Nhịp đập Thị trường 27/12: Đóng cửa tăng nhẹ
Đóng cửa với mức tăng không đáng kể, tuy nhiên bên mua vẫn chiếm thế chủ động phiên ATC là tín hiệu tích cực.
Kết phiên giao dịch VN-Index đóng cửa tăng 0.21% dừng tại 663.86 điểm; HNX-Index giảm 0.48% neo tại 78.87 điểm.
Diễn biến cuối phiên vẫn chưa có nhiều thay đổi. Trình trạng phân hóa vẫn còn nhiều với HPG, VCB, BID, HSG…giảm nhẹ trong khi VIC, SAB, STB… tăng nhẹ. GAS là tâm điểm bên phía giảm điểm khi bị vốn nội đẩy mạnh xả hàng trong phiên chiều khiến cổ phiếu này mất hơn 1.8% so với tham chiếu. Tuy vậy, điểm tích cực là bên mua vẫn chiếm thế chủ động cuối phiên giúp nhiều cổ phiếu VN30 hổi nhẹ trở lại. Đáng chú ý có VNM hỗ trợ tích cực cho VN-Index khi duy trì mức tăng hơn 2%. Nhịp hồi hôm nay giúp triển vọng ngắn hạn ở cổ phiếu này có phần “dễ thở” hơn khi cổ phiếu này cũng đã test thành công SMA250.
Nhóm Small-Cap là nhóm tích cực nhất thị trường tiêu biểu là đà tăng ở CTI, DAG, TIE…
Khối lượng khớp lệnh trên cả hai sàn đạt 121.6 triệu đơn vị, tăng 28% so với phiên giao dịch ngày hôm qua. Trong đó, khối lượng khớp lệnh trên HOSE tăng trưởng mạnh 42%.
Khối ngoại mua ròng trên HOSE đạt 137.96 tỷ (chưa loại bỏ giao dịch thỏa thuận) và mua ròng hơn 6 tỷ đồng trên HNX.
14h: Sức ép từ bên bán đang lớn dần
Thị trường tiếp tục giằng co mạnh và yếu dần trong phiên chiều khi sắc đỏ đang chiếm ưu thế trở lại trên nhiều nhóm cổ phiếu lớn nhỏ.
Số mã giảm điểm hiện đang áp đảo trên thị trường với con số tổng cộng 228 mã giảm, 169 mã tăng tính tới 14h. Tuy vậy, điểm tích cực là lượng cung vẫn không quá lớn cho thấy áp lực bán không quá mạnh. Bên cạnh đó, dù vẫn phân hóa nhưng nhóm cổ phiếu VN30 vẫn đang hỗ trợ tốt với VNM, VCB, VIC, FPT, CTG, REE… Riêng VNM đang tăng khá mạnh 2.2% so với tham chiếu, chủ yếu nhờ cầu ngoại trở lại với giao dịch khối ngoại chiếm 60% thanh khoản.
Về nhóm ngành, nhóm Thực phẩm – Đồ uống đang dẫn đầu thị trường với mức tăng 1.34% nhờ sự trở lại của VNM và SAB. Nhóm Bán lẻ cũng tăng khá 0.64%. Ở chiều ngược lại, dù QHD (+1.16%) nhưng nhóm SX Thiết bị Máy móc lại ghi nhận mức giảm mạnh nhất 3.36% xuất phát từ đà giảm mạnh của NAG (-6%).
Nhóm ngành Khai khoáng cũng đang giảm khá 0.48%. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện nhiều cổ phiếu có giao dịch tích cực như DHA, KSB, LCM, THT… Đặc biệt là C32 sau khi bị xả khá mạnh trong phiên sáng thì hiện đang hồi mạnh trở lại tại mức giá 50,700 đồng/cp.
Tính tới 14h, VN-Index hiện đang lùi nhẹ xuống 663.8 điểm tăng 0.2% so với tham chiếu, HNX-Index mất 0.33% xuống còn 78.99 điểm. Khối lượng khớp lệnh toàn thị trường đạt hơn 1,752 tỷ đồng.
Phiên sáng: Rung lắc nhưng đà tăng vẫn giữ vững
Mặc dù rung lắc mạnh nhưng nhóm Large Cap tiếp tục hỗ trợ đà tăng. Thanh khoản thị trường cũng chuyển biến tích cực hơn với hơn 1,252 tỷ đồng được đổ vào thị trường.
VN-Index kết phiên sáng dừng tại mức 664.99 điểm giữ vững mức tăng hơn 2.5 điểm hay 0.38%, HNX-Index giảm 0.36% đạt mức 78.96 điểm. Giá trị giao dịch toàn thị trường cải thiện đạt hơn 1,252 tỷ đồng.
Sau đợt tăng mạnh đầu phiên, VN-Index trở lại với xu hướng giằng co và duy trì trạng thái đi ngang là chính. Chỉ số tiếp tục được hỗ trợ mạnh bởi đầu tàu là VNM, VIC và VCB.
Rổ VN30 vẫn phân khóa khá rõ nét khi kết phiên có 15 mã tăng và 14 mã giảm. Trong đó, KDC, FPT, REE, CTG là những mã hỗ trợ tích cực nhất cho VN-Index bên cạnh nhóm cổ phiếu trụ cột.
Nhóm cổ phiếu tôn thép khá phân hóa khi HPG, HSG giảm điểm trong khi NKG, VIS, DAG tăng khá. Hôm nay cũng là ngày GDKHQ trả cổ tức bằng tiền đợt 2/2016 của SMC với mức cổ tức 500 đồng/cp. Giá cổ phiếu này cũng đang điều chỉnh giảm 350 đồng so với tham chiếu. Nhìn chung cổ phiếu này đã liên tục đi ngang trong biên độ hẹp với khối lượng sụt giảm trong nhiều phiên gần đây cho thấy tâm lý giới đầu tư đang giằng co trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, rủi ro giảm điểm cũng sẽ không quá cao khi đường SMA50 vẫn đang đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho cổ phiếu này.
Nhóm Cao su cũng gây chú ý khi giá cao su thế giới đã điều chỉnh giảm 4.4% hôm qua nhưng có vẻ điều này không tác động quá tiêu cực đến tâm lý giới đầu tư khi DPR, PHR vẫn đang tăng khá.
Chỉ số UPCoM-Index cũng kết phiên sáng tăng nhẹ 0.06%, dừng tại 53.6 điểm. Hai cổ phiếu mới lên sàn là SB1 và G36 đang là những hỗ trợ chính khi “hiệu ứng lên sàn” đang giúp hai mã này tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp. Thanh khoản của hai cổ phiếu này rất thấp cùng lượng dư mua trần ở mức khá cho thấy có thể chuỗi tăng trần sẽ tiếp tục được nối dài trong các phiên tới.
Khối ngoại mua ròng hơn 125 tỷ đồng trên HOSE với VNM là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với hơn 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, SCR cũng gây chú ý khi được mua mạnh 57 tỷ đồng trong sáng nay.
10h30: Large Cap nâng đỡ chỉ số
Giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản ở mức thấp vẫn là diễn biến chính của thị trường từ đầu phiên. Tuy vậy, sắc xanh vẫn hiện diện trên VN-Index nhờ nổ lực của nhóm cổ phiếu Large Cap.
Tính đến 10h35, VN-Index đã nhanh chóng trở lại mức đỉnh 664 được lập đầu phiên. Nhóm cổ phiếu lớn mà cụ thể là VNM, VIC, MWG hỗ trợ tốt cùng sự đảo chiều trở lại của SAB đang tác động mạnh lên chỉ số này.
Tuy nhiên, động lực bứt phá đến lúc này vẫn chưa có khi thanh khoản thị trường vẫn là điểm lo ngại chung hiện nay khi hiện mới chỉ hơn 717 tỷ đồng khớp lệnh trên HOSE. Không có nhiều cổ phiếu giao dịch trên 1 triệu đơn vị trên sàn lúc này ngoại trừ HQC, C32, OGC hay FLC đến hiện tại chỉ đạt hơn 1 triệu cp, rất thấp so với mức thanh khoản thường thấy ở cổ phiếu này.
C32 đang gây chú ý khi điều chỉnh khá với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 2.3 triệu cp, cao nhất kể từ đầu năm 2016. Giá cổ phiếu này vẫn đang trong quá trình điều chỉnh khi thất bại trong việc lấp đầy Falling Window được hình thành trong phiên giao dịch ngày 12/12 vừa qua. Nhóm chỉ số Momemtum của cổ phiếu này cũng đã vào vùng quá bán nhưng với việc ADX đang ở mức khá cao (39) thì sức mạnh xu hướng hiện tại vẫn là khá mạnh và nhiều khả năng quá trình tạo đáy sẽ khó diễn ra ngay trong các phiên tới.
Về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu Chứng khoán vẫn khá phân hóa khi SSI đứng giá trong khi HCM điều chỉnh trở lại. HCM đang thoái lùi sau khi test trở lại vùng kháng cự 27,740 – 28,300. Hiện tại cổ phiếu này đang giảm 100 đồng và đang test lại SMA50.
Quay trở lại với diễn biến thị trường, dòng tiền yếu khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trở lại trên sàn HNX. Chỉ số HNX-Index đang điều chỉnh khá với ACB, DST, PVI, PVS là những cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất. Độ rộng của sàn này hiện đang khá hẹp với 48 mã tăng/ 78 mã giảm.
Mở cửa: Tâm lý dò xét đầu phiên
Hai chỉ số khởi đầu tuần giao dịch cuối cùng của năm với sự phân hóa và chọn lọc mạnh của dòng tiền. Mở phiên sáng nay, trạng thái này tiếp tục diễn ra và một số cổ phiếu vốn hóa lớn có dòng tiền tập trung đang là tâm điểm hỗ trợ tốt nhất.
Sau 20 phút đầu phiên VN-Index tăng 0.09 điểm, tương ứng 0.01% dừng tại 662.54 điểm, trong khi HNX-Index tăng 0.05 điểm, tương ứng 0.06% lên mức 79.30 điểm. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đầu phiên vẫn khá khiêm tốn với chỉ hơn 7 triệu đơn vị được khớp lệnh, tương ứng chỉ hơn 94 tỷ đồng.
Trên HOSE, nhóm cổ phiếu VN30 vẫn đang phân hóa mạnh với VIC, KDC, DCM, MBB, MSN, GMD… đang là điểm nhấn hỗ trợ tích cực nhất. Dòng tiền trên HOSE đang vẫn đang phân hóa khá mạnh với giá trị giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu trụ cột như VNM, VCB, SAB, GAS…
TCH đang hồi nhẹ trở lại sau 3 phiên điều chỉnh liên tiếp. Cổ phiếu này nhìn chung vẫn đang dao động trong vùng 17,000 – 18,000 trong các phiên gần đây. Mẫu hình nến Doji xuất hiện liên tục cùng khối lượng duy trì ở mức thấp cho thấy tâm lý giới đầu tư đang khá giằng co trong ngắn hạn.
Trên HNX, một số cổ phiếu có ảnh hưởng trên sàn này như SHB, NTP… kết hợp với một số cổ phiếu Mid Cap và Small Cap như HHC, GLT, SED đang là điểm hỗ trợ tích cực đến chỉ số HNX-Index. Trong đó, SED đang hồi phục trở lại sau khi test lại vùng hỗ trợ 18,000 – 19,000. Nhóm chỉ số Momentum cũng rơi vào vùng quá bán cho thấy áp lực điều chỉnh ở cổ phiếu này đã giảm đi đáng kể.
Nhìn chung diễn biến thị trường trong các phiên gần đây đang khá thận trọng với nguyên nhân chính là tâm lý hạn chế giao dịch trước kỳ nghỉ lễ. Thêm vào đó, thông tin hỗ trợ hiện tại khá khan hiếm cũng là nguyên nhân khiến thị trường không có một yếu tố hỗ trợ mạnh trong thời điểm hiện tại.
|