Sáp nhập các Công ty tài chính vào Ngân hàng: “Một mũi tên trúng ba đích”
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa chấp thuận về nguyên tắc việc sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Vinaconex Viettel (VVF) vào Ngân hàng SHB và thành lập công ty con là Công ty tài chính tín dụng tiêu dùng, DĐDN đưa tin.
Theo đại diện SHB, Thống đốc NHNN đã chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập VVF (vốn điều lệ 1,000 tỉ đồng) vào SHB (có vốn điều lệ trên 9,485 tỉ đồng) theo đề án sáp nhập đã được Đại hội đồng cổ đông SHB và VVF thông qua.
Có thành làn sóng ?
Có thể nói, vụ mở màn trong việc sáp nhập các Công ty tài chính vào ngân hàng là vụ Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân Đội sáp nhập Công ty tài chính cổ phần Sông Đà (SDFC) và đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH MTV MB (M Finance) với số vốn 500 tỷ đồng.
Tiếp đó, HDBank mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) sau đó chuyển thành HDFinance có vốn điều lệ 550 tỷ. Tháng 6/2015, Techcombank mua lại Công ty tài chính cổ phần Hóa Chất (VCFC) và chuyển thành Công ty tài chính TNHH MTV Kỹ thương (Techcom Finance) vốn 600 tỷ đồng…
Trước thương vụ nhận sáp nhập VW, năm 2012, SHB cũng đã nhận sáp nhập Habubank và đây được xem là trường hợp điển hình của chiến lược sử dụng lực lượng thị trường để tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu của NHNN.
Theo ông Đào Văn Hùng, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia thì hầu hết các Công ty tài chính sáp nhập vào ngân hàng đều đạt được 3 mục tiêu theo yêu cầu NHNN. Việc sáp nhập này đem đến một thị trường tài chính tiêu dùng có lợi hơn cho các tổ chức tín dụng – ông Hùng nói. Tài chính tiêu dùng là một thị trường lớn, với rất nhiều tiềm năng để phát triển, nhất là trong bối cảnh kinh tế VN đang hồi phục… Tín dụng tiêu dùng ngoài đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng của người dân, còn có tác dụng khuyến khích sản xuất của DN. Các nhà sản xuất phải bán được hàng thì mới có động lực để tiếp tục đầu tư cho sản xuất – kinh doanh, từ đó kích thích cho tăng trưởng.
Thúc đẩy cho vay tiêu dùng
Một điểm dễ nhận thấy, các thương vụ sáp nhập những năm gần đây đều thuộc sở hữu của các tập đoàn nhà nước. Hiện vẫn còn khá nhiều Công ty thuộc sở hữu 100% của tập đoàn nhà nước như Công ty tài chính Handico, Công ty tài chính Bưu Điện, Công ty tài chính Cao su… đang trong tầm ngắm sắp tới của các ngân hàng.
Vậy đâu là lý do khiến các ngân hàng đẩy mạnh việc mua lại các Công ty tài chính đến vậy?
Ở thời điểm VPBank và HDBank đi mua Công ty tài chính, thị trường có lẽ không nghĩ xa hơn đến việc mục tiêu mua bán – sáp nhập (M&A) của các ngân hàng là hướng đến chuyên môn hóa trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng (nhất là sau Nghị định 39/2014 của chính phủ cho phép các Công ty tài chính có thể phát hành thẻ tín dụng, tức là hoạt động bán lẻ của ngân hàng thương mại).
Khi đưa ra quy định này, ý định của NHNN là muốn các ngân hàng tách hẳn hoạt động cho vay tiêu dùng (vốn hướng tới đối tượng có thu nhập thấp, không đủ điểm tín dụng để vay ngân hàng) ra khỏi các hoạt động nội bảng của ngân hàng.
Một động cơ khác của NHNN là thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng ở các ngân hàng. Việc đưa ra một quy định “chưa có tiền lệ trên thế giới” sẽ giúp các ngân hàng tập trung vào nhóm đối tượng mà trước nay hầu hết các ngân hàng bỏ qua vì sự manh mún, nhỏ lẻ so với quy mô hoạt động của ngân hàng.
Giải pháp hữu hiệu tái cấu trúc hệ thống tài chính
Theo các chuyên gia, việc cho sáp nhập các Công ty tài chính vào ngân hàng là một mũi tên của NHNN nhắm đến cả ba đối tượng: ngân hàng, Công ty tài chính và các DNNN. Ngoài yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng ở các ngân hàng, còn giúp tái cấu trúc lại các Công ty tài chính và cũng như giúp các tập đoàn nhà nước thoái vốn vì trên thực tế, tái cấu trúc các Công ty tài chính cũng là một phần trong đề án tái cấu trúc hệ thống tài chính của chính phủ. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Hồng Giang, càng chia nhỏ các tổ chức tài chính càng tốt, vì sẽ giảm rủi ro và tăng tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, NHNN muốn ngân hàng thương mại giám sát các Công ty tài chính thay mình.
Một mục tiêu khác mà NHNN hướng đến có lẽ là hỗ trợ các tập đoàn thoái vốn khỏi các Công ty tài chính theo chủ trương thoái vốn ngoài ngành của chính Phủ. Trước đây, thương vụ sáp nhập giữa Tài chính Dầu khí (PVF) có một điểm lợi là giảm tỉ lệ sở hữu của Tập đoàn Dầu khí (PVN) từ 78% xuống còn 52%. Trong khi đó, theo thông cáo báo chí của Vinacomin khi bán hết vốn ở Tài chính Than – Khoáng sản cho VPBank thì lý do chủ yếu là để thoái vốn đầu tư ngoài ngành...
http://enternews.vn/sap-nhap-cac-cty-tai-chinh-vao-ngan-hang-mot-mui-ten-trung-ba-dich.html
|