TP.HCM cần hơn 2.100 tên để đặt, đổi tên đường
Tại TP.HCM, đường cần đặt và điều chỉnh tên thì nhiều nhưng quỹ tên đường đã cạn kiệt. Đề án do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển thực hiện đề xuất bổ sung nhiều cách đặt tên đường…
Đường Trần Khắc Chân (Q.Phú Nhuận) trùng tên đường Trần Khắc Chân (Q.1) và ghi không đúng với tên danh nhân Trần Khát Chân - Ảnh: TIẾN LONG
|
Ngày 9-11, lãnh đạo UBND TP.HCM đã nghe báo cáo nghiệm thu đề án Công tác đặt, đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM, khảo sát thực trạng và giải pháp đến năm 2020 do Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển thực hiện.
Hàng trăm đường có tên trùng nhau
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, trên địa bàn TP.HCM hiện nay có nhiều tên đường trùng nhau, tên đường không có ý nghĩa, thiếu thẩm mỹ, thậm chí tên không có người trong thực tế, hoặc tên của những nhân vật còn tranh cãi, không có công trạng đối với dân tộc...
Theo thống kê của đề án, trong hơn 3.600 đường tại TP có nhiều đường ghi sai tên của danh nhân như đường Đoàn Như Hài (đúng là Đoàn Nhữ Hài), đường Hà Tôn Quyền (đúng là Hà Tông Quyền), Nơ Trang Long (đúng là N’ Trang Lơng)... Tên Trần Khắc Chân được đặt cho hai con đường ở Q.Phú Nhuận và Q.1 nhưng đều viết sai, đúng phải là Trần Khát Chân... Ngoài ra, TP.HCM còn gần 50 đường mang các tên khác nhau của 16 nhân vật như Trần Hưng Đạo - Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Huệ - Quang Trung, Học Lạc - Nguyễn Văn Lạc, Thiên Hộ Dương - Nguyễn Duy Dương... Bên cạnh đó còn có hàng trăm trường hợp tên đường trùng nhau như đường Cao Thắng, An Dương Vương... hoặc những tên đường vừa trùng nhau vừa không mang tính thẩm mỹ như hai đường Kênh Nước Đen. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu còn chỉ ra hai con đường ở huyện Củ Chi mang tên hai người mẹ Việt Nam anh hùng nhưng không có trong thực tế là đường Nguyễn Thị Lắm và Phan Thị Hồ...
Từ thực trạng trên, nhóm nghiên cứu đề nghị phải điều chỉnh tên đường hoặc có biện pháp minh định, giới thiệu lại cho người dân rõ. Tuy nhiên, nhóm này cũng lưu ý số lượng tên đường trùng nhau khá nhiều, ở những quận huyện có dân cư đông đúc sẽ gây nhiều xáo trộn cho người dân nếu đổi tên đường, nên đề xuất có thể chỉ đổi tên một trong hai con đường trùng nhau nếu cùng nằm trên địa bàn một quận huyện. Đặc biệt, những con đường mang tên các nhân vật không có công trạng, tên đường thiếu thẩm mỹ... thì dứt khoát phải đổi tên.
Bổ sung quỹ tên đường
Theo nghiên cứu của đề án, TP.HCM hiện có 1.774 đường mang tên tạm và khoảng 400 tên đường “có vấn đề” như tên không có ý nghĩa, tên trùng, tên khác nhau của cùng một nhân vật. Như vậy, hiện TP.HCM cần hơn 2.100 tên để đặt hoặc đổi tên cho các con đường. Đó là chưa kể khoảng 810 con đường sẽ được mở theo quy hoạch từ nay đến năm 2025. Trong khi đó, quỹ tên đường của TP đang cạn kiệt, việc bổ sung tên đường phải qua nhiều quy trình và rất chậm.
Trước tình hình đó, nhóm nghiên cứu đề xuất mở rộng phương cách đặt, đổi tên đường tại TP.HCM. Cụ thể như tăng cường dùng tên các biển đảo của Việt Nam để đặt tên đường (như đã có đường Hoàng Sa, Trường Sa), nghiên cứu, chọn lọc đặt tên đường bằng tên các đặc sản của TP.HCM và Nam bộ, lấy thêm nhiều tên là các danh nhân người nước ngoài có công với nhân loại và có ảnh hưởng đến Việt Nam, lấy tên các loại hoa (hoa đào, bằng lăng, cẩm chướng, cát tường...), tên các động vật đẹp (như phượng hoàng, sơn ca, họa mi...) để đặt tên đường. Ngoài ra, đề án còn đề xuất sử dụng những hình tượng gắn liền với thiên nhiên, vũ trụ đặt tên cho đường, công trình công cộng (như thiên hà, sao mai, sao hôm...), những định đề như parabol, nguyên tử, phân tử hoặc sử dụng các danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị, văn hóa xã hội... để đặt tên đường.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất cần phải cải tiến quy trình đặt đổi tên đường trên địa bàn TP.HCM. Quy trình hiện nay qua nhiều khâu, nhiều cửa như UBND quận huyện đề xuất, sở văn hóa - thể thao biên soạn tên đường, trình Hội đồng đặt đổi tên đường, báo cáo với UBND TP, HĐND ra nghị quyết tên đường, sau đó UBND TP ra quyết định đặt tên đường...
Tại buổi nghiệm thu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã có những chỉ đạo cho từng vấn đề mà nhóm nghiên cứu đặt ra. Cụ thể, đối với những tên đường không chính xác, bà Thu cho rằng có thể đổi với một lộ trình phù hợp hoặc không cần đổi mà chỉ cần ghi chú trên bảng tên đường để xác nhận. Theo bà Thu, làm như vậy để tránh gây ảnh hưởng, xáo trộn cuộc sống của người dân và hạn chế những chi phí kèm theo. Bà Thu cũng gợi ý cách làm tương tự đối với những đường mang tên khác nhau của cùng một nhân vật. Bà Thu cũng giao cho các đơn vị liên quan rà soát những kết quả nghiên cứu của đề án như số tên đường trùng nhau, tên khác nhau của cùng một danh nhân, tên của bà mẹ Việt Nam anh hùng không có trong thực tế... Về những đề xuất mở rộng cách đặt tên đường, bà Thu yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất những tên cụ thể để đưa vào quỹ tên đường của TP…
Tác động của tên đường
Theo nhóm nghiên cứu, tên đường, công trình công cộng có tác động rất lớn đến xã hội. Những cái tên này góp phần giáo dục truyền thống lịch sử (như tên các triều đại Việt Nam: Hồng Bàng, Lạc Long Quân, Hùng Vương...) và hun đúc tình yêu quê hương, đất nước, khẳng định chủ quyền của quốc gia (như tên các địa danh, vùng lãnh thổ của đất nước)...
Đối với người dân thì tên đường có giá trị đáng kể trong giao dịch dân sự. Tên đường ghi trên giấy tờ hành chính, hộ tịch của người dân, trên danh thiếp, bảng hiệu của các cơ quan, cửa hàng, công ty... tồn tại gắn liền với đời sống người dân, là mạch đập của những giao dịch lớn nhỏ, cá nhân hay tập thể, giúp người dân dễ dàng khi giao thiệp...
|
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161110/tphcm-can-hon-2100-ten-de-dat-doi-ten-duong/1216555.html
|