Thứ Tư, 23/11/2016 14:32

Xây dựng chính quyền cảng đầu tiên như thế nào?

Chính quyền cảng đầu tiên của cả nước sắp ra đời có tên: Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc...

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện nay công tác tổ chức, quản lý đầu tư, khai thác cảng biển chưa khai thác được hết các lợi thế mà cảng biển, kinh tế biển đem lại, chưa theo kịp các mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới. Ảnh: MAI LƯƠNG

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc.

“Rào cản” cảng biển

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy cả nước có 44 cảng biển đang hoạt động với 219 bến cảng, 373 cầu cảng (tổng chiều dài trên 43.600 mét). Trong năm 2015, hệ thống cảng biển đã tiếp nhận gần 100 triệu lượt tàu, thông qua 427,3 triệu tấn hàng hóa (tăng 14,6% so với năm 2014)...

Tuy nhiên, bộ này nhận định: “Công tác tổ chức, quản lý đầu tư, khai thác cảng biển chưa khai thác được hết các lợi thế mà cảng biển, kinh tế biển đem lại, chưa theo kịp các mô hình quản lý tiên tiến trên thế giới, chưa thực sự hiệu quả, còn bất cập”.

Dẫn chứng được đưa ra là trình tự, thủ tục cho (doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, liên doanh) thuê đất đầu tư xây dựng và khai thác cảng biển kéo dài; khi xem xét hồ sơ của nhà đầu tư chỉ căn cứ vào quy hoạch (của Bộ GTVT) chứ không tính đến thực tế phát triển kinh tế - xã hội cũng như tốc độ tăng trưởng của lượng hàng hóa của khu vực (nên nhiều cảng thừa công suất, lãng phí).

Thực tế cũng cho thấy, chưa có sự kết hợp khai thác hiệu quả vùng đất hậu cần sau cảng (thông qua việc cho thuê để xây dựng các nhà máy, khu công nghiệp, trung tâm logistics) để tạo nguồn hàng trực tiếp; phương thức giao vùng đất, vùng nước cho các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân, liên doanh đầu tư xây dựng riêng lẻ cầu bến cảng trong khu vực cảng biển làm xé nát quy hoạch cảng, tạo ra sự manh mún, thiếu thống nhất, đồng bộ trong phát triển cảng.

Đó là chưa kể, trong nhiều trường hợp, do năng lực tài chính có hạn, các doanh nghiệp chỉ đầu tư cầu bến cảng và trang thiết bị, còn việc đầu tư kho bãi rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu tập kết, lưu giữ hàng hóa, không có khả năng để đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối liên cảng. Trong cùng một khu vực, doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hóa đến bến cảng của mình đã tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Và, điều đặc biệt là, việc giao toàn bộ vùng đất, vùng nước cầu, bến cảng biển tại những vị trí đắc địa có giá trị thương mại cao (do Nhà nước đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng) cho tư nhân, nước ngoài xây dựng và khai thác, vô hình trung làm cho lợi nhuận sinh ra từ vị trí đắc địa của cảng biển được chuyển cho tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài...

Khắc phục bằng... chính quyền cảng 

Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trên đã được Bộ GTVT nhận diện. Đó là do “thiếu một cơ quan đóng vai trò nhạc trưởng chịu trách nhiệm điều phối chung về sự đồng bộ trong lập và điều chỉnh quy hoạch chi tiết, triển khai quy hoạch, thời điểm đầu tư, quy mô đầu tư, phương thức đầu tư, khai thác hạ tầng cảng biển và hạ tầng kết nối cảng biển, khu hậu cần sau cảng”.Cho nên, theo bộ này, cần phải có mô hình tổ chức phù hợp để thống nhất và phát huy thế mạnh của vùng đất, vùng nước cũng như các chủ thể tham gia đầu tư khai thác cảng, hậu cần cảng.

Sau khi nghiên cứu, khảo sát mô hình quản lý khai thác cảng biển đang được áp dụng hiệu quả tại nhiều nước hàng hải phát triển, Bộ GTVT đã đề xuất thành lập Ban Quản lý khai thác cảng biển - có chức năng như một chính quyền cảng - Port Authority/Port Management Body. Cũng như chính quyền cảng của các nước, Ban Quản lý khai thác cảng biển do bộ đề xuất là một tổ chức do Nhà nước thành lập, được giao quyền tự chủ cao, được hưởng nhiều ưu đãi, được vừa quản lý vừa kinh doanh...

Cụ thể, dự thảo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc quy định: Ban quản lý được áp dụng cơ chế tài chính theo loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đồng thời, Chính phủ cũng giao cho ban quản lý này quản lý vùng đất, vùng nước cảng biển trong phạm vi địa phận của cả Hải Phòng và Quảng Ninh. Cụ thể, ban sẽ quản lý 2.139,3538 héc ta đất (Hải Phòng 914,1746 héc ta, Quảng Ninh 1.225,1792 héc ta) và 17.583,8361 héc ta mặt nước (Hải Phòng 17.056,4855 héc ta, Quảng Ninh 527,3506 héc ta).

Để quản lý vùng đất, vùng nước được giao hiệu quả, Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc được trao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể và chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển được giao; đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển theo quy hoạch; đăng ký đầu tư, thẩm tra và cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư khu hậu cần sau cảng...

Chưa hết, Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc còn được ban hành các quy chế quản lý các hoạt động trong vùng đất, vùng nước cảng biển được giao; tổ chức quản lý việc đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển và kết cấu hạ tầng hậu cần sau cảng; tổ chức đấu thầu cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng cầu cảng, bến cảng biển; kiểm tra, giám sát hoạt động của các nhà khai thác tại cảng biển, khu đất hậu cần sau cảng; cung cấp dịch vụ hoa tiêu, lai dắt, logistics và các dịch vụ liên quan khác trong khu vực vùng đất, vùng nước được giao; quyết định mức thu phí dịch vụ tại vùng đất, vùng nước được giao...

Dự kiến Hội đồng thành viên của Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc bao gồm Chủ tịch, các thành viên chuyên trách và không chuyên trách (số lượng thành viên không quá chín người). Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên đại diện Bộ GTVT, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng (làm việc theo chế độ chuyên trách), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và môi trường.

Theo Bộ GTVT, việc thành lập Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc dưới sự giám sát của các bộ ngành, địa phương liên quan sẽ góp phần điều tiết tổng thể việc đầu tư xây dựng, khai thác của toàn bộ các cầu bến cảng trong khu vực, đảm bảo việc khai thác hài hòa và hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển hiện có tại thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và kết cấu hạ tầng cảng biển dự kiến xây dựng trong thời gian tới tại cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc.

Có xung đột lợi ích?

Góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc, Bộ Quốc phòng lo môi trường kinh doanh sẽ bất bình đẳng khi dự thảo xây dựng mô hình ban quản lý có đồng thời hai chức năng: vừa quản lý vừa kinh doanh. “Ban quản lý thực chất là một doanh nghiệp đặc biệt có ưu thế trong việc tự quyết định những ưu đãi cho chính mình. Điều này tạo ra nguy cơ bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh”, văn bản của bộ này viết.

Bảo vệ quan điểm của mình, Bộ GTVT, cho rằng vấn đề này đã được bộ giải trình với Quốc hội và đã được Quốc hội chấp thuận (thông qua tại điều 88 Bộ luật Hàng hải năm 2015). Theo Bộ GTVT thì ban quản lý sẽ không trực tiếp tham gia hoạt động khai thác cảng và hoạt động kinh doanh khai thác trên khu đất sau cảng nên sẽ không có nguy cơ bất bình đẳng trong kinh doanh. Thực tế, tại các nước, mô hình Ban Quản lý khai thác cảng/chính quyền cảng - Port Authority/Port Management Body đều có hai chức năng này.

UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND thành phố Hải Phòng góp ý việc bàn giao vùng đất, vùng nước thuộc khu bến cảng Yên Hưng (tỉnh Quảng Ninh) cũng như khu vực thuộc khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) cho Ban Quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc tế phía Bắc là chưa phù hợp, phát sinh thêm đầu mối quản lý nhà nước, có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn. Bộ GTVT cho rằng khu vực vùng đất và vùng nước thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng sau khi đưa vào phạm vi điều chỉnh của nghị định này thì các chức năng, quyền hạn của Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Ninh, Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng đối với phạm vi vùng đất và vùng nước đó sẽ được điều chỉnh tương ứng và chuyển giao về ban quản lý khai thác cảng, do vậy sẽ không phát sinh thêm đầu mối quản lý nhà nước cũng như không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

http://www.thesaigontimes.vn/153943/Xay-dung-chinh-quyen-cang-dau-tien-nhu-the-nao.html

Các tin tức khác

>   Vực dậy du lịch đường sông Sài Gòn - TP.HCM bằng cách nào? (23/11/2016)

>   Hà Nội: Thâm hụt thương mại tháng 11 chạm mốc 1.4 tỷ USD (23/11/2016)

>   Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm tại SCIC (23/11/2016)

>   Tập đoàn Nga lên tiếng về việc Việt Nam ngừng dự án điện hạt nhân (23/11/2016)

>   Năm 2017 sẽ không "ồn ào" về giá điện (23/11/2016)

>   Hà Nội: Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11 tăng 10.3% (23/11/2016)

>   Đổi mã vùng điện thoại cố định 59 tỉnh, thành phố (23/11/2016)

>   Công bố nguyên nhân dừng dự án điện hạt nhân (22/11/2016)

>   Thiết lập đồng bộ chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (22/11/2016)

>   Quy hoạch cảng biển Hòn La tiếp nhận 6,6 triệu tấn hàng/năm (22/11/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật