Quốc hội thảo luận về Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
Chiều 10/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thay cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Việc ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công này nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2008 là văn bản pháp luật cao nhất lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước. Quá trình triển khai thực hiện, công tác quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước của nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng: Quy mô tài sản phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước, y tế, giáo dục, văn hóa-thể thao và các hoạt động sự nghiệp khác đã tăng lên đáng kể; hiệu quả sử dụng được nâng lên và dần trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội; tình trạng lãng phí, thất thoát trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước dần được khắc phục.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008 và công tác quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước thời gian vừa qua cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như cơ chế quản lý tài sản Nhà nước còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản. Luật cũng chưa điều chỉnh đối với các loại tài sản Nhà nước khác như: Tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu thuộc về Nhà nước, tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đất đai, khoáng sản, rừng, nguồn lợi ở vùng trời, vùng biển, thềm lục địa, tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh, tên miền Internet và các tài nguyên khác.
Quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản Nhà nước bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, tính chuyên nghiệp thấp, còn nặng về hành chính, bao cấp; hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao; vai trò điều tiết của các cơ quan quản lý tài sản công hạn chế nên còn tình trạng nơi thừa, nơi thiếu tài sản, việc sử dụng tài sản sai công năng, sai mục đích gây lãng phí, thất thoát vẫn diễn ra; chưa tách bạch giữa nhiệm vụ quản lý về tài sản Nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng một số loại tài sản Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới về khai thác nguồn lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng. Các cơ quan quản lý chưa nắm được tổng thể về tài sản Nhà nước, công tác hạch toán chưa đầy đủ, thống nhất, chưa gắn quản lý về giá trị với quản lý về hiện vật…
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật trong thời gian vừa qua. Đồng thời, thể chế hóa Điều 53 của Hiến pháp năm 2013 về tài sản công, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quản lý chặt chẽ tài sản công, góp phần khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực từ tài sản công phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Việc sửa đổi này cũng khắc phục một cách hiệu quả những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện hành; luật cần quy định bao quát, thống nhất, cụ thể, đầy đủ phạm vi, đối tượng, nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng các loại tài sản công đã được quy định tại Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm tài sản công được quản lý chặt chẽ, hiệu quả; ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm, xâm hại đến tài sản công; bảo đảm sử dụng tài sản công đúng mục đích, thiết thực vì lợi ích quốc gia.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu nhất trí với việc sửa đổi và ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cho đúng với mục đích, yêu cầu trong công tác quản lý Nhà nước đối với tài sản công hiện nay.
Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho rằng, tài sản công thuộc sở hữu toàn dân nên cần nâng cao hơn nữa vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra tài sản của các cơ quan quản lý Nhà nước chứ không chỉ giao việc giám sát cho riêng Bộ Tài chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng tán thành việc đổi tên và sửa đổi dự án Luật như quan điểm của Ban Soạn thảo.
Tài sản công có nhiều loại như tài sản vô hình, hữu hình, từ đất đai, tài nguyên khoáng sản đến xe cộ và các tài sản khác. Việc quản lý hiện đại, chuyên nghiệp chỉ là bề nổi mà gốc rễ là chính sách quản lý tài sản công như thế nào cho thực sự hiệu quả và phát huy được tài sản hiện có. Do đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể như việc sử dụng, khai thác tài sản công vào kinh doanh thì phải có lãi chứ không chỉ đủ bù vào chi phí quản lý của cơ quan đó.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, cần xem xét thêm các loại tài sản khác như tài sản đặc biệt, tài sản hữu hình, vô hình như quyền sáng chế, bản quyền tác giả vào trong dự thảo Luật.
Đề cập đến việc khoán xe công hiện nay đối với các chức danh được sử dụng xe, đại biểu Mai cho rằng chỉ nên áp dụng với cơ chế tự nguyện bởi chúng ta chưa làm rõ cách tính mức khoán nên mỗi cơ quan có cách tính khác nhau, chưa làm rõ thời điểm, lộ trình áp dụng khoán xe chung cho các cơ quan Nhà nước và chức danh được sử dụng xe.
Riêng việc khoán nhà ở công vụ cho các chức danh, đại biểu Mai nhấn mạnh cần thận trọng vì nếu khoán nhà công vụ thì ngân sách Nhà nước hằng năm sẽ phải chi trả một khoản không nhỏ. Đại biểu này cũng bày tỏ quan điểm không nên dùng tài sản công để kinh doanh thu lợi nhuận.
Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Quoc-hoi-thao-luan-ve-Luat-Quan-ly-su-dung-tai-san-cong/291279.vgp
|