GMD, VC3, DQC và DGW đáng để đầu tư?
GMD, VC3, DQC và DGW là các cổ phiếu được các công ty chứng khoán (CTCK) cho rằng có triển vọng trong ngắn hạn và khuyến nghị mua hoặc nắm giữ trong thời gian này.
GMD: Mua nhờ vị thế dẫn đầu
CTCK Bản Việt (VCSC) khuyến nghị mua cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept dựa trên vị thế dẫn đầu ngành cảng và logistics của Công ty, giá mục tiêu 30,600 đồng/cp.
Theo VCSC, lĩnh vực điều hành cảng của GMD sụt giảm 7.5% trong quý 3/2016, mạnh hơn nhiều so với con số 0.5% hồi 6 tháng đầu năm do lượng container lạnh giảm mạnh. Tuy nhiên, tăng trưởng lĩnh vực điều hành cảng dự báo sẽ phục hồi trong quý 4 nhờ việc hoàn tất giai đoạn 1 dự án nâng cấp cảng Nam Hải – Đình Vũ trong tháng 8. Khi giai đoạn 2 việc dự án được hoàn tất vào cuối tháng 11, công suất cảng Nam Hải – Đình Vũ sẽ tăng lên 650,000 – 700,000 Teu, cao hơn 30% - 40% so với công suất thiết kế ban đầu.
Ngoài ra, trung tâm phân phối Hậu Giang đã đi vào hoạt động hồi tháng 10/2016 và sẽ mang lại doanh thu lớn từ năm 2017 trở đi, sau khi hoàn tất giai đoạn chạy thử. Cụm DC Nam Hải, trung tâm phân phối lớn nhất của GMD tại miền Bắc, nhiều khả năng sẽ đi vào hoạt động trong quý 1/2017, và cùng với cảng Nam Hải, sẽ tạo thành cụm logistic khép kín tại Hải Phòng để đón đầu dòng FDI ngày càng lớn chảy vào thành phố này.
GMD hiện đang giao dịch tại mức P/E 2016 là 12.9 lần, tương đối thấp so với các công ty khác trong ngành, đặc biệt khi lĩnh vực cốt lõi của GMD có triển vọng tăng trưởng mạnh, và khoản lỗ ảnh hưởng đến kết quả lợi nhuận năm 2016 chỉ mang tính chất bất thường.
Xem thêm tại đây
VC3: Mua với giá mục tiêu 42,800 đồng/cp
CTCP Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị mua cổ phiếu VC3 của CTCP Xây dựng số 3 với giá mục tiêu 42,800 đồng/cp.
Theo MBS, kinh doanh bất động là hoạt động cốt lõi của VC3 trong những năm qua. Mảng kinh doanh này đang có sự tăng trưởng cao, từ tỷ trọng 0% năm 2004, đến năm 2015 là 65% tổng doanh thu, và 6 tháng đầu năm 2006 là 83% tổng doanh thu. Trong những năm tiếp theo, lĩnh vực này sẽ đóng góp 70 - 80% doanh thu và đóng góp phần lớn vào lợi nhuận cho VC3.
Hiện nay, VC3 đã và sẽ triển khai thực hiện một số dự án kinh doanh phát triển nhà, khai thác và đầu tư kinh doanh các chợ có quy mô lớn như dự án 310 Minh Khai, dự án Trung Văn, dự án khu dân cư số 5 Phan Đình Phùng, Thái Nguyên, dự án Khu dân cư Phổ Yên- Thái Nguyên, dự án siêu thị văn phòng cho thuê - 389 Đê La Thành, Hà Nội…
Quỹ dự án bất động sản đang tập trung phần lớn tại các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Thái Nguyên, Thái Bình,… Đây cũng là khu vực mà sự phát triển các khu công nghiệp diễn ra mạnh mẽ, thu hút số lượng lao động lớn, là vùng kinh tế trọng điểm. Vì vậy, nhu cầu nhà ở trong và xung quanh khu vực thành phố rất tiềm năng và sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt từ đối tượng công nhân, người lao động, người có thu nhập trung bình và ổn định.
Ngoài ra, theo Nghị quyết HĐQT mà VC3 đã công bố về việc đồng ý phương án đầu tư cổ phần CTCP Vật liệu xây dựng Hà Nội (CMC Hà Nội) thì VC3 dự kiến sẽ mua tối đa 5.7 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 95% vốn điều lệ của CMC Hà Nội. Khoảng giá mua hợp lý dự kiến tối đa 35,000 đồng/cp. Sau thương vụ M&A này, CMC Hà Hội sẽ trở thành công ty con của VC3. Với mạng lưới kinh doanh rộng và lợi thế quỹ đất khá lớn của CMC Hà Nội tại các vị trí đắc địa như Hàng Bồ, Bà Triệu, Khâm Thiên, Cát Linh, Thụy khuê… sẽ góp phần giúp VC3 gia tăng lợi thế về quỹ đất và giúp VC3 dễ dàng triển khai thêm các dự án mới trong thời gian tới.
Xem thêm tại đây
DQC: Lợi thế từ xu hướng chuyển đổi sang đèn LED
VCSC đánh giá khả quan đối với cổ phiếu DQC của CTCP Bóng đèn Điện Quang khi công ty tiếp tục tận dụng lợi thế của xu hướng chuyển đổi từ sản phẩm chiếu sáng truyền thống sang LED tại Việt Nam, giúp bù đắp cho khó khăn của xuất khẩu. Giá mục tiêu của cổ phiếu DQC là 83,100 đồng/cp.
Trên cơ sở nhận định của ban lãnh đạo, VCSC ước tính doanh thu từ thị trường trong nước 9 tháng đầu năm 2016 tăng mạnh hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ doanh thu từ các sản phẩm LED tăng mạnh, qua đó tổng doanh thu tăng trưởng 13%. Điều này cho thấy sự xâm nhập của sản phẩm đèn LED tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng của DQC và dự báo doanh thu cả năm từ các sản phẩm LED sẽ tăng 150%
Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh (HĐKD) 9 tháng đầu năm 2016 đạt 13%, thấp hơn so với 14.5% cùng kỳ năm ngoái, khi Công ty hoàn nhập dự phòng hàng tồn kho trị giá 13 tỷ đồng, sau khi thanh lý thành công một phần hàng tồn kho. Nếu không tính khoản mục này, lợi nhuận từ HĐKD điều chỉnh đã tăng 17% trong 9 tháng đầu năm 2016, thay vì đi ngang.
Trong 9 tháng đầu năm, mặc dù lợi nhuận từ HĐKD theo báo cáo là đi ngang nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 15.5% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ ghi nhận tiền phạt từ đối tác Cuba (17.5% lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm), chi phí lãi vay và lỗ từ chênh lệch tỷ giá không đáng kể vì kể từ quý 4/2015 đến nay, DQC không hề có nợ.
Mặt khác, nhà máy LED mới của DQC đi vào hoạt động từ quý 1/2016, sẽ được miễn thuế trong 4 năm đầu hoạt động và được giảm 50% thuế trong 9 năm tiếp theo. DQC sẽ chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất các sản phẩm LED sang nhà máy này. Do đó, VCSC cho rằng thuế suất dành cho DQC sẽ giảm vì đóng góp từ nhà máy này sẽ tăng song song với doanh thu của các sản phẩm LED trong cơ cấu tổng doanh thu.
Xem thêm tại đây
DGW: Mua với giá mục tiêu 28,000 đồng/cp
CTCK Bảo Việt (BVS) khuyến nghị mua cổ phiếu DGW của CTCP Thế Giới Số với giá mục tiêu 28,000 đồng/cp.
Đầu tháng 10/2016, DGW đã bắt tay với FREETEL và chính thức trở thành nhà phân phối và cung cấp dịch vụ phát triển thị trường cho FREETEL. Sự phối hợp giữa chiến lược phát triển thị trường mà DGW đang hoạch định cùng giá trị cốt lõi đến từ thương hiệu điện thoại Nhật Bản này là tiền đề tạo nên tăng trưởng cho DGW trong quý 4/2016.
Bên cạnh đó, nỗ lực đẩy mạnh phát triển thị trường trong quý 3 vừa qua của DGW cũng sẽ bắt đầu ghi nhận thành quả trong quý 4 này. BVS ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ trong quý 4/2016 đạt lần lượt 1,180 tỷ đồng và 28 tỷ đồng, tăng trưởng 25% và 50% so với cùng kỳ.
Trong mảng điện thoại di động, nếu như năm 2014 doanh thu từ Nokia đạt 2,451 tỷ đồng, năm 2015 đạt 879 tỷ đồng thì trong năm 2016 sẽ không còn sự xuất hiện của doanh thu Nokia trong cơ cấu doanh thu của DGW. Sự sụt giảm mạnh này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của DGW, tuy nhiên nhờ có sự tăng trưởng vượt bậc ở nhóm hàng Wiko, Obi, Intex và sắp tới là Freetel mà doanh thu trong năm 2016 của DGW chỉ giảm nhẹ.
Theo BVS, doanh thu năm 2016 của DGW ước đạt 3,970 tỷ đồng, giảm 5.6% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ vào khoảng 84 tỷ đồng, giảm 18%; theo đó EPS 2016 có thể đạt 2,744 đồng. Lợi nhuận giảm mạnh hơn do DGW tăng chi phí bán hàng phục vụ cho những mảng dịch vụ mới cung cấp mà theo BVS, hiệu quả sẽ được phản ánh vào kết quả kinh doanh trong những năm tới.
Xem thêm tại đây
.......................................
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.
|