Thứ Sáu, 30/09/2016 07:54

Mở đường cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay

“Kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%” là mục tiêu cụ thể đến năm 2020 trong kế hoạch tái cơ cấu thị trường tài chính được nêu tại dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, theo tin từ TBKTSG.

Nhà điều hành đang thật sự mong muốn nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia thông qua việc nâng cao sức mạnh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Ảnh: MINH KHUÊ

Chưa bàn đến tính khả thi nhưng rõ ràng mục tiêu trên cho thấy nhà điều hành đang thật sự mong muốn nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia thông qua việc nâng cao sức mạnh và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Về cơ bản lãi suất của một quốc gia sẽ phụ thuộc vào rất nhiều biến số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, tình hình tài khóa, nợ công, xếp hạng tín nhiệm quốc gia... Ngoài ra, việc xử lý nợ xấu là một bài toán thách thức liên hệ mật thiết với mục tiêu giảm lãi suất cho vay tại Việt Nam trong thời gian qua.

Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ xin nêu ra hai vấn đề về dòng vốn huy động của các ngân hàng và mô hình hoạt động của ngân hàng, mà theo người viết, cần phải thay đổi để hỗ trợ cho mục tiêu giảm lãi suất cho vay.

Cho vay lãi suất thả nổi nhưng tại sao tiền gửi lãi suất cố định?

Trong mô thức hoạt động hiện nay ở các tổ chức tín dụng, lãi suất cho vay thường được quy định thả nổi và điều chỉnh theo khung lãi suất của ngân hàng hàng tháng hoặc hàng quí. Khung lãi suất cho vay của ngân hàng phụ thuộc vào lãi suất thị trường, chi phí vốn đầu vào của ngân hàng và khẩu vị rủi ro của ngân hàng tại từng thời điểm. Nếu người vay trả trước hạn sẽ bị phạt với mức phạt phổ biến từ 0.1-0.5% nhân với giá trị khoản vay còn lại và thời hạn vay còn lại.

Tuy nhiên, với người gửi tiền, ngân hàng áp dụng lãi suất cố định trong suốt thời hạn gửi tiền. Nếu rút trước hạn sẽ áp dụng lãi suất không kỳ hạn, phổ biến từ 0.1-0.5%. Quy định này nhằm giúp các ngân hàng tránh được rủi ro thanh khoản khi gặp áp lực rút tiền hàng loạt, hạn chế rủi ro lãi suất khi lãi suất thị trường biến động, cũng như nâng cao khả năng quản trị dòng tiền và tài chính của ngân hàng. Tuy nhiên, mặt trái là nó cũng khiến người gửi tiền không dám gửi với kỳ hạn dài do lo ngại lãi suất thị trường đi lên hoặc khi cần vốn rút trước hạn sẽ bị thiệt hại.

Mặc dù đường cong lãi suất trong những năm gần đây đã dần trở nên hợp lý hơn, theo đó kỳ hạn càng dài sẽ được hưởng lãi suất cao hơn, nhưng người gửi tiền vẫn ưa thích các kỳ hạn ngắn vì khó có thể đoán trước xu hướng lãi suất như thế nào. Chính điều này khiến nguồn vốn của các ngân hàng đang tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, dẫn đến lệch kỳ hạn với các khoản cho vay. Để bù đắp rủi ro kỳ hạn này, cụ thể là rủi ro khi lấy nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn, các ngân hàng buộc phải thiết lập một mức lãi suất cho vay đủ cao.

Nếu nguồn vốn dài hạn tại các ngân hàng tăng lên và đủ đáp ứng cho các khoản vay trung, dài hạn, thì các ngân hàng không cần phải bù đắp rủi ro kỳ hạn bằng cách neo lãi suất cho vay ở mức cao.

Ngoài ra, một số ngân hàng, do khả năng dự báo và quản trị rủi ro không tốt, trước đây đã lỡ huy động các khoản tiền gửi trung, dài hạn với mặt bằng lãi suất cao, nay buộc phải neo lãi suất cho vay ở mức cao để bù lại rủi ro lãi suất gặp phải.

Như vậy, quy định lãi suất tiền gửi cố định trong suốt thời gian gửi vô hình trung đã khiến ngân hàng phải tính lãi suất cho vay cao để bù cho rủi ro kỳ hạn và cả rủi ro lãi suất.

Trong tình hình mặt bằng lãi suất ổn định như hiện nay, các ngân hàng yếu kém cũng đang được xử lý quyết liệt, cần có những sản phẩm tiền gửi có lãi suất thả nổi theo thị trường tương tự như các sản phẩm cho vay.

Điều này sẽ giúp các ngân hàng chủ động được chi phí vốn, từ đó có động lực giảm lãi suất cho vay nhiều hơn. Nếu nguồn vốn dài hạn tại các ngân hàng tăng lên và đủ đáp ứng cho các khoản vay trung, dài hạn thì các ngân hàng không cần phải bù đắp rủi ro kỳ hạn bằng cách neo lãi suất cho vay ở mức cao.

Đứng về phía người gửi tiền, lãi suất được thả nổi sẽ kích thích dòng vốn nhàn rỗi vào ngân hàng ở các kỳ hạn dài hơi hơn. Dĩ nhiên, người gửi tiền sẽ vẫn được quyền chọn sản phẩm huy động lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi, tùy thuộc vào khả năng nhận định xu hướng lãi suất thị trường của từng người. Nếu nhận định lãi suất có thể đi xuống thì chọn các sản phẩm tiền gửi với lãi suất cố định là một lựa chọn khôn ngoan và ngược lại.

Tách bạch ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư

Nghiệp vụ đầu tư luôn có độ rủi ro cao cho các ngân hàng. Chính vì vậy mà năm 1933 nước Mỹ đã ban hành đạo luật Glass- Steagall nhằm tách bạch hoạt động của ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Mặc dù sau đó, vào năm 1999, họ đã thay thế bằng Luật Gramm-Leach-Bliley cho phép hình thành những ngân hàng tổng hợp, nhưng sau cơn bão tài chính năm 2008, đạo luật Dodd-Frank lại được ban hành nhằm hạn chế các hoạt động đầu tư đầy rủi ro của các ngân hàng thương mại.

Trong tình hình Việt Nam, nghiệp vụ đầu tư của các ngân hàng thương mại chủ yếu nằm tại công ty con là các công ty chứng khoán hay quản lý quỹ. Không ít trường hợp các nghiệp vụ đầu tư này đã mang lại những khoản lỗ lớn cho các ngân hàng thương mại, hoặc nguồn vốn của các ngân hàng bị kẹt tại những khoản đầu tư thiếu hiệu quả. Vì vậy, các ngân hàng thương mại có động cơ giữ lãi suất cho vay ở mức cao để bù lại những khoản thua lỗ từ các khoản đầu tư hoặc bù đắp chi phí vốn cho những khoản vốn góp lớn bị kẹt lại mà không hiệu quả.

Do đó, tách bạch ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư là điều kiện cần thiết để hướng tới định hướng giảm lãi suất cho vay. Về cơ bản, ngân hàng thương mại chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ huy động tiền gửi và cho vay, còn ngân hàng đầu tư thì phát hành trái phiếu để gọi vốn, thu xếp vốn cho các dự án dài hạn hoặc đầu tư vào các sản phẩm của thị trường tài chính. Thu hẹp hoạt động đầu tư có thể giúp các ngân hàng thương mại tập trung vào nhiệm vụ chính là huy động và cho vay, từ đó hoạt động hiệu quả hơn và quản trị rủi ro tín dụng tốt hơn...

http://www.thesaigontimes.vn/151953/Mo-duong-cho-muc-tieu-giam-lai-suat-cho-vay.html

Các tin tức khác

>   Tăng trưởng tín dụng đạt 10.46% tính đến 20/9 (29/09/2016)

>   Đã có ngân hàng vượt trần lãi suất huy động? (29/09/2016)

>   Sáp nhập các Công ty tài chính vào Ngân hàng: “Một mũi tên trúng ba đích” (29/09/2016)

>   Dùng ngân sách xử lý nợ xấu: Lợi nhiều, hại ít (29/09/2016)

>   Giá vàng lình xình quanh ngưỡng 36.1 triệu đồng/lượng (29/09/2016)

>   Giá vàng giảm 90,000 đồng, giao dịch quanh ngưỡng 36.1 triệu đồng/lượng (28/09/2016)

>   Nữ cán bộ ngân hàng giả mạo chữ ký, lập hồ sơ khống rút hàng chục tỷ đồng (28/09/2016)

>   Giảm lãi suất huy động: Khỏe thì ra gió? (28/09/2016)

>   10 ngân hàng cho 11 doanh nghiệp vay 3,000 tỷ đồng (28/09/2016)

>   Gói tín dụng 30.000 tỷ đã giải ngân 86,3% (27/09/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật