Nhịp đập Thị trường 24/11: Gần xóa tan thành quả tăng từ đầu tuần
VN-Index đóng cửa ở mức 678.18 điểm, giảm 0.73%. HNX-Index giảm nhẹ hơn, -0.27% về 81.18 điểm. Thành quả tăng điểm kể từ đầu tuần đang mất dần, dù không có thông tin vĩ mô tiêu cực nào tác động.
Nhóm ngân hàng đang giảm mạnh hơn so với phiên sáng, nhất là CTG (-2.1%), và có thể coi là yếu tố chính khiến VN-Index đi xuống trong cả ngày hôm nay, bên cạnh yếu tố bán ròng của khối ngoại trên các mã Large Cap khác.
Khối ngoại đã bán ròng hơn 1.4 triệu cp VNM, khiến giá giảm 1.7%. Tổng cộng 10 phiên gần đây, VNM đã bị khối ngoại bán ròng hơn 3.7 triệu cổ phiếu, tức khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, có khả năng các tổ chức ngoại (đã đăng ký bán từ cuối tuần trước) sẽ kết thúc đợt bán trong cuối tuần này, mang lại cơ hội cho người mua VNM trong tuần sau.
MSN chốt giá đóng cửa chỉ còn tăng 1.1% , trong khi đã tăng tăng hơn 5.4% trong phiên sáng. Khối ngoại đã canh đúng lúc NĐT nội hưng phấn với tin chia thưởng mà bán ròng gần 300,000 cổ phiếu. Cộng với lượng bán ròng ngày hôm qua (cũng là ngày ra tin), MSN đã bị khối ngoại bán 400,000 cổ phiếu. Nếu khối ngoại tiếp tục bán trong ngày mai, rất khó kỳ vọng giá MSN tăng.
ACV đã đổ đèo 10.6% phiên đầu tiên sau 3 phiên tăng trần hoặc sát trần, cũng là 3 phiên đầu tiên kể từ khi lên sàn. Khối ngoại đã mua ròng hơn 500,000 cổ phiếu và rõ ràng, họ không hề có ý định đỡ giá cổ phiếu, mà chỉ mua ở mức giá mà người bán “đạp” xuống (nhiều khả năng là bán chốt lời).
PC1 đã giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp, và giá cổ phiếu này đã về sát mức chào sàn (37,700 đồng so với 36,000 đồng/cp) cách đây hơn 1 tuần. Nhiều khả năng đây vẫn là hoạt động chốt lời, bởi giá PC1 vẫn cao hơn rất nhiều so với giá cổ phiếu hồi phát hành thêm cách đây 1 năm (khoảng 22,000 đồng/cp).
Trên sàn HOSE, TMT và KSH tiếp tục tăng trần phiên thứ 5 liên liếp. Nếu tính từ đầu tháng 11 đến nay, giá cổ phiếu KSH sắp tăng gấp 3 lần, giá TMT tăng gần gấp 2 lần, trong tình hình doanh nghiệp không hề có công bố thông tin gì nổi bật, cũng như kết quả sản xuất kinh doanh quý 3 suy giảm mạnh. Tuy nhiên, bất ngờ nhất lại có lẽ là TCM (tăng trần 6.9% lên 16,300 đồng/cp) sau khi có tin TPP bị Mỹ đòi hủy bỏ. Lưu ý rằng TCM là 1 tên tuổi lớn trong ngành dệt sơi và may mặc và có quy mô vốn hóa khá lớn trên sàn HOSE. NĐT nên chú ý mã này trong phiên ngày mai.
Nhóm cổ phiếu dược liệu niêm yết gần như là nhóm tăng giá đều nhất trong hôm nay. Nhóm trồng cây cao su tuy tăng giá trong phiên sáng, nhưng đến phiên chiều đã có sự phân hóa, dù giá cao su trên sàn Tocom – Tokyo vẫn đang tăng khá mạnh.
Dù có thông tin sẽ được đưa vào 1 hoặc cả 2 ETF (MVIS và FTSE), nhưng dường như NĐT vẫn không hào hứng, cụ thể giá HSG và CII chỉ tăng nhẹ, riêng ROS giảm gần sàn (6.65%). Có lẽ đợt review của các ETF diễn ra trong bối cảnh dòng tiền nóng FII đang bị rút ròng khỏi các thị trường mới nổi sau sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ, không có tác dụng nào tích cực và vẫn khiến NĐT e ngại hơn là đua lệnh theo.
Phiên sáng: Nhóm VN30 vẫn tích cực
VN-Index đã giảm 3.8 điểm (-0.56%) trong phiên sáng nay, tuy nhiên VN30 lại tăng nhẹ 0.15%. Trong nhóm VN30, tỷ lệ số cổ phiếu tăng – giảm giá khá cân bằng (14 tăng : 12 giảm), tuy nhiên VN30 tăng có lẽ nhờ GMD, MSN, HSG và HAG.
Có lẽ VN-Index giảm điểm ngoài 2 cổ phiếu có trọng số lớn là BID và VNM, còn do ROS, khi cổ phiếu này đang giảm đến 6.65%, chỉ còn cách giá sàn chừng 4 lines.
Thông tin nổi bật trong phiên sáng là tỷ giá. Theo số liệu tổng hợp từ các ngân hàng, tỷ giá bán ra sáng nay đã gần sát mốc 22,800 đồng/USD.
VN-Index giảm có lẽ do tác động từ 2 yếu tố, thứ nhất là các lệnh bán của khối ngoại. Các mã vốn hóa lớn mà giảm điểm như VIC, VNM, VCB, đều có hiện tượng khối ngoại bán ròng, nhất là VNM. Thứ hai là đa số cổ phiếu nhóm ngân hàng đều giảm giá (trừ MBB và NVB).
Đối với các cổ phiếu lớn mới lên sàn UPCoM, ACV đã giảm rất mạnh (-10.4%) cho dù khối ngoại mua ròng gần 400,000 cổ phiếu. PC1 thậm chí đã dư bán sàn gần 310,000 cổ phiếu. Cách đặt bán sàn của PC1 có vẻ giống như chiều hôm qua, tức là lệnh bán rất lớn đặt hẳn ở mức giá sàn, sau đó bên mua mới “tỉa dần dần”.
Nhóm cổ phiếu bia trên sàn UPCoM tất cả đều giảm giá theo BHN, thậm chí BHP đã giảm 12.2% so với hôm qua, và giảm đến 54% so với mức đỉnh 35,900 đ/cp cách đây 2 tuần. Với diễn biến này, thật khó mà kỳ vọng vào 1 đợt tăng giá mới cho nhóm cổ phiếu bia nếu Sabeco lên sàn.
VNM tiếp tục giảm 1.15% do khối ngoại bán ròng 530,000 cổ phiếu, hiện giá VNM đã về mức 137,400 đồng/cp, gần sát mức giá đóng cửa cuối tuần trước.
Trong số các cổ phiếu tăng trần vào phiên sáng (8 mã trên HOSE và 13 mã trên HNX), bất ngờ nhất có lẽ là TCM, trong khi thông tin về việc tổng thống Mỹ đòi hủy ngay TPP đang được coi là ảnh hưởng nhiều đến triển vọng của ngành dệt may da giày, đồng thời kết quả SXKD Q3 của TCM không được tốt.
10h45: VN-Index về dưới 680 điểm
Lực bán mạnh dần, đặc biệt rơi vào nhóm vốn hóa lớn khiến VN-Index đã suy giảm và giao dịch dưới mốc 680 điểm.
Theo đó, ROS đang là mã giảm hơn 6%, cùng với VNM,VIC, VCB... là nguyên nhân chính kéo thị trường đi xuống. Chỉ số VN-Index đến 10h45 đang giao dịch sát 679 điểm với khối lượng giao dịch trên sàn này chỉ hơn 42 triệu đơn vị, tương ứng 825 tỷ đồng.
Mở cửa: Mua bán dò xét
VN-Index mở cửa ở mức 683.61 điểm, HNX-Index mở cửa ở mức 81.4 điểm, cả 2 chỉ số hầu như không thay đổi so với cuối ngày giao dịch hôm trước. Có vẻ hai bên mua bán đang chờ nhau ra lệnh trước.
MSN tiếp tục tăng giá nhưng không còn dư trần mà chỉ tăng khoảng 4.5%, và đang bị khối ngoại bán ròng nhẹ. Lưu ý là ngoài thông tin về chi trả cổ tức và thưởng cổ phiếu, MSN cũng có ý định phát hành trái phiếu quốc tế trị giá 300 triệu USD.
CII và HSG tiếp tục chuỗi ngày tăng giá sau khi được ACBS dự báo sẽ được mua thêm trong kỳ review tới của ETF MVIS, tuy nhiên ROS đang giảm giá dù ACBS dự báo ROS lại sẽ được ETF FTSE mua vào khoảng 5.4 triệu cp.
Nhóm trồng cây cao su tiếp tục tăng giá khi giá cao su thiên nhiên trên sàn Tocom tăng gần 50% so với mức đáy hồi tháng 7.
ACV bước sang phiên GD thứ 4. nhưng đang giảm 7%. Tương tự PC1 và BHN cũng đang giảm giá, riêng PC1 đang giảm về gần mức giá đóng cửa của ngày giao dịch đầu tiên. Hiện tượng lên sàn UPCoM và tăng giá mạnh kéo dài nhiều phiên như BHN có vẻ đã không còn.
VNM tiếp tục bị khối ngoại bán ròng phiên thứ 5 liên tiếp tính đến lúc này, và nếu tính 10 phiên gần đây thì giá trị bán ròng đã lên tới hơn 300 tỷ đồng. Thực ra điều này không có gì bất ngờ, bởi từ thứ Năm tuần trước, 1 số quỹ ngoại đã đăng ký bán cổ phiếu này. Cũng trong tuần này, lãnh đạo VNM đã thông báo về việc đấu giá công khai lượng cổ phần tỷ lệ 9% do SCIC nắm giữ cho mọi NĐT qua HOSE trong tháng 12 tới, chứ không thông qua đấu giá hạn chế cho một số tổ chức như dự báo trước đó. Giá đấu bình quân thành công sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến giá cổ phiếu này trên sàn.
|