân hàng như CTG, BID, ACV để giật lấy vị trí thứ 6 trong top những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường. Với gần 2.2 tỷ cổ phiếu được đẩy lên sàn UPCoM và giá đóng cửa trong phiên 23/12 là 49,508 đồng/cp, vốn hóa thị trường của cổ phiếu ACV đã lên gần 108 ngàn tỷ đồng. Tính theo USD, giá trị vốn hóa của cổ phiếu này đạt mốc 4.9 tỷ USD. Song, sức hút của ACV không chỉ đến từ một doanh nghiệp có vốn hóa lớn, vốn điều lệ hàng khủng (22 ngàn tỷ đồng) mà còn đến từ một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dường như không có đối thủ cạnh tranh và mang tính chất độc quyền – lĩnh vực hàng không. Được biết, xét về cơ cấu cổ đông, Bộ Giao thông vận tải đang sở hữu đến 95.4% vốn của ACV.
Mới đây, trong một buổi hội thảo, Tiến sỹ Trần Du Lịch – Nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM còn chia sẻ rằng, nếu dùng tiền đầu tư, ông sẽ mua cổ phiếu ACV bởi thế mạnh độc quyền và dường như không có sản phẩm thay thế của doanh nghiệp.
Tỷ trọng của top 15 doanh nghiệp có vốn hóa cao nhất trên UPCoM, HOSE và HNX
|
Tiếp đến phải kể tên một cổ phiếu ngành bia khác cũng nhanh chóng lọt top vốn hóa cao nhất thị trường, không ai khác chính là BHN. Dù vốn điều lệ chỉ ngót hơn 2,318 tỷ đồng nhưng với việc giá cổ phiếu đang nằm ở mức gần 116,000 đồng/cp thì chẳng lấy gì làm khó hiểu khi vốn hóa của cổ phiếu này lên tới 1.2 tỷ USD, tương ứng gần 27 ngàn tỷ đồng Việt Nam và chỉ xếp sau cổ phiếu đầu ngành là BVH trong nhóm bảo hiểm. Được biết, nếu tính cách đây một tuần thì giá cổ phiếu BHN đã có lúc lên tới 209,000 đồng/cp, tương đương vốn hóa lên tới hơn 48 ngàn tỷ đồng, ứng với gần 2.2 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ sau 5 phiên giao dịch liên tục đỏ điểm, vốn hóa của công ty đang xếp hạng thứ 13 trong danh sách 15 doanh nghiệp có mức vốn hóa cao nhất trên cả hai sàn đã mất đi cả tỷ USD! Ở thời điểm hiện tại, ngoài 81.79% vốn được nắm giữ bởi Bộ Công thương thì 17.5% vốn đang được nắm giữ bởi Tập đoàn Carlsberg. Bên cạnh đó, Carlsberg cũng kỳ vọng sẽ mua đứt 81.79% vốn mà Bộ Công thương dự định bán, trong đó 20% cổ phần sẽ được mua tại buổi đấu giá cạnh tranh và 61.7% còn lại thì Chính phủ Việt Nam sẽ bán cho Carlsberg với mức giá đấu thành công trong cuộc đấu giá này. Nếu như tham vọng của Carlsberg thành công thì đơn vị này sẽ nắm giữ trên 99% vốn của BHN và lẽ dĩ nhiên, BHN sẽ được ghi nhận là công ty con và chịu sự kiểm soát của tập đoàn này.
Biểu đồ giá của BHN từ thời điểm lên sàn đến nay
|
Một công ty khác cũng sẽ góp mặt trong danh sách cổ phiếu có vốn hóa tỷ USD chính là Novaland. Mới đây, theo một báo cáo trên Bloomberg, Novaland đã bán 10% vốn cổ phần cho 18 nhà đầu tư với giá trị là 120 triệu USD. Như vậy, tính chung cho toàn bộ cổ phiếu lưu hành thì công ty đang được định giá khoảng 1.2 tỷ USD. Bên cạnh đó, ông Phan Lê Hòa – Giám đốc Thị trường vốn và Quan hệ nhà đầu tư của Novaland cho biết con số này có thể lên tới 1.4 tỷ USD. So sánh mức vốn hóa này với các doanh nghiệp khác trên sàn thì nếu không có biến động mạnh, Novaland sẽ xuất hiện ở vị trí 14 và vượt mặt cả MWG và MBB. Chưa kể sức hút từ một doanh nghiệp đang sở hữu nhiều mảng đất vàng ở vị trí đẹp như Novaland sẽ còn có thể kéo cổ phiếu này lên vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng top vốn hóa.
Ngoài ra, trong năm 2017 tới sẽ còn tiếp tục có thêm những cổ phiếu nóng khác như BSR, Vietnam Airlines, Petrolimex, Vietjet… tiếp tục thực hiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Được biết, CTCK Maybank KimEng (MBKE) định mức giá trị vốn hóa của BSR là 1.6 tỷ USD, Vietnam Airlines là 1.1 tỷ USD, Petrolimex là 1 tỷ USD, Vietjet là 1 tỷ USD. Đây đều là những doanh nghiệp có thương hiệu nhất định, đang và sẽ tiếp tục thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với sức bật này, đảm bảo câu lạc bộ doanh nghiệp có vốn hóa vượt mốc tỷ đô sẽ còn dài hơn với nhiều cái tên mới. Trong khi đó một số doanh nghiệp thuộc top 10 hoặc 15 vốn hóa lớn nhất sàn trước đây sẽ bị rớt hạng.
Chính vì vậy, các thứ bậc trong bảng xếp hạng vốn hóa cũng như cục diện của sàn chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi mạnh mẽ.
Một điểm đáng chú ý khác là do có mức vốn hóa khủng, sự thay đổi về giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự biến động tăng giảm của chỉ số chứng khoán các sàn như VN-Index…Thế nhưng, dù chiếm một tỷ trọng lớn trong rổ cổ phiếu của sàn, nhưng thực tế, số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free –float) của các cổ phiếu này khá thấp, điển hình như SAB chỉ có 4.6 triệu cp trôi nổi tương ứng 0.72% số lượng cổ phiếu niêm yết (theo cơ cấu cổ đông chốt ngày 6/10/2016). Chính vì vậy, điều này khơi mào cho một câu hỏi là liệu các chỉ số thị trường có còn phản ánh đúng những thay đổi mạnh mẽ hàng ngày hàng giờ, thậm chí là từng giây của một thị trường chứng khoán còn non trẻ - thị trường chứng khoán Việt Nam?
Theo như ông Lê Vương Hùng – Giám đốc Môi giới CTCK Rồng Việt, điều này luôn xảy ra đối với các thị trường có quy mô lớn. Chính vì vậy, một số chỉ số chứng khoán ở các thị trường lâu năm thường chỉ tập trung vào một số doanh nghiệp có các điều kiện phù hợp, ví dụ như chỉ số Dow Jones chỉ tính giá trị của 30 công ty lớn nhất và có nhiều cổ đông nhất trong nước Mỹ. Ngoài ra, chỉ số Nikkei 225 cũng chỉ được tính toán với 225 cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Tokyo. Trong khi đó, chỉ số VN-Index của Việt Nam lại bao gồm đến 319 cổ phiếu, cao hơn nhiều so với chỉ số Nikkei và đặc biệt là Dow Jones. Tuy nhiên, VN-Index cũng chỉ là thế hệ đầu tiên của các chỉ số giá chứng khoán ở thị trường Việt Nam, đến nay chúng ta đã có thêm VN30, và cả VNX Allshare cho tất cả chứng khoán trên cả hai sàn. Bên cạnh đó, còn có nhiều chỉ số khác theo phân loại vốn hóa của các doanh nghiệp như Large cap, Mid cap, …và chỉ số cho từng nhóm cổ phiếu thuộc từng ngành khác nhau. Với sự phân hóa vậy sẽ giúp cho những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán có thể lựa chọn được những chỉ số phù hợp để theo dõi.
Ông Hùng cho biết, như trong thời gian qua, với sự xuất hiện của một số cổ phiếu có vốn hóa lớn nhưng lại có số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp thì những nhà đầu tư lâu năm có thể chuyển qua phân tích VN30 hoặc các chỉ số chuyên sâu khác để nhận biết dòng tiền đang tập trung vào nhóm cổ phiếu nào và xu hướng của các dòng này./.
|