Cổ phiếu nào được kỳ vọng tăng trưởng trong tương lai?
FCN, PHR, VCB và PVT là các cổ phiếu được các công ty chứng khoán (CTCK) khuyến nghị mua hoặc nắm giữ trong thời gian này.
FCN: Tiềm năng tăng trưởng cao nhờ mở rộng thị trường
CTCK Bản Việt (VCSC) khuyến nghị nhà đầu tư mở vị thế đối với cổ phiếu FCN của CTCP Fecon trong 3 - 6 tháng do có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ sự mở rộng thị trường tại miền Nam và nước ngoài.
Theo VCSC, FCN hiện đã có vị thế vững chắc ở thị trường miền Bắc nên Công ty đang cố gắng thâm nhập thị trường miền Nam và bước đầu đã có những tiến triển khả quan thông qua việc thành lập công ty con Fecon South vào tháng 6/2016 với nhiệm vụ hỗ trợ FCN mở rộng hoạt động vào miền Nam - khu vực có nhiều dự án tiềm năng.
FCN cũng hợp tác với Raito, một công ty xây dựng của Nhật Bản để thành lập Raito-Fecon (RFI) - công ty chuyên xây dựng công trình ngầm tại Việt Nam và xa hơn là hướng đến các nước ASEAN. Ngoài ra, Fecon Rainbow cũng được thành lập để thực hiện các công trình của Raito tại Myanmar. Việc xâm nhập vào thị trường miền Nam và thị trường nước ngoài sẽ giúp FCN gia tăng số lượng dự án trong tương lai.
FCN cho biết các hợp đồng mới ký tính đến cuối quý 3/2016 có tổng giá trị 45 triệu USD. Ngoài số hợp đồng mới này, FCB dự kiến sẽ có thêm hợp đồng khoảng 400 - 500 tỷ đồng, nâng tổng giá trị dự án năm 2016 lên 3,000 tỷ đồng. Phần lớn dự án cung cấp và xây dựng cọc sẽ hoàn tất trong thời gian 3 - 4 tháng và sẽ được ghi nhận trong năm nay. VCSC ước tính có khoảng 1,000 tỷ đồng sẽ được chuyển sang năm 2017, qua đó kích thích tăng trưởng doanh thu.
VCSC cho rằng lĩnh vực xây dựng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017. Vì FCN có lợi thế về giá và được hỗ trợ công nghệ cao, VCSC dự báo doanh thu 2017 của FCN sẽ đạt 2,640 tỷ đồng, trong đó có 40 triệu USD sẽ được chuyển sang năm 2016. Việc hợp tác với hai công ty nước ngoài sẽ giúp biên lợi nhuận gộp tăng, đạt khoảng 16% so với 15.3% năm 2016.
Xem thêm tại đây
PHR: Hưởng lợi từ sự hồi phục giá cao su
CTCP Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu PHR của CTCP Cao su Phước Hòa nhờ triển vọng kinh doanh lạc quan cùng với đà hồi phục của giá cao su thế giới. Cổ phiếu PHR có giá hợp lý ở mức 29,000 đồng/cp.
Giá cao su đã giảm rất mạnh và liên tục trong vòng 3 năm qua. Theo số liệu quá khứ thì giá cao su đã mất đến 70% giá trị trong giai đoạn này và hiện đang đang đứng quanh mốc 1,745 USD/tấn. Hiện tại, giá cao su đang test lại đáy cũ của năm 2008 và đang hồi phục tích cực trở lại. So với thời điểm đầu năm 2016 ( 1,175 USD/tấn) thì giá cao su đã tăng 48%. Ngoài ra hiện tượng La Nina nối tiếp El Nino sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng cao su tự nhiên trong ngắn hạn.
Việc giá cao su có mức tăng nhẹ trong quý 3/2016 là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nói chung và PHR nói riêng. Theo dữ liệu lịch sử, nửa cuối năm, mức tiêu thụ của các doanh nghiệp thường cao hơn so với những tháng đầu năm. Vì vậy, sự hồi phục của giá cao su thế giới nửa cuối năm đóng vai trò quyết định đến tình hình lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Năm 2015, PHR đã hoàn tất trồng 7,662 ha vườn cây kiến thiết cơ bản theo đúng quy trình kỹ thuật, vườn cây sinh trưởng tốt. Kế hoạch năm 2016, Công ty sẽ bắt đầu khai thác 503 ha vườn cây được trồng năm 2009. MBS dự phóng năng suất vườn cây đạt khoảng 1.7 tấn/ha (do đây là năm đầu đưa vào khai thác), sản lượng khai thác năm 2016 đạt 850 - 900 tấn tương đương doanh thu dự kiến đạt 275 tỷ đồng.
MBS dự phóng sản lượng tiêu thụ cao su của PHR đạt khoảng 33,000 tấn sản phẩm với giá bán trung bình 30.5 triệu đồng/tấn (giảm 3% so với cùng kỳ) do ảnh hưởng tích cực từ đà tăng của giá cao su thế giới. Doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi ước đạt gần 1,000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 dự kiến khoảng 166 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 2,047 đồng.
Xem thêm tại đây
VCB: Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao cho năm 2016 và 2017
VCSC đánh giá khả quan đối với cổ phiếu VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam do kỳ vọng Ngân hàng có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2016 và 2017, cùng với việc tăng cường trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC sẽ làm giảm chi phí dự phòng cho các năm tới. Giá mục tiêu VCB được nâng lên 39,750 đồng/cp.
Theo VCSC, nhờ lợi nhuận cao và dự phòng đầy đủ, VCB sẽ có thể ghi nhận hoàn toàn dự phòng cho trái phiếu VAMC vào cuối năm nay. Ngoài ra, ngân hàng đã giảm xóa nợ để tập trung dự phòng cho trái phiếu VAMC vì cả hai hoạt động này đều tăng chi phí dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Do đó, VCSC điều chỉnh tăng dự báo chi phí dự phòng và điều chỉnh giảm dự báo xóa nợ cho năm 2016, đồng thời dự báo VCB sẽ không dự phòng cho trái phiếu VAMC từ năm 2017 trở đi.
Nguồn vốn từ việc phát hành 8 nghìn tỷ trái phiếu và 10% phát hành riêng lẻ không chỉ giúp tăng tỷ lệ CAR mà còn giảm sức ép trong việc huy động tiền gửi. Tuy một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động trong thời gian qua, nhưng điều này đã không xảy ra trên diện rộng do tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung/dài hạn sẽ giảm từ 60% hiện nay xuống 40% năm 2018 nên khó có điều kiện để giảm lãi tiền gửi. Vốn huy động từ phát hành trái phiếu sẽ giúp tăng nguồn vốn và được tính là vốn trung/dài hạn cùng với số tiền huy động từ đợt phát hành riêng lẻ tỷ lệ 10%. Vì vậy, VCB sẽ chịu ít áp lực hơn đối với việc tăng tiền gửi, nên sẽ có lợi cho chi phí huy động.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước và sau thuế của VCB tăng trưởng mạnh, lần lượt 36% và 40% so với cùng kỳ (tương ứng 6,300 tỷ và 5,100 tỷ đồng). Trong đó, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh tăng 16%, nhưng chi phí dự phóng giảm 4% đã làm tăng mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế. Điều này đã phản ánh tác động của chi phí dự phòng đối với lợi nhuận ròng và nếu VCB có thể trích lập toàn bộ dự phòng cho trái phiếu VAMC trong năm nay, ngân hàng sẽ không cần dự phòng cho trái phiếu VAMC nữa và chi phí dự phòng sẽ giảm trong các năm tới, qua đó giúp tăng trưởng lợi nhuận cao hơn.
Xem thêm tại đây
PVT: Khả quan nhờ các dự án tăng công suất hoạt động
CTCK VietcomBank (VCBS) nhận định khả quan đối với cổ phiếu PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí do có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt khi các dự án tăng công suất hoạt động.
Theo VCBS, năm 2016, hoạt động kinh doanh vận tải và kho nổi của PVT sẽ tăng trưởng tốt, ngoài ra tỷ giá được giữ ở mức ổn định cả năm giúp cho PVT tăng trưởng tốt cả về doanh thu và lợi nhuận. Dự báo doanh thu 2016 đạt 6,486 tỷ đồng (tăng trưởng 12.6% và vượt 30% kế hoạch 2016), lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 425 tỷ đồng (tăng 15.6% so với năm trước và vượt 21% kế hoạch), do đó EPS forward 2016 là 1,482 đồng.
Tổ máy số 1 nhiệt điện Vũng Áng 1 đã chạy được 100% công suất từ tháng 9/2016 và tổ máy số 2 sẽ hoạt động tối đa công suất trong 2017. Do đó VCBS dự báo Vũng Áng 1 sẽ chạy khoảng 80% công suất cho cả năm 2017, tương ứng khoảng 1.2 triệu tấn than. Ngoài ra, nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 dự kiến chạy thử vào giữa năm 2017, sản lượng than PVT vận chuyển dự báo đạt khoảng 500 nghìn tấn. Như vậy hoạt động vận chuyển than có thể đem lại cho PVT khoảng 265 tỷ đồng doanh thu (tăng trưởng 77%) trong năm 2017.
Ngoài ra, nhà máy GPP Cà Mau dự kiến sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2017 có công suất khoảng 207,500 tấn/năm. Với giả định nhà máy chạy với 30% công suất trong năm đầu tiên, VCBS dự báo sản lượng LPG vận chuyển cho nhà máy mới này sẽ đạt 62,250 tấn LPG. Bên cạnh đó, PVT dự kiến sẽ đầu tư tàu VLGC dung tích 85,000 m3 (1,353 tỷ đồng), 1 tàu chở LPG dưới 4,000 DWT (140 tỷ đồng) và 2 xà lan 700 DWT (135 tỷ đồng) để đón đầu dự án này. Theo đó, doanh thu vận tải LPG 2017 ước đạt 752 tỷ đồng, tăng 9.6% so với năm trước.
Xem thêm tại đây
.......................................
Khuyến nghị mua bán cổ phiếu của các công ty chứng khoán được trích dẫn lại có giá trị như một nguồn thông tin để nhà đầu tư tham khảo cho các quyết định đầu tư. Các khuyến nghị này có thể có những xung đột lợi ích với nhà đầu tư.
|