Nhật Bản và Trung Quốc can thiệp khi Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP
Hôm thứ Ba (22/11), Nhật Bản một lần nữa tái khẳng định cam kết tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay cả khi Donald Trump cho biết Mỹ sẽ rút khỏi TPP vào ngày đầu tiên ông nhậm chức Tổng thống, hãng tin CNBC cho hay.
Thỏa thuận này được xem là một bước đi quan trọng trong chiến lược của Tổng thống Barack Obama với mục tiêu củng cố vị thế của Mỹ tại châu Á, nơi được nhiều công ty Mỹ xem là khu vực kinh tế năng động nhất thế giới.
Donald Trump cho biết: “Tôi sẽ đưa ra thông báo về ý định rút khỏi TPP - một thảm họa tiềm năng đối với đất nước chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sẽ thương lượng lại các thỏa thuận thương mại song phương nhằm mang việc làm và hoạt động sản xuất trở lại nước Mỹ”.
Trong ngày thứ Hai, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết TPP sẽ trở nên “vô nghĩa” nếu không có Mỹ.
Tuy nhiên, trong một hội nghị tại Tokyo vào ngày thứ Ba, Tổng thư ký nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga, cho biết quốc gia này dự định vận động các quốc gia khác ký kết vào thỏa thuận TPP. Tuy nhiên, ông lại không đưa ra nhận định đối với tuyên bố của Donald Trump.
Phó Chủ tịch Trung tâm Trung Quốc & Toàn cầu hóa, He Weiwen, cho rằng việc Mỹ từ chối tham gia vào TPP sẽ tạo ra một cơ hội tốt dành cho Trung Quốc để đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNBC, ông Weiwen cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận RCEP vào thời điểm cuối năm nay hoặc năm 2017. Đây là một bước đi quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập một thỏa thuận lớn hơn, đó là Khu vực Tự do Thương mại Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP)”.
Bắc Kinh đã đẩy nhanh việc thành lập FTAAP để tạo nền tảng cho sự tự do hóa thương mại tại khu vực Vành đai Thái Bình Dương, và Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ đối với thỏa thuận này vào cuối tuần qua tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Peru.
Ian Bremmer, Chủ tịch tại Eurasia Group, cho hay mặc dù RCEP có tiêu chuẩn thấp hơn TPP, nhưng việc Mỹ không thể tiến tới thỏa thuận TPP khi có sự chuyển giao chính quyền sang Donald Trump cũng có nghĩa “Trung Quốc sẽ là người kiểm soát cuộc chơi” đối với các quốc gia châu Á.
Các nỗ lực nhằm đẩy mạnh các thỏa thuận thương mại cũng như các sáng kiến về quyền lực mềm khác của Trung Quốc đều nhằm mục tiêu củng cố sức ảnh hưởng kinh tế của quốc gia này trên thương trường quốc tế. Trong đó có thể kể đến như chiến lược “một vành đai, một con đường” của Tập Cận Bình và việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Bắc Kinh đứng đầu.
Điều này cũng có nghĩa là giờ đây Trung Quốc đã trở thành quốc gia đầu tàu đối với hoạt động thương mại tự do toàn cầu như ông Tập Cận Bình đã nhận định tại Hội nghị thượng đỉnh cuối tuần qua ở Peru./.
|