Thứ Tư, 23/11/2016 16:36

TPP sẽ ra sao nếu không có Mỹ?

Hiện thỏa thuận thương mại khu vực lớn nhất trong lịch sử đang rơi vào tình thế khó khăn. Vậy điều gì sẽ xảy ra?


Trong ngày thứ Hai, Tổng thống vừa đắc cử Donald Trump cho biết một trong những động thái đầu tiên khi ông chính thức nhậm chức là rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong suốt hành trình tranh cử, ông đã lên tiếng chê trách rằng TPP là thảm họa tiềm năng đối với nước Mỹ.

Trước đó, TPP được xem là một bước đi quan trọng trong chiến lược của Tổng thống Barack Obama nhằm củng cố sức ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á nhưng cũng khiến hoạt động giao thương của các quốc gia phương Tây rơi vào tình trạng hỗn loạn. Được biết, TPP ra đời với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và 11 quốc gia khác tại khu vực Thái Bình Dương.

Trong suốt chuyến viếng thăm Argentina hôm thứ Hai, Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, cho hay: “TPP sẽ trở nên ‘vô nghĩa’ nếu không có Mỹ”.

CNNMoney đã đưa ra một vài kịch bản có thể xảy ra như sau:

Trung Quốc sẽ khỏa lấp khoảng trống

Trung Quốc đã không tham gia vào cuộc đàm phán về TPP. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đang cố gắng đẩy nhanh thỏa thuận thương mại của Trung Quốc với các nhà lãnh đạo từ khu vực Thái Bình Dương.

Mireya Solis, quan chức cấp cao tại Brookings Institution, cho biết: “Việc Mỹ chuyển sang chiến lược kinh tế hướng nội cũng có nghĩa rằng Trung Quốc có khả năng trở thành tâm điểm của các nỗ lực hội nhập khu vực. Mỹ sẽ phải chịu mất mát lớn nếu như từ bỏ chiến lược kinh tế tại khu vực năng động nhất trên thế giới”.

Trong khi đó, nếu Trung Quốc thành công trong việc tiến tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) thì quốc gia này sẽ được xem là quốc gia đầu tàu trong việc lãnh đạo một khu vực giao thương tự do lớn hơn và nhiều tham vọng hơn trong tương lai. Được biết, RCEP là một hiệp định thương mại tự do với 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand).

Kể từ khi Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực nhằm thúc đẩy các kế hoạch của mình tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Peru vào cuối tuần trước.

Không như TPP, thỏa thuận của Trung Quốc không bao gồm các quốc gia ở châu Mỹ. Tuy nhiên, tại Hội nghị thượng đỉnh APEC, một quan chức cấp cao của Trung Quốc, Tan Jian, cho biết rằng ngày càng nhiều quốc gia ở châu Mỹ, bao gồm Peru và Chile, đang tỏ ra quan tâm đến việc tham gia vào RCEP, hãng tin Reuters cho hay.

Một TPP không có Mỹ

Được ký kết bởi 12 quốc gia chiếm tới 40% GDP toàn cầu, TPP được kỳ vọng sẽ đem lại các tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu từ các quốc gia như Malaysia, Việt Nam và Nhật Bản. Một số chuyên gia cho rằng 11 quốc gia còn lại nên tiếp tục theo đuổi TPP mà không cần đến sự tham gia của Mỹ.

Bà Solis cho hay, bằng cách tiếp tục theo đuổi TPP, Nhật Bản và 10 quốc gia còn lại sẽ gia tăng sức ảnh hưởng của mình trong các cuộc thương lượng song phương với Mỹ và trong các cuộc đàm phán khu vực với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thiếu vắng đi các biện pháp khuyến khích của thị trường Mỹ, TPP sẽ mất đi tính hấp dẫn vốn có.

Chờ Mỹ đổi ý?

Một số quốc gia tại khu vực Thái Bình Dương vẫn hy vọng Donald Trump chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Vào ngày thứ Ba, Bộ trưởng Thương mại Australia, Steven Ciob, cho biết: “Chúng ta cần phải cho Mỹ thêm thời gian để suy nghĩ về những lợi ích cũng như những tác hại của thỏa thuận này”.

Tuy nhiên, người đã giành phần lớn thời gian tranh cử để phản đối các thỏa thuận thương mại quốc tế như Donald Trump có vẻ không cần thêm thời gian nữa. Ông đã cam kết thương lượng lại hoặc hủy bỏ Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – một thỏa thuận thương mại tự do được ký kết giữa Mexico, Canada và Mỹ. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Mỹ và 28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) dường như cũng đã tới hồi kết. 

Edward Alden, Quan chức cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết tuyên bố về TPP của Donald Trump trong ngày thứ Hai có hơi hướng xác nhận rằng ông sẽ thực hiện theo những cam kết của mình thay vì tìm kiếm các sự thỏa hiệp.

Một số chuyên gia cho rằng nếu Nhật Bản và các quốc gia khác có thể tiếp tục theo đuổi TPP thì Mỹ có thể “hồi tâm chuyển ý” vào những ngày sau đó.

Được biết, lúc mới nhậm chức, một số vị Tổng thống Mỹ khác, bao gồm Barack Obama và Bill Clinton, cũng từng tỏ ra nghi ngờ về các thỏa thuận giao thương lớn và rồi lại thay đổi ý định sau đó, ông Alden cho hay./.

Các tin tức khác

>   Cảnh báo mã độc có thể khiến máy ATM đồng loạt nhả tiền (23/11/2016)

>   Nhật Bản và Trung Quốc can thiệp khi Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP (23/11/2016)

>   Vàng tăng liền 2 phiên khi USD chững lại (23/11/2016)

>   Dầu trái chiều khi đàm phán về thỏa thuận sản lượng gặp trở ngại (23/11/2016)

>   5 lý do tại sao vẫn còn quá sớm để giới đầu tư ngừng lo lắng về Donald Trump (22/11/2016)

>   Quốc gia nào sẽ phát hành tiền kỹ thuật số đầu tiên? (22/11/2016)

>   Những yếu tố chi phối cách tiếp cận kinh tế của châu Âu năm 2017 (22/11/2016)

>   Vàng quay đầu tăng nhẹ từ đáy 9 tháng (22/11/2016)

>   Donald Trump: Mỹ sẽ rút khỏi TPP vào ngày đầu tiên ông nhậm chức Tổng thống (22/11/2016)

>   Dầu lên cao nhất 3 tuần sau nhận định của Tổng thống Nga (22/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật