Chỉ có thể là UPCoM!
Nếu muốn tìm một cổ phiếu tăng 100% sau 5 phiên giao dịch hay giảm hơn 70% sau 3 phiên, một cổ phiếu sẵn sàng chi trả cổ tức cao gấp 4 lần thị giá và thậm chí cảm giác “sốc tận óc” thì hãy đến với UPCoM – nơi nhiều quả ngọt nhưng cũng lắm trái đắng!
Không thể phủ nhận rằng sàn giao dịch UPCoM (Unlisted Public Company Market) đang trở thành nơi tăng trưởng quy mô nhanh nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, chỉ trong 1 tháng vừa qua, vốn hóa sàn UPCoM đã tăng mạnh 74% và tăng hơn 4 lần tính từ đầu năm 2016. Không chỉ vậy, với sự góp mặt của hai “tân binh” khổng lồ là ACV và BHN thì sàn UPCoM đã vượt qua HNX trở thành sàn giao dịch có vốn hóa lớn thứ hai tại Việt Nam.
Các chính sách mới về lộ trình đẩy mạnh đăng ký giao dịch cổ phần tập trung khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đang là lý do quan trọng góp phần cho sự sôi động này. Ngoài ra, một điểm quan trọng nữa là việc nới biên độ dao động giá cổ phiếu trên UPCoM vào năm 2015 đã thu hút sự quan tâm lớn từ phía nhà đầu tư.
Song, cũng chính việc nới rộng biên độ lên 15% từ 01/07/2015 khiến sàn UPCoM có được những cái rất riêng mà cả hai sàn niêm yết không thể có được. Đó chính là việc một cổ phiếu có thể mang lại cho nhà đầu tư mức sinh lợi đến 100% chỉ sau 5 phiên vừa chào sàn như trường hợp cổ phiếu VEF của VEFAC hay BHN của Habeco. Nhưng ở đó, một cổ phiếu bay đứt 70% sau 3 phiên đầu chào sàn như HAC của Chứng khoán Hải Phòng cũng không thiếu.
Rồi có thời điểm sàn UPCoM lại khiến giới đầu tư phải ngơ ngác khi một doanh nghiệp trên sàn này sẵn sàng trả cổ tức gấp 3, 4 lần so với thị giá. Đó là trường hợp của MEINFA (MEF) khi trả cổ tức 30% (mỗi cổ phiếu nhận được 3,000 đồng) năm 2014 trong khi tại ngày chốt quyền MEF có giá 700 đồng/cp. Chuyện này được lặp lại trong năm nay khi vào tháng 5/2016, MEF cũng chốt quyền trả cổ tức 40% bằng tiền (4,000 đồng/cp) năm 2015 trong khi giá trên sàn suốt 1 năm qua đứng ở 900 đồng/cp.
Hay như trường hợp Muối Khánh Hòa (KSC), trong ba năm trở lại đây, KSC luôn duy trì mức cổ tức khá cao: 16.6% (tương đương 1,660 đồng/cp) năm 2012; 18.9% (1,890 đồng/cp) năm 2013 và 36% (3,600 đồng/cp) năm 2014. Trong khi đó, giá cổ phiếu KSC từ lúc lên sàn UPCoM đến nay chưa vượt quá 1,200 đồng/cp.
Chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng thị giá MEF và KSC thấp như vậy chắc là do hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Không! Sẽ ngạc nhiên hơn nữa nếu nhìn vào kết quả kinh doanh của hai đơn vị này trong 4 năm gần đây với tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận là ổn định.
Kết quả kinh doanh MEF từ 2012-2015 (Đvt: triệu đồng)
Kết quả kinh doanh KSC từ 2012-2015 (Đvt: triệu đồng)
Hiện nay, sàn giao dịch UPCoM vẫn được biết đến là nơi dành cho các công ty đại chúng chưa (hoặc chưa đủ điều kiện) niêm yết trên HOSE và HNX. Và phải thừa nhận rằng đã từng có ý nghĩ hàng trên UPCoM chỉ là hạng lỡm, lôm côm. Nhưng nếu nhìn vào cách mà MEF và KSC trả cổ tức thì hẳn nhà đầu tư sẽ thay đổi quan điểm này, hay ít ra đây chính là “mỏ vàng” chỉ có ở UPCoM. Tuy nhiên cả hai cổ phiếu này đều không phải là cuộc chơi của cổ đông nhỏ lẻ bởi trong suốt 3 năm qua gần như không có giao dịch (khối lượng giao dịch khớp lệnh cao nhất là 100 cp).
Đó là chưa kể đến trường hợp cả KSC và MEF đều không thực hiện điều chỉnh giá tham chiếu tại ngày chốt quyền trả cổ tức như quy định thường thấy ở sàn HOSE và HNX.
Bên cạnh những cái riêng đó, UPCoM còn khiến nhà đầu tư sốc tận óc bởi sự cố MTM!
Được giao dịch vào tháng 4/2016 với mức giá 10,500 đồng/cp trên UPCoM, CTCP Mỏ và XNK Khoáng sản miền Trung (MTM) khiến nhà đầu tư choáng váng khi khoảng 2 tháng sau đó giá đã mất đi 80% giá trị và kèm theo đó là quyết định tạm ngừng giao dịch. Nhưng điều khiến nhà đầu tư sốc nhất có lẽ đến khi sự thật được phơi bày: từ trụ sở làm việc, hình ảnh sản phẩm trong bản cáo bạch cho đến số điện thoại đều không có thật. Và các thông tin từ việc Chủ tịch MTM bị khởi tố đến câu chuyện Công ty không còn một đồng tài sản càng thêm xát muối vào nỗi đau với những ai đã trót đầu tư vào cổ phiếu này.
Mải đuổi theo kỳ vọng tỷ suất sinh lợi cao như một hiện tượng mới mang tên UPCoM, nhà đầu tư dường như quên mất bài học “High risk – High return”. Phải đến khi sự việc MTM xảy ra thì việc tìm hiểu quy định lên sàn UPCoM mới thực sự được chú ý. Để lên sàn UPCoM khá đơn giản, toàn bộ các thông tin công bố do chính doanh nghiệp lập và chịu trách nhiệm, không cần chứng thực, kiểm toán hay tư vấn. Ngay cả giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu cũng là doanh nghiệp tính toán và đưa ra. Đây là một khoảng cách rất lớn về tiêu chuẩn giữa “sàn giao dịch tập trung” và “sàn niêm yết”, theo đó cũng chứa đựng những rủi ro nhất định mà nhà đầu tư cần hiểu rõ./.
|