Thứ Ba, 22/11/2016 17:14

5 lý do tại sao vẫn còn quá sớm để giới đầu tư ngừng lo lắng về Donald Trump

Theo MarketWatch, sau cú sốc ngắn ngủi ban đầu ngay sau có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, những người tham gia thị trường giờ đây dường như đã bình tâm trở lại.

Cổ phiếu ở các thị trường phát triển, lợi suất trái phiếu và cả đồng USD đều đang trên đà tăng, trước kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ kế hoạch kích thích tài khóa của Chính phủ mới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu có quá sớm cho giới đầu tư khi không cần phải lo lắng về một Tổng thống “khó đoán” như ông Trump không, khi vẫn còn 5 lý do sau đây?

Thứ nhất, cả “rủi ro đuôi phải” lẫn “rủi ro đuôi trái” cho nền kinh tế toàn cầu và các thị trường đều có thể trở nên lớn hơn dưới thời của Tổng thống Trump.

Nếu Chính phủ mới tập trung vào cải cách thuế, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định thì cả nhu cầu và tăng trưởng sản lượng tiềm năng đều có thể tăng mà không hề gây ra lạm phát quá mức. Trái lại, một sự tập trung mạnh mẽ vào các mức thuế mang tính trừng phạt và các lệnh cấm nhập cư có thể dẫn đến nguy cơ bị trả đũa từ các quốc gia, và nhiều khả năng khơi mào cho một cuộc chiến thương mại, làm hỏng cả vấn đề toàn cầu hóa. Vẫn còn quá sớm để nói rằng điều nào trong 2 kịch bản trên, nếu có xảy ra, sẽ thắng thế. Trong khi đó, các thị trường có thể dao động giữa hy vọng và sợ hãi.

Thứ hai, mặc dù giờ đây Mỹ dường như ít có khả năng bị suy thoái trong một hay hai năm tới, nhưng rủi ro “tăng trưởng của nước Mỹ sẽ kết thúc trong nước mắt vào năm 2019 hay 2020” đã tăng cao.

Đó là vì nhiều sự kích thích tài khóa hơn sẽ làm tăng nhu cầu ở thời điểm mà thị trường lao động gần như đã đầy, và những dấu hiệu đầu tiên về áp lực lương bổng đã bắt đầu xuất hiện. Lương và áp lực lạm phát sẽ gia tăng nếu Tổng thống Trump trở nên nghiêm trọng hơn trong việc ngăn cản thương mại và nhập cư, vốn là những điều mà ông liên tục nhắc đến trong chiến dịch tranh cử. Có thể lúc đầu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ chào đón mức lạm phát cao hơn và chấp nhận không hoàn thành mục tiêu trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, cuối cùng Fed có thể cần phải tăng lãi suất mạnh hơn trong một kịch bản không có kích thích tài khóa và lạm phát (do chi phí thúc đẩy) thông qua chủ nghĩa bảo hộ, điều có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2019 hay 2020.

Thứ ba, sự độc lập của Fed như chúng ta đã biết, có thể chịu nhiều công kích hơn.

Đây là điều mà Fed đã hứng chịu suốt thời gian qua từ những nhân vật bảo thủ của Đảng Cộng hòa và cả Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ít nhất là Chính phủ mới có thể sẽ bổ nhiệm 3 ứng viên “diều hâu” vào 2 vị trí còn trống trong ban điều hành của Fed. Và cũng có thể Fed sẽ có Chủ tịch mới sau khi bà Janet Yellen kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 2/2018. Tất cả những điều này là bình thường, đúng quy định của pháp luật và như vậy  không có gì gọi là “tấn công” vào sự độc lập của Fed. Tuy nhiên, vẫn phải chờ xem chính sách do các nhân vật mới được bổ nhiệm có liên quan thế nào đến quan điểm của Chính phủ mới. Quan trọng hơn là, với đa số đại biểu trong Quốc hội, Đảng Cộng hòa có thể bắt đầu thúc đẩy một số đề xuất để thu hẹp nhiệm vụ của Fed như những nhân vật bảo thủ từng làm trong quá khứ. Có tin đồn cho rằng thay đổi nhiệm vụ của Fed có thể gây ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ.

Thứ tư, mặc cho việc bán đổ bán tháo trên các thị trường trái phiếu đang tiếp diễn, chiến lược kiểm soát đường cong lợi suất mới của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giờ đây thậm chí trông có vẻ “khôn ngoan” hơn và có thể trở thành “hình mẫu” cho các ngân hàng trung ương khác học hỏi, trong đó có thể có cả Fed. Hãy xem một kịch bản mà trong đó gói kích thích tài khóa lớn thúc đẩy lợi suất trái phiếu tăng mạnh đến nỗi các tài sản rủi ro và nền kinh tế Mỹ phải lãnh hậu quả: Để ngăn chặn cơn “thịnh nộ” trên thị trường trái phiếu, ngân hàng trung ương có thể sẽ phải hạn chế đà tăng lợi suất bằng cách can thiệp trực tiếp vào thị trường trái phiếu. Và cách “sạch sẽ” nhất là công bố một mức trần lợi suất và sẵn sàng mua không giới hạn để duy trì mức ấy, nếu cần thiết.

Thứ năm, phản ứng của thị trường đối với việc bầu ông Trump hiện đang mang đến một bài thử nghiêm túc cho thỏa thuận của nhóm 20 quốc gia có nền kinh tế mạnh nhất (G20) ở Thượng Hải hồi đầu năm nay.

Rõ ràng là, đồng USD mạnh quá mức là điều tệ hại cho tất cả mọi người và cần phải ngăn chặn. Trong những ngày gần đây, đồng USD đã mạnh lên không những với các đồng tiền của những thị trường mới nổi mà còn mạnh lên so với đồng Euro và Yên Nhật. Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và BOJ có thể chấp nhận đồng nội tệ của mình suy yếu nếu xét về tình hình lạm phát thấp dai dẳng mà hai quốc gia đang này đang phải hứng chịu, nhưng đồng USD quá mạnh sẽ làm tổn thương các con nợ bằng đồng USD ở những thị trường mới nổi, giá hàng hóa và lĩnh vực năng lượng của Mỹ, và có thể sẽ khiến Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ mạnh tay hơn so với đồng USD nhằm ngăn chặn đà tăng giá liên tục với các đồng tiền khác trong giỏ tiền tệ đặc biệt./.

Các tin tức khác

>   Quốc gia nào sẽ phát hành tiền kỹ thuật số đầu tiên? (22/11/2016)

>   Những yếu tố chi phối cách tiếp cận kinh tế của châu Âu năm 2017 (22/11/2016)

>   Vàng quay đầu tăng nhẹ từ đáy 9 tháng (22/11/2016)

>   Donald Trump: Mỹ sẽ rút khỏi TPP vào ngày đầu tiên ông nhậm chức Tổng thống (22/11/2016)

>   Dầu lên cao nhất 3 tuần sau nhận định của Tổng thống Nga (22/11/2016)

>   Lãnh đạo châu Á ủng hộ TPP bất chấp lập trường của Donald Trump (21/11/2016)

>   10 dự báo kinh tế thế giới 2017 (21/11/2016)

>   5 điều cần biết về cuộc khủng hoảng tiền mặt tại Ấn Độ (21/11/2016)

>   Alibaba đã biến giới giàu ghiền mua sắm thành lực lượng marketing miễn phí như thế nào? (21/11/2016)

>   ​Người dân Venezuela chỉ được rút tiền tối đa 5 USD/ngày (19/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật