Dòng tiền ngoại đang di tản khỏi Nhật Bản mạnh nhất kể từ 1987
Các nhà đầu tư quốc tế đang tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản.
Sau khi bán tháo cổ phiếu Tokyo tháng thứ tư trong 5 tháng qua, các nhà đầu tư nước ngoài đang bắt đầu “cuộc di tản” lớn nhất trong năm kể từ năm 1987. Trước đó, họ đã thoát khỏi các cổ phiếu được định giá cao và sụp đổ tại ngày thứ Hai đen tối. Lần này, nhà đầu tư thật sự “chán ngán” với các chính sách kinh tế không hiệu quả của ông Shinzo Abe và đồng Yên tăng mạnh.
"Trong những năm cuối thập niên 1980, các nhà đầu tư quốc tế đã thất vọng và nhận ra chính sách kinh tế Nhật không bền vững", Toru Ibayashi (trưởng bộ phận đầu tư thị trường chứng khoán Nhật Bản của đơn vị quản lý tài sản UBS Group AG tại Tokyo, vốn đang quản lý 2,000 tỷ USD trên toàn thế giới) cho hay. "Việc bán mạnh cổ phiếu vừa qua cho chúng ta thấy họ thất vọng sâu sắc và nghiêm trọng về chính sách kinh tế của Nhật Bản có tên gọi là Abenomics".
Số tiền 59 tỷ USD bị rút ra còn lớn hơn bất kỳ thị trường nào trong số 33 thị trường mà Bloomberg theo dõi, đã giúp giải thích tại sao những đợt mua chứng chĩ quỹ ETF của Ngân hàng Nhật Bản không thể ngăn chặn chỉ số Topix của Tokyo giảm mạnh 12% trong năm nay. Với việc các quỹ nước ngoài “tháo hàng” nhanh hơn Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) mua vào, một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới đặt rất ít hy vọng vào sự hồi sinh của thị trường ở bất kỳ thời điểm nào.
Đồng Yên mạnh
"Nhật Bản hiện đang ở trong một tình thế khó khăn khi nói đến hoạt động đầu tư nước ngoài", Yoshinori Shigemi (nhà hoạch định chiến lược thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management đang quản lý 1,600 tỷ USD) cho biết.
Đứng đầu trong danh sách cần quan tâm của Shigemi là đồng Yên đã tăng 16% so với USD, mức tăng mạnh nhất trong số các đồng tiền chủ chốt ở châu Á năm nay. Điều này không tốt cho chỉ số Topix của Nhật Bản, khi chỉ tiêu EPS đã giảm khoảng 18% kể từ tháng 9/2015, theo số liệu của Bloomberg.
Đồng Yên mạnh còn làm giảm đi tính hiệu quả của chính sách Abenomics, một nhân tố chính chi phối dòng vốn từ nước ngoài trong năm 2013. Các biện pháp kích thích tiền tệ của Chính phủ Nhật như tăng chi tiêu tài chính và cải cách cơ cấu cho đến nay đã thất bại trong việc thúc đẩy tăng trưởng lâu dài hoặc đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Trong tháng 8, giá tiêu dùng giảm tháng thứ năm liên tiếp trong khi các hộ gia đình cắt giảm chi tiêu mạnh nhất kể từ tháng 3.
Đối với một số nhà đầu tư nước ngoài, các biện pháp kích thích của BOJ sẽ làm giảm tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Việc chấp nhận chính sách lãi suất âm của BOJ đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận ngân hàng, trong khi chương trình ETF 58 tỷ USD/năm của các cơ quan tiền tệ đã thúc đẩy mối quan ngại rằng việc nắm giữ sẽ làm sai lệch việc định giá và khiến một số cổ phiếu khó khăn trong giao dịch. Mark Mobius, Chủ tịch điều hành của tập đoàn Templeton Emerging Markets gọi biện pháp của BOJ là "không bình thường" trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng trước.
Tại công ty quản lý tài sản Pictet của Anh (quản lý khoảng 150 tỷ USD trên toàn thế giới), những người hoài nghi Nhật Bản đã cắt giảm việc nắm giữ cổ phiếu bất chấp những nỗ lực của ông Hiroshi Matsumoto (trưởng nhóm đầu tư ở Nhật Bản của công ty) trong việc thuyết phục các đồng nghiệp hãy nắm giữ dài hạn. Chỉ số Topix đang giao dịch tại mức 13 lần lợi nhuận ước tính trong 12 tháng tới, thấp hơn mức 15 - trung bình 10 năm, dữ liệu của Bloomberg cho thấy.
"Một số đồng nghiệp của tôi không tin rằng đây là thời điểm đúng" Matsumoto cho hay. "Con người vẫn chưa đủ tự tin. Có một cuộc tranh luận về việc rút bớt tiền khỏi thị trường chứng khoán Nhật Bản và bỏ tiền vào các loại tài sản khác như cổ phiếu các thị trường mới nổi ở châu Á".
Biện pháp kích thích mạnh hơn
Ông Akira Amari, một nhà làm luật tại Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền của ông Abe thì khuyến cáo rằng các nhà đầu tư nước ngoài nên cho Abenomics thêm thời gian đến khi các vấn đề được cải thiện, bao gồm cả tốc độ tăng trưởng toàn cầu ảm đạm.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Quốc hội Nhật Bản ở Tokyo hôm thứ Ba, ông Amari còn khẳng định kế hoạch Abenomics không sai, chỉ là do chậm trễ thôi.
Trong khi bên bán trong khối nhà đầu tư nước ngoài vào năm 1987 cuối cùng đã chứng minh điều đó đúng, thì các nhà đầu tư trong nước đã cố giữ “bong bóng” kéo dài thêm hai năm trước khi sụp đổ. Với việc Thống đốc Ngân hàng Nhật Haruhiko Kuroda cam kết sẽ tăng cường hoạt động mua tài sản nếu cần thiết để phục hồi tốc độ tăng trưởng, thì rủi ro thị trường giảm trong khoảng thời gian này là chương trình kích thích kinh tế của ngân hàng trung ướng có thể được phục hồi.
"Việc bán ra của khối ngoại rõ ràng là quá đà", Mikio Kumada (một giám đốc điều hành của LGT Capital Partners tại Hong Kong, vốn đang quản lý khoảng 50 tỷ USD và đã ngừng cắt giảm nắm giữ cổ phiếu Nhật Bản trong năm nay) cho biết. "BOJ sẽ có động thái. Đồng Yên sẽ suy yếu một lần nữa và thị trường chứng khoán sẽ tăng cao."
Đối với Ibayashi của UBS, đà hồi phục bền vững chỉ có thể xảy ra một khi chính phủ có những tiến triển trong cải cách cơ cấu quan trọng. Ông Abe vẫn chưa ban hành một trong những chính sách được mong đợi nhất, đó là một cuộc đại tu thị trường lao động mà nhiều nhà phân tích thấy rằng đây là điều cần thiết để cải thiện lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp Nhật Bản.
Trong khi đó, dòng tiền ngoại có thể làm trầm trọng thêm những thách thức trong quá trình cải cách của Nhật Bản bằng cách loại bỏ một chất xúc tác cho các doanh nghiệp để cải thiện mức độ kiểm soát.
"Các nhà đầu tư nước ngoài là nhân tố chi phối hoạt động cải cách doanh nghiệp," Ibayashi lý giải. "Nhưng họ đang thất vọng, từ bỏ và rời Nhật Bản. Đó có phải là một điều tốt? Tôi không nghĩ như vậy"./.
|