Thứ Sáu, 11/11/2016 13:46

Cho thuê bất động sản nhà nước: Phải tính đúng, tính đủ

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) sửa đổi cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự chủ tài chính được sử dụng tài sản công là các bất động sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đặc biệt hơn, các đơn vị này còn không phải thực hiện thủ tục xác nhận giá trị tài sản...

Một đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống bên trong khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: tuoitre.vn

Không định giá tài sản nhưng lại cho thuê theo cơ chế thị trường

Phạm vi TSNN trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng TSNN đang được trình Quốc hội rất rộng, với nhiều hình thái khác nhau, có cái xác định được giá trị và có cái chưa xác định được giá trị. Với mức độ rộng như vậy nên ngay trong quá trình thẩm tra dự thảo luật này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã tỏ rõ sự e ngại về việc tài sản công có được đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả, không bị xâm phạm, lợi dụng hay không. Đặc biệt, cần phân biệt rõ tài sản công phục vụ công tác quản lý của nhà nước, phục vụ mục đích an sinh xã hội và tài sản công phục vụ mục đích thương mại .

Một vấn đề rất đáng chú ý được quy định trong dự thảo luật này là việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công tại các ĐVSNCL.

Để đảm bảo khai thác tài sản công đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển, tạo điều kiện cho các đơn vị tự chủ tài chính, dự thảo luật cho phép các ĐVSNCL được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Các tài sản là bất động sản khi mang cho thuê, liên doanh sẽ không phải xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp hiện nay.

Theo quy định hiện hành, ĐVSNCL được chia thành hai nhóm: nhóm tự chủ tài chính và nhóm chưa tự chủ tài chính. Nhóm chưa tự chủ tài chính thì không được cho thuê, sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết. Còn nhóm tự chủ tài chính thì được Nhà nước giao tài sản như giao vốn để kinh doanh sau khi đã hạch toán đầy đủ chi phí (khấu hao tài sản cố định, chi phí sử dụng đất...).

Lý lẽ của Bộ Tài chính khi soạn quy định này là đến hết năm 2015, cả nước chỉ có 723 đơn vị sự nghiệp tự chủ được tài chính, được Nhà nước xác định giá trị tài sản giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn, với tổng giá trị tài sản đã giao theo sổ sách là 21.029 tỉ đồng. Việc khai thác tài sản công tại các ĐVSNCL còn hạn chế. Trong đó, số lượng và giá trị tài sản công, nhất là đất đai của ĐVSNCL còn rất lớn.

Theo dữ liệu thống kê quốc gia, tổng giá trị số tài sản này chiếm 69,06% tổng giá trị tài sản nhà nước tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tổng diện tích đất mà các nơi này đang quản lý, sử dụng là 13,67 triệu mét vuông, trong đó có 3,57 triệu mét vuông nhà. Nếu đem cho thuê, khai thác, liên doanh khối tài sản rất lớn đó sẽ giảm được sự bao cấp của Nhà nước.

Bộ Tài chính yêu cầu việc cho thuê phải tuân thủ theo cơ chế thị trường. Nhưng nếu không định giá tài sản mà cho thuê theo cơ chế thị trường thì lấy cơ sở nào để xác định giá thuê, cho dù số tiền cho thuê có hồ sơ kế toán đầy đủ và số tiền thuê được nộp về đơn vị?

Vừa được cấp ngân sách, vừa được dùng tài sản nhà nước để cho thuê

Nếu không định giá tài sản mà cho thuê theo cơ chế thị trường thì lấy cơ sở nào để xác định giá thuê, cho dù số tiền cho thuê có hồ sơ kế toán đầy đủ và số tiền thuê được nộp về đơn vị?

Bộ Tài chính thuyết minh rằng, để tránh thất thoát số tiền thu được từ khai thác tài sản công tại các ĐVSNCL, dự thảo luật có quy định số tiền thu được từ khai thác tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước thì được tính thành phần kinh phí nhà nước hỗ trợ cho tổ chức, thay cho việc hỗ trợ tiền mặt như hiện nay.

Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL đã phân loại cụ thể các đơn vị này thành bốn loại theo mức độ tự chủ khác nhau: đơn vị được ngân sách đảm bảo, đơn vị tự đảm bảo được một phần chi thường xuyên, đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị đảm bảo được chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự thảo luật quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại ĐVSNCL không phân theo Nghị định 16, đưa ra cùng một chế độ dùng chung cho tất cả các ĐVSNCL là chưa phù hợp, chưa khuyến khích các đơn vị tiến tới tự chủ tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách. Do vậy, cần phải phân định lại cụ thể, không đánh đồng đơn vị tự chủ ít với đơn vị tự chủ hoàn toàn trong việc cho phép sử dụng tài sản công theo các hình thức đã nêu trong dự luật.

Trên thực tế, ngay cả nguồn tài chính của đơn vị tự chủ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, nghĩa là đơn vị tự chủ được ở mức cao nhất, cũng có nhiều nguồn đến từ ngân sách. Cụ thể, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công lập bao gồm cả nguồn ngân sách đặt hàng cung cấp dịch vụ theo giá tính đủ chi phí; nguồn thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí được để lại theo quy định (chi mua sắm sửa chữa trang thiết bị...), nguồn ngân sách cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên và các nguồn thu (nếu có), nguồn vốn vay, viện trợ. Vậy Nhà nước cho các ĐVSNCL liên doanh, cho thuê tài sản thì nguồn ngân sách nào dừng cấp, nguồn ngân sách nào tiếp tục cấp? Điều này chưa rõ!

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng yêu cầu, không tiếp tục đầu tư, không giao cơ sở hoạt động hoặc kinh phí để mua sắm tài sản cho các ĐVSNCL tự chủ tài chính. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị này phải theo nguyên tắc thị trường và theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Chỉ có tính đúng, tính đủ giá trị tài sản, nhất là các bất động sản của Nhà nước giao cho các ĐVSNCL, qua việc thẩm định giá, định giá cho thuê theo cơ chế thị trường và nộp về ngân sách; đồng thời với việc ngừng cấp vốn ngân sách qua các hình thức khác nhau cho các đơn vị này thì mới có cơ chế tự chủ đúng nghĩa. Đến lúc đó, Nhà nước có thể giao tài sản cho đơn vị mà không e ngại những cái bắt tay làm thất thoát giá trị tài sản nhưng có lợi cho cá nhân trong các thương vụ cho thuê, liên doanh, liên kết.

http://www.thesaigontimes.vn/153612/Cho-thue-bat-dong-san-nha-nuoc-Phai-tinh-dung-tinh-du.html

Các tin tức khác

>   Thí điểm thu phí đảm bảo hàng hải luồng Soài Rạp (11/11/2016)

>   Hà  Nội: Phê duyệt quy hoạch chung Thị trấn Kim Hoa, Mê Linh (10/11/2016)

>   TP.HCM cần hơn 2.100 tên để đặt, đổi tên đường (10/11/2016)

>   5.000 tỷ giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, lập dự án đường sắt tốc độ cao (10/11/2016)

>   Hà Nội: Điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất quận Thanh Xuân (10/11/2016)

>   Chủ đầu tư ngắc ngoải, người mua nhà khổ sở (10/11/2016)

>   PVN đề xuất quy hoạch Nhơn Trạch 3, 4 (10/11/2016)

>   Vì sao dừng đầu tư hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận? (09/11/2016)

>   Cao tốc Nội Bài – Lào Cai: Chi thêm 740 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục bổ sung (09/11/2016)

>   Dự án The EverRich Infinity vượt tiến độ bàn giao (09/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật