Cần mạnh tay với hàng tồn đọng ở cảng
Theo Nghị định 45/2016/NĐ-CP, từ tháng 8-2016, khi có hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn 90 ngày (kể từ ngày hàng hóa tới cửa khẩu dỡ hàng mà không có người đến làm thủ tục hải quan thì lãnh đạo chi cục hải quan không còn phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết thông tin công khai tại trụ sở để tìm người đến nhận như lâu nay.
Hãng tàu muốn lấy lại vỏ của container tồn đọng tại cảng. Ảnh: TL SGT.
|
Tương tự, trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu của tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền cũng không cần phải thông báo về việc này. Bên cạnh đó, quá thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt của cơ quan hải quan mà hàng hóa vẫn chưa được tái xuất hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc quá cảnh ra khỏi Việt Nam thì lãnh đạo cơ quan hải quan cũng không cần phải ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm...
Nói tóm lại, những thủ tục mang tính hành chính mà lãnh đạo chi cục hải quan nơi có hàng hóa nhập khẩu vi phạm phải làm trong thời gian qua nay đã được bãi bỏ. Việc bãi bỏ này, nói như một chuyên gia trong ngành, là hoàn toàn xác đáng bởi quy định như lâu nay gây mất thời gian, tốn kém cho cơ quan hải quan trong khi đối tượng vi phạm thì không hề hấn gì (vì đã “bỏ của chạy lấy người”). Mục tiêu lớn nhất trong việc xử phạt là răn đe, thực thi pháp luật, cuối cùng đã không đạt được.
Nhưng việc phải thông báo hay không thông báo tìm chủ hàng với hàng hóa tồn đọng ở cảng chỉ là phần rất nhỏ trong câu chuyện được đánh giá là truyện dài kỳ, phức tạp mang tên hàng tồn đọng tại cảng.
Tại sao lại nói vậy? Vì đang có hàng ngàn container tồn đọng ở các cảng trên cả nước. Việc xử lý chúng đang phải theo Thông tư 203/2014/TT-BTC với một quy trình dài dằng dặc các thủ tục, từ thông báo tìm chủ hàng để xác định chính xác là hàng vô chủ; thành lập hội đồng xử lý; đến phân loại, kiểm đếm, bán đấu giá... Một người trong ngành cho biết, trung bình phải mất hơn một năm mới xử lý được một container.
Vấn đề quan trọng không kém là ngân sách nhà nước phải chi nhiều tiền để làm tất cả những việc này. Tiền trả để đăng thông tin tìm chủ hàng (trước đây), trả cho đơn vị bốc xếp hàng hóa từ vị trí xuống máy soi chiếu (để xác định hàng hóa bên trong) hay mở niêm phong, kiểm kê, phân loại hàng hóa; tiền thuê tổ chức giám định, thẩm định giá trị hàng, thuê đơn vị thực hiện tiêu hủy đối với hàng độc hại, hết giá trị; bồi dưỡng cho các thành viên hội đồng (tối đa 100.000 đồng/người/ngày); trả phí lưu kho, lưu bãi cho đơn vị kinh doanh cảng... Ngân sách sau đó sẽ được bù đắp bằng tiền thu lại từ việc bán hàng trong các container tồn đọng (trong trường hợp hàng còn bán được). Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, tiền thu về ít hơn cả số đã chi.
Nan giải nhất là trường hợp hàng tồn đọng là hàng cấm nhập khẩu. Trong số hàng ngàn container tồn ở cảng, có rất nhiều container chứa phế liệu (nhôm đồng, sắt vụn; lốp ô tô đã qua sử dụng...) Những mặt hàng này nếu để tồn đọng lâu tại cảng sẽ gây tác hại xấu đến môi trường (trên thực tế, có những container nằm cảng gần mười năm trời). Và vì là hàng cấm nên yêu cầu bắt buộc là tiêu hủy. Chỉ nói riêng với lốp ô tô đã qua sử dụng, chi phí tiêu hủy, theo tính toán sơ bộ của cơ quan hải quan, tốn khoảng 2,5 triệu đồng/tấn.
Vì vậy, cần có những biện pháp xử lý mạnh tay, nhanh chóng đối với hàng tồn đọng tại cảng, nhất là với những hàng phế liệu, rác thải. Một chuyên gia trong ngành cho rằng nên xử phạt đơn vị vận chuyển nếu hàng hóa cập cảng là rác thải, phế liệu mà không có người nhận, không có tên người gửi. Đây là cách Mỹ đã làm. Làm như vậy để lần tiếp theo, họ phải có trách nhiệm kiểm tra, xác minh... theo cách của họ với hàng hóa chuyên chở. Nếu không có hành động kịp thời thì tình trạng container vô thừa nhận vì vi phạm quy định sẽ còn kéo dài và cảng biển Việt Nam sẽ trở thành bãi rác của thế giới, như nhiều người lo ngại.
Nguyên nhân khiến hàng hóa vô thừa nhận ở cảng
- Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ thuế, bỏ trốn khỏi địa bàn kinh doanh nên từ bỏ hàng hóa khi hàng nhập về cảng.
- Cá nhân, doanh nghiệp cố tình nhập khẩu hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu vào Việt Nam, chẳng hạn như rác thải, phế liệu. Khi biết không thể làm thủ tục thì từ bỏ hàng.
- Doanh nghiệp nước ngoài gửi nhầm hàng về Việt Nam rồi không chịu tái nhập hàng trở lại.
- Doanh nghiệp trong nước xuất khẩu nhưng bị trả về do không đạt tiêu chuẩn rồi từ bỏ hàng.
|
http://www.thesaigontimes.vn/153945/Can-manh-tay-voi-hang-ton-dong-o-cang.html
|