E ngại dự luật Ngoại thương“đẻ” ra nhiều loại giấy phép mới
“Dự thảo đẻ ra nhiều loại giấy phép mới mà không kèm theo bất kỳ quy định nào về điều kiện, căn cứ cấp phép, chỉ quy định duy nhất về cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Bộ Công Thương. Vậy là không minh bạch!”, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc (VCCI)
|
Nhận định về Dự luật này, ông Lộc cho rằng, đã chuẩn bị công phu, nghiêm túc, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều điểm chưa thoả đáng, cần được cân nhắc sửa đổi để góp phần hoàn thiện dự luật.
Về phạm vi điều chỉnh của luật, ông Lộc cho rằng, Dự thảo “ôm đồm” quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả, do vậy, vô hình chung đã khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ.
Ví như, có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan tới ngoại thương, nhưng mang tính đặc thù, đã được quy định ổn định trong các văn bản khác, nhưng lại được thiết kế vào luật này, vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh (thêm quy định), vừa giăng thêm lưới quản lý.
“Các Bộ khác quản rồi, giờ thêm Bộ Công Thương lại quản nữa. Quản chồng lên quản”, ông Lộc nói.
Đại biểu này cũng lấy ví dụ: Quy định về hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, cửa khẩu xuất khẩu-nhập khẩu… lâu nay vẫn thuộc pham vi điều chỉnh Pháp luật hải quan và cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả. Giờ lại quy định vào Luật này. Vừa cồng kềnh vừa làm phát sinh thêm giấy phép mới như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh do Bộ Công Thương cấp)
Ngoài ra, có những vấn đề quản lý đúng là liên quan tới ngoại thương, đúng là chưa được quy định ở đâu cả, nhưng lâu nay các hoạt động vẫn diễn ra bình thường, không gặp vướng mắc khó khăn gì, vậy sao giờ lại phải bổ sung quy định, phải quản lý?
“Mục tiêu của Luật này theo tôi hiểu là luật để hệ thống hóa việc quản lý chứ không phải là gia tăng mức độ, tầng nấc quản lý đối với hoạt động ngoại thương. Ví như quy định về đại lý mua bán hàng hóa quốc tế, ủy thác và nhận ủy thác xuất khẩu nhập khẩu, gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài mà lâu nay vẫn thực hiện theo Luật Thương mại và không có vấn đề gì phát sinh. Vậy cớ gì phải bổ sung thêm cơ chế quản lý đối với các hoạt động này? Có những vấn đề không chỉ liên quan tới ngoại thương, mà còn liên quan tới rất nhiều lĩnh vực khác, quy định vào Luật này lại thành ra xé lẻ cơ chế quản lý, làm giảm hiệu quả chung.”, đại biểu Lộc chia sẻ quan điểm.
Về ý nghĩa, hiệu lực của Luật, theo quan điểm của ông Lộc, “mục tiêu lớn nhất của Luật này là thống nhất được các biện pháp quản lý ngoại thương mà lâu nay đang được quy định ở rất nhiều các văn bản, bởi nhiều cơ quan, khiến cho cơ chế quản lý ngoại thương thiếu thông nhất, không minh bạch, gây cản trở cho doanh nghiệp. Với thiết kế như dự thảo thì dường như Luật đã chưa đạt được mục tiêu này”.
Ông Lộc đưa ví dụ cụ thể, vấn đề về quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng thời cho rằng đây đang là vấn đề nóng bỏng trong thực tiễn xuất nhập khẩu. Hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 1/3 tổng lượng hàng hóa và thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm tới hơn 70% thời gian thông quan. Hải quan có cải cách bao nhiêu thì cũng không đủ bởi phần lớn vướng mắc nằm ở khâu kiểm tra chuyên ngành. Mà kiểm tra chuyên ngành thì thuộc thẩm quyền quy định của rất nhiều Bộ (hiện có 12 Bộ có kiểm tra chuyên ngành)...
http://toquoc.vn/kinh-te/e-ngai-du-luat-ngoai-thuongde-ra-nhieu-loai-giay-phep-moi-217957.html
|