Điều gì sẽ xảy ra nếu không ai... thắng cử Tổng thống Mỹ?
Đến hẹn lại lên, cứ 4 năm 1 lần, người Mỹ lại đi bầu Tổng thống. Trong lịch sử đất nước non trẻ này đã từng có chuyện ứng viên nhận được nhiều phiếu bầu nhất nhưng vẫn... thua. Rồi có những cuộc bầu cử sít sao đến nỗi phải giải quyết mọi chuyện ở... tòa án. Và trong tình hình khó đoán định như năm nay, người ta lại đặt câu hỏi “Liệu có thể có chuyện không ứng viên nào thắng cử không?” Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một số vấn đề xoay quanh câu hỏi thú vị trên:
1. Liệu có thể có chuyện không ứng viên nào thắng cử không?
Theo luật pháp Mỹ, để thắng cử, ứng viên cần phải đạt được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, nghĩa là chiếm quá bán của tổng số 538 phiếu đại cử tri được phân cho 50 bang và thủ đô Washington, D.C. Một “tỷ số” hòa là điều hoàn toàn có thể xảy ra, dù trong lịch sử chưa hề có chuyện này. Năm nay khả năng đó được cho là là khá cao. Ứng viên độc lập Evan McMullin có thể sẽ thắng ở bang quê nhà Utah và theo quy định sẽ thắng luôn 6 phiếu đại cử tri ở đây, mà nếu không thì đã rơi vào tay ứng viên Donald Trump, vì bang này khá ủng hộ Đảng Cộng hòa. Điều đó làm tăng khả năng cả ông Trump lẫn bà Clinton đều không đạt đủ tối thiểu 270 phiếu đại cử tri theo quy định.
2. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?
Cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống sẽ tiếp tục diễn ra ở... Hạ viện. Hạ viện sẽ chọn ra một người trong 3 ứng viên đạt số phiếu cao nhất, và trong kịch bản giả định này có thể đó sẽ là ông Trump, bà Clinton và ông McMullin. Mỗi đoàn đại biểu của 50 bang chỉ được quyền có một phiếu, ngay cả bang California là bang lớn nhất với 53 thành viên cũng chỉ được một phiếu. Ứng viên nào đạt được sự ủng hộ của ít nhất 26 đoàn đại biểu (nghĩa là đạt ít nhất 26 phiếu) sẽ trở thành Tổng thống.
3. Người đại diện đoàn đại biểu của mỗi bang được quyết định như thế nào?
Các thành viên của mỗi đoàn đại biểu ở mỗi bang sẽ có một cuộc bầu cử nhỏ trước, có thể là một cuộc bỏ phiếu kín (và dĩ nhiên điều này là không cần thiết với các đoàn đại biểu chỉ có... 1 thành viên như các bang Alaska, Delaware, Montana, North Dakota, South Dakota, Vermont và Wyoming). Người thắng trong cuộc bỏ phiếu kín trên sẽ đại diện cho bang đó.
4. Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc bỏ phiếu kín của một đoàn đại biểu ở mỗi bang có “tỷ số” hòa?
Lá phiếu của bang đó sẽ không được tính.
5. Thế thủ đô Washington, D.C thì sao?
Mặc dù các công dân thủ đô được tham gia bỏ phiếu trong các kỳ bầu cử Tổng thống, nhưng đoàn đại biểu của họ tại Quốc hội lại không được bỏ phiếu trong vòng bầu cử “bất ngờ” này.
6. Điều này sẽ xảy ra ở Quốc hội cũ hay mới?
Cuộc bầu cử Tổng thống mini này sẽ diễn ra ở Quốc hội lần thứ 115 sắp tới, và theo lịch trình sẽ nhóm họp lần đầu tiên vào ngày 3/1/2017. Như vậy, các đại biểu Quốc hội mới được bầu trong kỳ bầu cử 8/11 sắp tới sẽ có tiếng nói, trong khi những người đã về hưu hoặc không được bầu lại sẽ không có vinh dự đó.
7. Ai sẽ có thể chiến thắng?
Ai cũng có quyền dự đoán, nhưng với tỷ lệ hiện tại trong Quốc hội thì dường như Đảng Cộng hòa đang chiếm ưu thế hơn. Dĩ nhiên điều có thể thay đổi tùy theo kết quả bầu cử trong ngày 8/11 tới.
8. Có khi nào vòng bỏ phiếu ở Hạ viện lại cho “tỷ số” hòa?
Chắc chắn.
9. Vậy thì chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Nếu Hạ viện không tìm được Tổng thống trước ngày nhậm chức (20/1), thì phó Tổng thống sẽ giữ quyền Tổng thống cho tới khi mọi chuyện được giải quyết. Nhưng điều này lại làm nảy sinh một câu hỏi khác...
10. Ai sẽ chọn Phó Tổng thống?
Mặc dù kể từ năm 1804 đến nay, các ứng viên Tổng thống và Phó Tổng thống là “chung một chuyến tàu” (nghĩa là nếu có người được bầu làm Tổng thống thì người kia đương nhiên là Phó Tổng thống), nhưng trong trường hợp có một cuộc bầu cử “bất phân thắng bại” như trên thì cả hai được xem như riêng lẻ. Thượng viện sẽ chọn Phó Tổng thống, bằng cách chọn ra 2 (chứ không phải 3 như ở Hạ viện) ứng viên đạt được nhiều phiếu đại cử tri nhất – mà sắp tới có lẽ là Mike Pence của Đảng Cộng hòa và Tim Kaine của Đảng Dân chủ. Sau đó 100 Thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu, với tư cách cá nhân chứ không phải là đại diện cho cả đoàn đại biểu bang. Ứng viên nào muốn thắng phải đạt được ít nhất 51 phiếu. Ông Kaine, đang là Thượng nghị sĩ đến từ bang Virginia với nhiệm kỳ đến hết năm 2018, sẽ có cơ hội bầu cho chính mình. Và dĩ nhiên, trong trường hợp này, nước Mỹ có thể sẽ có Tổng thống và Phó Tổng thống đến từ... 2 đảng khác nhau.
11. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Thượng viện cũng có... “tỷ số” hòa?
Nếu không xác định được Tổng thống và Phó Tổng thống mới khi gia đình Obama rời khỏi Nhà Trắng vào ngày 20/1 thì Chủ tịch Hạ viện sẽ trở thành Tổng thống lâm thời. Nếu người đó vì một lý do nào đó không đảm nhiệm được chức vụ thì sẽ căn cứ theo Đạo luật Kế vị Tổng thống năm 1947 mà... phân xử tiếp.
12. Vậy sẽ có “Tổng thống” Paul Ryan?
Đừng vội thế. Ryan hiện đang là Chủ tịch Hạ viện nhưng ông có thể gặp thách thức trong việc duy trì được vị trí đó của mình trong Quốc hội mới.
13. Có bao giờ chuyện này xảy ra chưa?
Có, cách đây đã lâu. Vào năm 1824, sự chia tách của Đảng Dân chủ - Cộng hòa (khi đó là 1 đảng) đã dẫn đến việc có đến 4 ứng viên khác nhau chạy đua cho vị trí Tổng thống và phải nhờ đến lá phiếu của các đại cử tri. Andrew Jackson là người nhận được số phiếu cao nhất, với 99 phiếu đại cử tri – nghĩa là còn thiếu 32 phiếu vào thời điểm đó – nhưng Hạ viện đã chọn John Quincy Adams làm Tổng thống. Năm 1836 cũng xảy ra điều tương tự khi phải cần đến Thượng viện Mỹ để xác định Phó Tổng thống. Và kết quả cuối cùng là Richard M. Johnson đã được chọn./.
|