Thứ Hai, 03/10/2016 08:23

Thông cơ chế, xóa tình trạng “ém nợ, câu giờ”

Trong lúc các chuyên gia vẫn đang “cãi nhau” về việc nên hay không nên sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu, thì nhiều ngân hàng yếu kém vẫn “câu giờ”, “ém nợ”, mong có phép màu xảy ra với túi nợ xấu của mình.

Ngồi im chờ chết hay dò dẫm đường đi?

Rất nhiều luồng ý kiến phản đối sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu với những lý do rất hợp lý. Thế nhưng, thực tế không thể chối cãi: hàng vạn doanh nghiệp đã phá sản và nhiều ngân hàng cũng đang mỏi mòn vì nợ xấu. Sau 5 năm tự xử lý nợ, đến giờ phút này có thể thấy, dù khối lượng nợ đã được xử lý khá lớn, song số tồn dư vẫn còn chiếm gần một nửa và nhiều ngân hàng đã chính thức “bó tay” vì nguồn lực gần như cạn kiệt.

Sau khi tự xử lý gần 55% nợ xấu trong 5 năm qua (số còn lại nằm chủ yếu ở VAMC), lợi nhuận của các ngân hàng ngày càng teo tóp. Theo công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ sinh lời của các ngân hàng rất thấp: tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) toàn hệ thống chỉ đạt 2,16% và tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) là 0,18%. Trước đây, số ngân hàng báo lãi lãi ngàn tỷ đồng là phổ biến, thì hiện nay, ngân hàng lãi ngàn tỷ là chuyện hiếm, số ngân hàng lãi vài vỏn vẹn vài chục tỷ đồng (thậm chí lỗ) không còn là chuyện lạ.

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, trước đây, toàn hệ thống ngân hàng lãi 120.000 tỷ đồng, thì hiện nay chỉ còn lãi khoảng 30.000 tỷ đồng, tức giảm tới 90.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận ngân hàng suy giảm mang lại hai nỗi lo:

Thứ nhất, ngân sách nhà nước bị hao hụt đáng kể (lợi nhuận ngân hàng giảm 90.000 tỷ đồng, đồng nghĩa ngân sách hụt thu 22.500 tỷ đồng).

Thứ hai, lợi nhuận suy giảm đang làm sức khỏe ngân hàng - huyết mạch nền kinh tế, trở nên mong manh. Điều này càng nguy hiểm bởi khác với các quốc gia khác, vốn cho nền kinh tế nước ta chủ yếu dựa vào ngân hàng (75%). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu tiếp tục để ngân hàng tự xử lý như hiện nay, tảng băng nợ xấu sẽ mất hàng chục năm nữa mới tan hết. Thậm chí, băng nợ xấu chưa tan thì có thể ngân hàng, doanh nghiệp đã phá sản.

“Câu chuyện tái cấu trúc và xử lý nợ xấu đã phức tạp tới mức vượt quá tầm tay của NHNN, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn, quyết sách sáng suốt từ những cấp cao hơn mới có thể xử lý được”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.

Trong bối cảnh ngân hàng hầu như đã “bó tay”, việc xử lý nợ xấu bằng ngân sách rõ ràng là một đề xuất hợp lý. Cần phải nói thêm, trước đó, phương án vay vốn nước ngoài để xử lý nợ xấu đã được tính đến, nhưng không khả thi, bởi có quá nhiều ràng buộc bất lợi.

Luật thoáng, tiền mới thông

Việc sử dụng ngân sách xử lý nợ xấu, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, không hẳn là mất sạch. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã dùng ngân sách để giải quyết bài toán nợ xấu, trong đó có Hoa Kỳ đã bỏ ra hàng ngàn tỷ USD vào thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Khoản tiền này sau đó đã được thu hồi do ngân hàng và doanh nghiệp phục hồi trở lại.

Tất nhiên, trong bối cảnh ngân sách eo hẹp như nước ta, sử dụng ngân sách, theo quan điểm ông Trương Văn Phước, có thể không phải theo hướng “cho không biếu không”, mà sẽ được sử dụng như một khoản vay, các ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả lại sau một thời gian nhất định.

Thế nhưng, theo những người trong cuộc, quan trọng hơn cả tiền, trong thời điểm hiện nay, là cơ chế. Ông Nguyễn Quốc Hùng Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) cho hay, với cơ chế hiện nay, dù được cấp thêm tiền, VAMC cũng không dám nhận. Hành lang pháp lý thiếu, chưa quy rõ trách nhiệm mua bán dưới giá gốc, quy định về đấu giá tài sản phức tạp… khiến không chỉ VAMC, mà các ngân hàng muốn tự xử lý nợ cũng bó tay.  

Là người rất am hiểu thực tế thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam, TS. Lê xuân Nghĩa nói thẳng, nguồn lực lớn nhất và duy nhất của Việt Nam hiện nay là cơ chế. Vì vậy, phải khai thông về cơ chế thì thị trường nợ mới có thể vận hành, xử lý nợ mới hiệu quả. 

http://laodong.com.vn/kinh-te/thong-co-che-xoa-tinh-trang-em-no-cau-gio-597254.bld

Các tin tức khác

>   Sacombank ưu đãi suốt tháng 10 nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (02/10/2016)

>   Phó thủ tướng yêu cầu xem xét bỏ trần lãi suất huy động (01/10/2016)

>   NamABank đã tìm được chủ nhân của giải đặc biệt ô tô Toyota Camry 2.5G (01/10/2016)

>   Giá vàng trong nước chưa có dấu hiệu khởi sắc hơn (30/09/2016)

>   Doanh số giao dịch liên ngân hàng tăng, lãi suất tiếp tục giảm (30/09/2016)

>   Tuần hoàn hay đảo nợ? (30/09/2016)

>   Mở đường cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay (30/09/2016)

>   Tăng trưởng tín dụng đạt 10.46% tính đến 20/9 (29/09/2016)

>   Đã có ngân hàng vượt trần lãi suất huy động? (29/09/2016)

>   Sáp nhập các Công ty tài chính vào Ngân hàng: “Một mũi tên trúng ba đích” (29/09/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật