Ngành dệt may đang gặp thách thức trước rủi ro xóa bỏ TPP
Trong năm 2017, tổng cầu dệt may thế giới dự báo tăng trưởng chậm, đặc biệt với việc Brexit và cả 2 ứng cử viên tranh chức tổng thống Mỹ đều không ủng hộ TPP sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang 2 thị trường lớn là EU và Mỹ.
Theo đó, dự kiến nếu không có chính sách đột phá, cụ thể là các chính sách hỗ trợ ngành dệt may thì kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 của ngành sẽ chỉ tăng khoảng 5 - 7% so với năm 2016. Đó là thông tin đưa ra tại buổi làm việc giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) với nội dung tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2016.
Về tình hình nhập khẩu bông 10 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam ước đạt 1.38 tỷ USD, giảm 2.32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2015; nhập khẩu xơ sợi các loại đạt 1.3 tỷ USD, tăng 3.6% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch nhập khẩu vải các loại ước đạt 8.38 tỷ USD, tăng nhẹ 0.7% so với cùng kỳ; nhập khẩu NPL khác ước đạt 2.92 tỷ USD, giảm 1.18 % so với cùng kỳ.
Về tình hình hoạt động của các dự án đầu tư, Tập đoàn dệt may đã triển khai thực hiện 60 dự án bao gồm 9 dự án sợi, 9 dự án dệt nhuộm, 17 dự án may, 6 dự án nâng cấp sửa chữa thay thế máy móc thiết bị và 19 dự án khác, trong đó bao gồm 21 dự án chuyển tiếp, 22 dự án đã hoàn thành và 17 dự án khởi công mới. Tổng mức đầu tư toàn Tập đoàn là 7,513 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ Tập đoàn làm chủ đầu tư 8 dự án.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may cũng đã đưa ra các dự báo về tác động ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh dệt may năm 2017, trong đó có sự cạnh tranh đến từ các quốc gia xuất khẩu dệt may trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan. Đặc biệt, trong năm 2017, trước tình hình cả 2 ứng cử viên tranh chức tổng thống Mỹ đều không ủng hộ TPP sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang 2 thị trường lớn là EU và Mỹ./.
|