Vì sao Ngân hàng Trung ương Nga đang “gặp khó”?
Ngân hàng Trung ương Nga (BoR) vừa chứng kiến thêm một đợt sụt giảm trong số lượng tầng lớp trung lưu ở quốc gia này, Bloomberg đưa tin.
BoR cảnh báo rằng khả năng kiểm soát lạm phát của họ rơi vào thế khó vì sự bất bình đẳng về mức độ giàu có đang gia tăng và các hộ gia đình có thu nhập trung bình, vốn là những đối tượng nhạy cảm nhất đối với lãi suất và giá cả, dần dần biến mất. Thu nhập và nhu cầu nội địa vẫn đang sụt giảm với tốc độ chưa hề có tiền lệ dưới thời của Tổng thống Vladimir Putin. Theo ước tính bình quân từ các cuộc thăm dò của Bloomberg, tháng 9 vừa qua đã đánh dấu tháng sụt giảm thứ 21 của doanh số bán lẻ, trong khi thu nhập khả dụng thật sự cũng giảm 7%.
Theo khảo sát mới nhất của Sberbank CIB, lĩnh vực tiêu dùng đã bị “hủy hoại hoàn toàn” vì lương không thể bắt kịp với chi phí sinh hoạt đang tăng vọt, khiến cho 14 triệu người Nga bị “hất văng” ra khỏi tầng lớp trung lưu kể từ khi suy thoái kinh tế bắt đầu cách đây 2 năm. Sự giảm sút của một tầng lớp giàu có nhờ giai đoạn giá dầu tăng mạnh đã đánh dấu một sự đảo ngược mang tính lịch sử sau khi quy mô của tầng lớp này nhảy vọt gấp 2 lần dưới thời của Tổng thống Putin . Nhiều người trong số họ giờ đây phải nhờ vào các chương trình chính phủ để bổ sung cho nguồn thu nhập sụt giảm của mình và trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các thay đổi trong chính sách tài khóa.
“Tầng lớp trung lưu sụt giảm là điều tệ hại cho việc kiểm soát lạm phát vì các rủi ro đến từ chính sách tài khóa sẽ gia tăng. Nhu cầu sẽ trở nên nhạy cảm hơn với các quyết định ngân sách, vì bất cứ sự trợ giúp nào cũng sẽ có ảnh hưởng ngay lập tức, gây xáo trộn đến chi tiêu của các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn”, Oleg Kouzmin, cựu cố vấn của BoR, phân tích.
Mặc dù việc khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng sẽ làm cản trở đến hoạt động tiêu dùng, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phát hiện ra rằng việc tránh “làm xói mòn” tầng lớp trung lưu sẽ mang lại lợi ích cho tăng trưởng kinh tế, nhưng tác động của sự phân cực trong thu nhập lên chính sách của ngân hàng trung ương lại ít rõ ràng hơn.
Theo BoR, sự bất bình đẳng xã hội sâu sắc hơn sẽ làm giảm hệ số co giãn của giá so với nhu cầu và làm cho nhiệm vụ kiểm soát lạm phát trở nên phức tạp. “Những gia đình có thu nhập thấp hơn, thường không có khoản tiết kiệm nào và ít có khả năng được tiếp cận các khoản vay, chỉ chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu cơ bản và khó đối phó với những thay đổi trong lãi suất”, BoR cho biết. Mặt khác, các hộ gia đình giàu có hơn cũng chẳng “hề hấn” gì vì chỉ phải chi tiêu một phần nhỏ thu nhập của mình cho các hàng hóa thiết yếu.
“Các gia đình có thu nhập trung bình là đối tượng nhạy cảm nhất với những thay đổi lãi suất và giá tiêu dùng, qua đó khuyến khích các nhà sản xuất điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi trong nhu cầu của những gia đình này. Chính sách kinh tế mà thúc đẩy một sự phân phối thu nhập nhiều hơn trong xã hội không chỉ sẽ tạo ra những điều kiện cho phát triển cân bằng và ổn định xã hội mà còn tăng cường sự hiệu quả của những tín hiệu từ chính sách tiền tệ”, BoR nói.
Triển vọng giá cả
Rủi ro hiện đang đầy rẫy cho BoR. Lòng tin dành cho họ đang “lung lay” sau khi đà tăng của giá cả vượt xa các dự báo trong 4 năm liên tiếp trong năm 2015. Những nhà hoạch định chính sách, do lo lắng sẽ không đạt được mục tiêu lạm phát 4% vào cuối năm 2017, đã cam kết giữ nguyên lãi suất cho đến hết năm nay sau khi giảm xuống còn 10% qua hai đợt điều chỉnh trong năm 2016
Các chuyên viên giao dịch sản phẩm phái sinh hạ bớt xác suất xảy ra một đợt cắt giảm lãi suất trong 3 tháng tới. Những hợp đồng lãi suất kỳ hạn giờ chỉ còn 21 điểm cơ bản, giảm mạnh so với mức 44 điểm cơ bản trong tháng này.
Bong bóng thịnh vượng
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2000 đến 2013, tầng lớp trung lưu Nga – theo định nghĩa là những người có mức tiêu thụ bình quân đầu người là từ 10 USD/ngày trở lên – đã tăng gấp đôi, lên hơn 60% dân số nước này. Ngân hàng này ước tính vào năm 2010, tầng lớp trung lưu Nga chiếm 74% tổng thu nhập của hộ gia đình và 86% mức tiêu dùng.
Khảo sát của Sberbank CIB dành cho “các Ivanov” (cụm từ dùng để chỉ người tiêu dùng Nga điển hình) thấy rằng tỷ lệ người Nga tự xem mình là tầng lớp trung lưu trong quý vừa qua là 51%, giảm mạnh so với con số 61% của 2 năm trước. Theo ngân hàng đầu tư Nga, chi nhánh của BoR, vì lương giảm theo lạm phát nên tầng lớp trung lưu không thể ít hơn nữa.
Tuy nhiên, theo Igor Polyakov, chuyên gia phân tích của tại Trung tâm Phân tích Kinh tế Vĩ mô và Dự báo Ngắn hạn ở Moscow, tỷ lệ trên có thể là thấp hơn. Ông cho rằng con số thực sự hiện tại chỉ khoảng 32%, thấp hơn so với mức 40% trong năm 2014. Ông nghĩ tầng lớp trung lưu sẽ tiếp tục thu hẹp nữa trong giai đoạn 2017-2018 và sẽ không phục hồi cho đến 2 năm sau.
“Chẳng bao lâu, một sự thay đổi sang mô hình hướng đến tiết kiệm sẽ không còn mang lại sự tin tưởng lớn hơn trong tương lai. Vì sự thu hẹp trong tầng lớp trung lưu, nên không có lý do gì mà mong đợi một sự hồi phục ở doanh số các mặt hàng đắt tiền hơn”, Polyakov phân tích./.
|