Chuyển động dòng tiền tuần 05-09/12
Cổ phiếu đầu cơ vẫn hấp dẫn nhà đầu tư
Các nhà đầu tư tham gia thị trường tuần qua (05/12-09/12) tiếp tục bị hấp dẫn bởi các mã đầu cơ khi dòng tiền ở nhóm này tiếp tục tăng mạnh.
Sau một tuần tăng nhẹ thì tuần qua lại là nốt trầm về thanh khoản trên sàn HOSE khi khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 95.93 triệu đơn vị/phiên giảm 10.48% so với tuần giao dịch trước. Do đó mà không ngạc nhiên khi chỉ hơn 37 cổ phiếu có dòng tiền tăng trưởng so với tuần trước (xét trên nhóm có khối lượng giao dịch bình quân hơn 100,000 đơn vị/phiên), trong khi số mã giảm cao hơn hẳn, đến 63 mã.
Trong số mã có thanh khỏa tăng thì 7 mã có khối lượng giao dịch bình quân tăng hơn 100% và dẫn đầu là LDG với mức tăng xấp xỉ 400%, đạt hơn 1 triệu đơn vị/phiên và cùng với đó là giá cũng tăng hơn 13%. Có nhiều thông tin đáng chú ý diễn ra ở LDG tuần qua mà đầu tiên phải kể đến là việc thay đổi Chủ tịch HĐQT. Theo đó, ông Nguyễn Khánh Hưng sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty và là người công bố thông tin, đại diện theo pháp luật của Công ty kể từ ngày 7/12 thay thế cho ông Lê Kỳ Phùng.
Một điểm đáng chú ý nữa là trước khi từ nhiệm thì ông Phùng đã bán hết toàn bộ hơn 5.5 triệu cp bằng hình thức thỏa thuận và thu về gần 28 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc LDG nhận được dòng tiền còn được cho là đến từ việc cổ phiếu này đã giảm khá mạnh, chạm mức thấp nhất lịch sử tại 4,700 đồng/cp vào phiên 09/11/2016. Chính dòng tiền bắt đáy được kích hoạt đã giúp LDG hồi phục trở lại sau khi liên tục giảm mạnh trong thời gian vừa qua, nhất là sau báo cáo quỹ 3 lỗ gần 18 tỷ đồng.
Một mã đầu cơ khác minh chứng cho hành động bắt đáy trong tuần qua rõ nhất là HAR khi giá cổ phiếu bay hơi gần 21% nhưng khối lượng giao dịch bình quân tăng vọt hơn 3.8 triệu cp/phiên, tăng 294% so với tuần trước. Mặc dù vậy thì cũng cần lưu ý rằng dù cho giá cổ phiếu đã xuống thấp kỷ lục nhưng ông Nguyễn Nhân Bảo - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HAR vẫn đăng ký thoái 3 triệu cp từ 14/12/2016 đến 12/01/2017 với phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh. Động thái này là hơi khó hiểu và có thể nói là điều mà cổ đông HAR không muốn vào thời điểm này.
Không chỉ có cổ phiếu đầu cơ, nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn cũng nhận được sự qua tâm lớn từ NĐT trong nước, qua đó tăng thanh khoản như CSM, TCH, CTG, CII, TCM, SSI… Trong số này, TCH khá ấn tượng với thanh khoản tăng hơn 70% nhờ thông tin Công ty ghi nhận tổng doanh thu 111.7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 58 tỷ đồng trong tháng 11. Lũy kế 8 tháng đầu niên độ 01/04 - 30/11/2016, tổng doanh thu của TCH đạt 906.2 tỷ đồng và lãi trước thuế 413.8 tỷ đồng.
Ngược lại, rất nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn bị dòng tiền rời bỏ như DCL, CDO, BVH, GAS, NT2, MSN, VNM, PPC…
Đáng ngại nhất là diễn biến của CDO, sau 2 phiên giao dịch đầu tuần giảm mạnh thì 3 phiên còn lại là tình trạng mất thanh khoản, từ việc khớp vài trăm ngàn đơn vị bỗng chốc chỉ khớp vài trăm cổ. Đi kèm đó là hiện tượng dư bán giá sàn tăng dần, đạt hơn 1 triệu cp trong 2 phiên cuối tuần khiến CDO giảm kịch sàn. Do đó mà tuần qua dòng tiền ở CDO suy giảm hơn 77%, chỉ còn hơn 200,000 đơn vị/phiên và giá giảm đến 25%. Biến động này của CDO có thể là do tuần qua đơn vị này đã niêm yết bổ sung hơn 8.5 triệu cp phát hành cho cổ đông hiện hữu trước đó. Cũng nói thêm là CDO là mã có mức tăng ấn tượng trong 1 năm qua, đạt gần 50%.
Trên HNX, DST tiếp tục gây sốc cho giới đầu tư khi tăng giá hơn 45% và khối lượng giao dịch bình quân đạt 436,000 đơn vị/phiên, tăng 243% so với tuần trước. Nên nhớ rằng ở tuần giao dịch trước đó, DST cũng đã khiến thị trường phải bất ngờ khi tăng giá đến hơn 45% cùng thanh khoản tăng thêm 35%. Với DST thì ngày 07/12 vừa qua là ngày GDKHQ nhận quyền mua cổ phiếu phát hành thêm tỷ lệ 96%. Được biết, DST dự kiến phát hành thêm 15.8 triệu cp trong đợt này, giá phát hành chỉ 10,000 đồng/cp, thấp hơn nhiều so với mức thị giá trước ngày chốt quyền là 36,700 đồng/cp.
Ngoài DST, cổ phiếu KLF tiếp tục ấn tượng với khối lượng giao dịch bình quân tăng lên hơn 13 triệu cp/phiên, tăng gần 206% so với tuần trước trong khi giá giảm gần 30%.
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm cao nhất sàn HOSE
Top 20 mã có thanh khoản tăng/giảm mạnh nhất trên sàn HNX
Động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là điều đáng buồn trong tuần qua. Cụ thể, họ bán ròng trên HOSE với hơn 876 tỷ đồng, lực bán ròng tập trung mạnh nhất là ở VNM với 353.1 tỷ đồng; tiếp theo là CAV với 124.4 tỷ đồng (chủ yếu thông qua giao dịch thỏa thuận), VIC với 100 tỷ đồng, HPG với 92.28 tỷ đồng… Về phía mua ròng là các mã như KBC với gần 42 tỷ đồng, tiếp theo là VCB với 37.4 tỷ đồng, SBT với 33.96 tỷ đồng... Trên sàn HNX, giá trị mua ròng mạnh của khối ngoại tập trung chủ yếu ở QNC với 4.5 tỷ đồng, VGS với 3.97 tỷ đồng và VND với 3.9 tỷ đồng; ngược lại bán ròng chủ yếu ở PVS và VCS lần lượt 29.4 tỷ và 2.6 tỷ đồng./.
|